Tiêm phòng sởi rồi vẫn mắc bệnh?
Hỏi: Con trai tôi 17 tháng tuổi. Cháu đã tiêm phòng bệnh sởi. Nhưng vừa qua cháu bị sốt cao 38-40 độ, khoảng 3 ngày rồi nổi ban đỏ thì hết sốt. Có phải như thế là cháu bị bệnh sởi? Có phải tiêm vacxin phòng sởi rồi vẫn bị mắc nhưng sẽ nhẹ hơn? (Trần Thị Xuân Phương)
Đáp: Sởi là một bệnh virus cấp tính, có tính lây, gây thành dịch làm sốt, ho, viêm niêm mạc, phát ban hay gây bệnh ở trẻ em, người lớn và thanh niên ít bị, có miễn dịch lâu bền (nếu đã mắc sởi 1 lần thì sẽ không bị lại nữa).
- Đường lây: trực tiếp qua đường hô hấp và niêm mạc, khi đứng gần bệnh nhân trong vòng chu vi 1,5 -2m đường kính, do đờm dãi bắn vào, dễ lây nhất là trước và trong khi phát ban.
- Vacxin: Có 2 loại vacxin chết và vacxin giảm hoạt:
+ Loại vacxin chết hiện nay không dùng nữa vì phải tiêm nhiều lần, gây miễn dịch yếu, nếu hồi nhỏ tiêm loại vacxin này mà không tiêm nhắc lại đủ lần cũng có thể bị mắc bệnh sởi, tuy nhiên có miễn dịch yếu nên biểu hiện cũng nhẹ hơn.
+ Vacxin giảm hoạt: chỉ tiêm có 1 lần, có miễn dịch tốt, lâu bền, hầu như không mắc bệnh sởi sau khi chủng ngừa.
Trường hợp cháu 17 tháng tuổi có sốt sau đó phát ban có 2 khả năng xảy ra:
+ Chưa chắc chắn cháu bị bệnh sởi vì trong bệnh sởi sốt kèm viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc mắt, sốt tăng lên khi sởi sắp mọc, sau 3-4 ngày ban xuất hiện ở sau tai, mặt, xuống thân, 2 tay, ban bay đi cũng tuần tự như vậy kèm theo sốt giảm dần, để lại những vết thâm li ti. Vì vậy bạn cần phân biệt với các loại sốt phát ban khác.
+ Nếu có các triệu chứng như trên thì có thể cháu bị sởi do trước đây tiêm loại vacxin chết mà chưa tiêm nhắc lại.
BS Bạch Long