Những điều cần biết về phẫu thuật thẩm mỹ (phần 19)
Chương 3: Điều trị sẹo mụn
Nguyên nhân gây mụn
Mụn là bệnh mạn tính của nang lông, nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến nhiều sẹo xấu ở mặt. Bệnh xuất hiện vào tuổi dậy thì và xảy ra ở khoảng 80% người tuổi vị thành niên, chấm dứt vào tuổi từ 18 đến 20. Có một số người bệnh kéo dài đến khi trưởng thành. Đây là một loại bệnh di truyền, xảy ra ở vùng mặt và phần trên ngực, nơi có nhiều tuyến bã.
Có ba hiện tượng bệnh lý xảy ra ở nang lông đưa đến sự hình thành mụn:
1. Sự bài tiết chất bã
Có hiện tượng tăng sự bài tiết chất bã là do:
- Sự gia tăng hoạt tính của men 5 alpha-réductase chuyển testostérone thành dihydrotestostérone.
- Giảm protein mang testostérone lưu thông, đôi khi làm tăng testostérone tại nang lông.
- Sản xuất quả nhiều androgènes ở phụ nữ, gây ra nam hóa, rụng tóc và mụn.
2. Tăng sự sừng hóa ở nơi bài tiếp bì (lỗ chân lông)
Các chất bã chứa một lượng axit béo cao, kích thích lỗ chân lông và làm tăng sự sừng hóa. Sự ký sinh của vi sinh vật mụn tên là Propionibactérium Acnes (PA) cũng sinh ra chất men thủy phân triglycerides thành axit béo. PA tăng sinh nhiều, tạo ra các chất sừng và chất bã, hình thành còi mụn.
Người ta phân biệt 2 loại còi mụn: loại lộ ra ngoài thành chấm đen và loại kín dạng u nang nhỏ. Sự hình thành còi mụn còn do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như:
- Dùng các loại mỹ phẩm có nhiều chất mỡ (chất nhờn)
- Dùng chất lưu huỳnh.
- Ánh mặt trời.
- Sức nóng.
- Độ ẩm.
3. Viêm nang nông
Do sự vỡ màng bao mỏng của còi mụn, vi trùng PA tiết ra các men hualuronidases, protéases, amylases làm tan màng bao còi mụn. Chất lysosyme được phóng thích làm vỡ túi nang lông và hình thành tổ chức mô hạt viêm. Về lâm sàng, đây là các mụn mủ, đôi khi là những nang cứng sâu dưới da.