Những điều cần biết về phẫu thuật thẩm mỹ (phần 9)
Chương 2: Tái tạo da mặt
Phân biệt các loại da và cách chăm sóc
"Cháu 18 tuổi, hay nổi nhiều mụn. Bác sĩ da liễu nói cháu bị da dày, nhờn. Da dày là gì? Có bao nhiêu loại da mặt và cách chăm sóc như thế nào?".
Nói một cách tổng quát, da mặt được chia làm ba loại: da nhờn, da khô và da mịn. Da nhờn thường dày, dễ bị mụn. Để phân biệt các loại da, cháu có thể đọc bảng phân loại như sau:
Loại da | Chẩn đoán | Nên tránh | Săn sóc và điều trị |
Nhờn |
- Da dày và bóng. - Phần dày thấy rõ ở giữa mặt, nhất là mũi, rãnh giữa mũi và má. - Các lỗ chân lông giãn rộng. - Nhiều chất nhầy, nhất là ở mũi và cánh mũi. |
- Đèn cho sạm da. - Tia tử ngoại của mặt trời (cần dùng kem chống nắng). - Các chất có thể gây mụn. - Xà phòng có glycérine |
- Dùng xà phòng nhiều dầu. - Thoa kem có chất gôm mỗi tuần hai lần, sau đó rửa sạch. - Kem chống nhờn. |
Khô |
- Da căng và nhám. - Có cảm giác căng, bị châm chích, bị bỏng nhẹ ở mặt. - Da kém mềm và kém đàn hồi. |
- Xà phòng tẩy mạnh. - Các dung dịch có pha rượu. - Nước có chất vôi. - Dùng xà phòng nhiều. |
- Xà phòng nhiều dầu amandes douces. - Kem nuôi da và giữ nước. - Rửa mặt cẩn thận và chậm lau khô. |
Mịn (nhạy cảm) |
- Da mỏng, trong. - Da trắng, hồng, trong suốt. - Da sáng, lóng lánh. - Da dễ tổn thương khi bị lạnh, gió hoặc nóng quá. - Có cảm giác kéo căng, châm chích hay ngứa da. |
- Thuốc thoa có rượu. - Ánh nắng mặt trời mùa hè hay mùa đông. |
- Dùng dung dịch cho nhiều nước, nhiều chất mỡ. - Xà phòng nhiều dầu. - Rửa mặt nhẹ và cẩn thận. |
Khi đã biết da mặt thuộc loại nào rồi, cần săn sóc da theo hướng dẫn trên để có làn da đẹp, đỡ bị mụn và lâu lão hoá.
Cà da mặt
Cà da mặt là phương pháp điều trị rất có kết quả trong trường hợp da mặt bị gồ ghề, xấu do sẹo mụn, chấn thương hay do phẫu thuật. Ngoài ra, cà da mặt còn được dùng trong một số trường hợp đặc biệt như:
- Da mặt bị lão hóa do ánh nắng mặt trời.
- Điều trị mụn đang tiến triển do da mặt quá dày.
- Bệnh nhân điều trị mụn rất nhiều bằng kháng sinh nhưng không đạt kết quả.
Phẫu thuật cà da mặt khá phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kiến thức đầy đủ cũng như kinh nghiệm về phẫu thuật.
Dù việc cà da mặt đã được người Ai Cập thực hiện 1.500 năm trước công nguyên nhưng các phẫu thuật cà da hiện đại chỉ mới được thực hiện từ năm 1905 do Kromeyer, phẫu thuật viên người Đức thực hiện nhằm giải quyết các sẹo mụn. Kromeyer đã công bố rằng, phương pháp mới dùng máy cà da rất có kết quả trong phẫu thuật về da. Tác giả cũng cho biết nếu không cà vượt quá tầng hạ bì thì kết quả sẽ tốt, không bị sẹo. Kết quả của nơi cà da đẹp hay xấu là tùy theo từng vùng và theo từng người một. Các nhận định này rất quan trọng và làm nền tảng cho phẫu thuật về da sau này.
Từ thập niên 1980 đã có một số tiến bộ trong cà da như sau:
- Yarborough giới thiệu phương pháp cà da sớm để giải quyết các sẹo do chấn thương.
- Johnson đề nghị ghép da rời từng khúm nhỏ để giải quyết các sẹo sâu.
- Hankke nói rõ tác dụng của nhiều loại thuốc tê lạnh tại chỗ trong việc gây tổn thương da. Ông cũng cho biết có thể dùng phương pháp cà da để điều trị u sợi thần kinh.
- Mandy nghiên cứu việc dùng tretinoin trước khi cà da.
- Pinskin và các tác giả khác nghiên cứu tác dụng của các gạc có thấm chất sinh học trong việc làm lành sẹo nơi cà da.
Từ năm 1990 về sau, cà da mặt đã thành một chuyên ngành ổn định để làm phẳng lại da mặt bị lồi lõm do chấn thương hay bệnh tật.
Các chỉ định cà da mặt gồm có:
- Mụn đang tiến triển.
- Sẹo do mụn.
- Sẹo do chấn thương.
- Sẹo do phẫu thuật.
- Da bị lão hóa do ánh nắng mặt trời.
- Điều trị các nếp nhăn ở mặt.
- Rối loạn sắc tố.
- Xóa vết xăm ở da: Tình trạng da bị chấn thương, dính các dị vật vào giống như bị xăm có thể điều trị rất tốt bằng phương pháp cà da. Việc cà da nếu được thực hiện ngay sau khi bị thương, sẽ phòng ngừa được tình trạng da bị thâm đen. Nhưng nếu người bệnh đến bác sĩ muộn, vết thương đã lành da non rồi thì phải chờ đến 8 tuần sau mới nên cà da. Cà da trong giai đoạn này ngoài việc lấy dị vật còn giúp cho sẹo do chấn thương được đẹp.
Xóa vết xăm thẩm mỹ thường khó khăn nếu vết xăm khá sâu. Thường chỉ nên cà da xóa vết xăm cho người trên 25 tuổi, thực sự muốn xóa vết xăm và tâm lý hoàn toàn ổn định.
- Bệnh mũi bị biến dạng, sần sùi giống mũi lân (Rhinophyma).
- Bệnh u sợi thần kinh ở da: Khoảng 85% bệnh nhân bị u sợi thần kinh có bệnh tích ở mặt, làm cho da mặt xấu đi nhiều. Phẫu thuật sẽ giải quyết các khối u lớn, nhưng không thể mổ hàng trăm u nhỏ. Do đó, cà da mặt là biện pháp tốt nhất để giải quyết các trường hợp này.
- Bệnh Trichóepithelioma: Là loại u ngoài da, gây biến dạng da mặt rất nhiều. Một số trường hợp có thể thoái hóa thành ung thư tế bào đáy ở da. Phương pháp cà da mặt điều trị bệnh này cho kết quả rất tốt. Có ít trường hợp bệnh tái phát.
Những thành tựu mới trong việc lột da mặt
Lột da mặt là phương pháp lấy bớt lớp ngoài của da (danh từ y học là tầng sừng) gồm các tế bào da bị thoái hóa, dày lên và chứa đựng nhiều bệnh tích của sự lão hóa. Thuốc lột thường là các hóa chất, tác dụng lên da mặt, ăn mòn các lớp da phía ngoài. Tùy theo độ sâu của lớp da bị ăn mòn, người ta chia lột da mặt làm ba loại:
- Lột nhẹ: Lấy hết lớp biểu bì đến tầng tế bào đáy nằm giữa phần biểu bì và bì.
- Lột trung bình: Độ sâu đến phần gai bì của da.
- Lột sâu: Phần da lột sâu đến phần tổ chức mạng của da.
Yêu cầu đối với thuốc lột mặt là cách dùng đơn giản nhất, ít biến chứng cho da mặt và ít nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Với các yêu cầu đó, thuốc lột da bằng axit trichloroacetic (gọi tắt là TCA) đáp ứng được các yêu cầu đó. Thuốc này không độc cho cơ thể, không gây dị ứng. Các dung dịch pha vào nước có thể dùng ở các nồng độ khác nhau khi cần thiết. Sau khi pha chế, thuốc có thể giữ được khoảng hai năm.
Kỹ thuật lột da
Da mặt cần được chuẩn bị sạch trước hai tuần. Người bệnh cần sẵn sàng để lột, không trang điểm khi đến phòng mạch. Da mặt được làm sạch bằng axit glycolic 5%, sau đó sát trùng với cồn 70 độ. Không dùng acetone hay các chất tẩy da khác để rửa da vì các chất này có thể làm cho bệnh nhân khó chịu và khiến TCA ngấm vào sâu hơn trong da. Tác dụng của các chất thuốc rửa da là làm sạch lớp biểu bì, làm cho mỏng và sạch lớp tầng sừng. Nếu cần lột da sâu, có thể tăng nồng độ axít hoặc lột da bằng cách thoa thuốc nhiều lần.
Sau khi rửa sạch da, khách được đặt nằm trên bàn mổ (đầu cao khoảng 45 độ). Tư thế này làm cho thuốc lột không chảy vào mắt. Không cần sử dụng máy theo dõi nhịp tim mặc dù có thể bác sĩ muốn có sẵn đường truyền tĩnh mạch để truyền các thuốc an thần. Cảm giác bị nóng do lột bằng TCA thường nhẹ và sẽ hết trong vài phút.
Cách lột da được áp dụng chung cho tất cả các dung dịch thuốc lột có nồng độ khác nhau. Bác sĩ sẽ dùng miếng gạc nhỏ xếp lại làm đôi để bôi thuốc TCA lên da. Dùng que bông để bôi thuốc lên da cũng được nhưng không đủ mạnh để thuốc thấm đều lên da.
TCA là hóa chất có tác dụng tốt và làm đông chất protein ở da, làm cho da trắng nhanh và càng căng vùng trắng. Tính chất khi lột nhẹ và lột trung bình có thể sắp theo thứ tự như sau:
- Da không có màu trắng: Da có vẻ bóng và láng hơn nhưng không thay đổi màu sắc. Đây là trường hợp chỉ lột lớp biểu bì bên ngoài.
- Da có trắng nhẹ không đều: Thêm vào vẻ bóng sáng của da, trên da thấy rải rác các điểm trắng. Đây là lột da sâu giữa lớp biểu bì.
- Da trắng hoàn toàn với màu hồng phía dưới: Là lột da sâu đến tầng đáy của biểu bì.
- Da trắng cứng và không có lớp hồng ở dưới: Đây là lột da sâu đến hết gai bì và bì.
Những thành tựu mới trong việc lột da mặt (tiếp)
Người ta dùng TCA nồng độ từ 10% đến 25% để lột da ở sâu biểu bì và nồng độ 30% đến 40% để lột da sâu đến gai bì và bì. Chiều sâu của lớp da được lột phụ thuộc vào sự chuẩn bị trước, độ nhờn, bề dày của da, số lượng chất axit được dùng. Việc bôi lại chất axit trên da đã trắng sẽ làm axit thấm sâu vào da hơn. Do đó, để an toàn, nên dùng TCA nồng độ thấp và bôi nhiều lần khi cần.
Sau khi bôi thuốc, lột đến độ sâu cần thiết, bác sĩ sẽ lau mặt người bệnh với nước thông thường. Điều này giúp pha loãng chất axit ứ đọng, ngăn không cho axit thấm sâu. Sau đó, thoa da bằng kem Hydrocortisone 1% cho da được ướt đều. Điều này làm bệnh nhân dễ chịu và giảm cảm giác ngứa.
Sau khi lột da mặt bằng TCA
Người được bôi thuốc TCA nên rửa mặt hai lần mỗi ngày với các loại xà phòng rửa mặt nhẹ và bôi da bằng kem Hydrocortisone 1% thường xuyên cho da được mềm. Không cần bôi kháng sinh. Các trường hợp lột mặt mạnh (sâu trung bình) có thể uống kháng sinh trong 5-7 ngày sau khi lột da. Vì việc lột da không tạo vết thương hở nên không cần dùng kháng sinh trước và trong khi lột da.
Nếu bị nhiễm trùng da (do vi trùng staphylococcus hay streptococcus, hiếm gặp), nên dùng thuốc kháng sinh cephalosporin, uống ngày hai lần.
- Lột nhẹ (biểu bì): Lành trong 3 đến 4 ngày.
- Lột sâu hơn (gai bì): Lành trong 6 đến 8 ngày.
Điều quan trọng là 48 giờ sau khi da lột được lành, bệnh nhân phải dùng thuốc Retin-A hay axit alphahydroxy cùng với hydroquinone và thuốc che nắng phổ rộng. Da trở lại bình thường sau khi bôi thuốc hai tháng. Trong thời gian đó, bệnh nhân phải tránh nắng, được theo dõi và dùng thuốc dưỡng da thích hợp.
Do không gây các vết thương sâu nên các biến chứng như sẹo, nhiễm trùng, da bị đỏ kéo dài và mất màu vĩnh viễn rất ít xảy ra.
Kết quả của phương pháp lột da bằng TCA theo thời gian
Lột da sâu có kết quả rất lâu. Với phương pháp lột nhẹ, nếu có dùng thêm các thuốc dưỡng da thì kết quả lâu hơn, có thể kéo dài đến cả năm (nếu không dưỡng da, kết quả chỉ được khoảng 3 tháng). Ở các trường hợp lột sâu, tác dụng kéo dài đến nhiều năm.
Thời điểm bôi thuốc lột lần kế tiếp được xác định tùy theo lần lột đầu là nhẹ hay mạnh. Nếu lột nhẹ, có thể lột lại sau một hai tuần. Nếu lột sâu trung bình, cần chở 6 tuần và nếu lột sâu thì phải chờ ít nhất 2 tháng.
Tóm lại, TCA là thuốc lột da mới dễ dùng và ít tai biến, là phương tiện an toàn để làm trẻ hóa da mặt, đem lại mùa xuân cho da mặt, góp cơ thể con người.