Tiêm phòng - cách ngừa bệnh viêm gan B tốt nhất
Tại Singapore, sau 8 năm thực hiện tiêm chủng phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm 18 lần. Tiêm chủng còn là một biện pháp phòng ngừa ung thư gan hữu hiệu, vì đa số trường hợp ung thư gan đều bắt nguồn từ nhiễm virus viêm gan B.
Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ người mang virus viêm gan B cao, cứ 8 người thì có 1 bị nhiễm. Họ có khả năng chuyển sang bị viêm gan mạn tính, tiến triển tới xơ gan và ung thư gan, dẫn đến tử vong sớm do không phát hiện và điều trị đúng cách.
Hơn 80% người mang virus viêm gan B không có triệu chứng rõ ràng, họ vẫn cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Chỉ khoảng 20% có những dấu hiệu ban đầu như mệt mỏi, chán ăn, nôn ói... kéo dài trong vài ngày, rồi chuyển sang giai đoạn vàng da, vàng mắt... Viêm gan quá nặng có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Viêm gan B thường lây qua các con đường sau:
- Truyền máu.
- Tiếp xúc với máu hay các chất dịch của bệnh nhân trong khi da hoặc niêm mạc bị trầy sướt, bị đâm thủng như trong các trường hợp: tiêm chích xì ke, châm cứu, xăm mình, xỏ lỗ tai, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu...
- Qua dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng khi chữa răng, nội soi hoặc nạo thai... ở những cơ sở y tế không đảm bảo.
- Tiếp xúc tình dục với người bệnh mà không dùng bao cao su.
- Đường truyền mẹ con.
Tiêm chủng phòng viêm gan B có thể đạt hiệu quả trên 95% ở trẻ em. Nên cho các cháu tiêm càng sớm càng tốt và tiêm đủ ba mũi. Đối với người lớn, cần làm xét nghiệm trước khi chủng ngừa. Nếu chưa bị bệnh cũng chỉ cần tiêm 3 mũi. Trường hợp quên mũi thứ ba thì trong thời gian 3 năm (kể từ khi thực hiện mũi thứ hai) có thể tiêm tiếp mà không cần lặp lại từ đầu. Khi phát hiện đã bị bệnh, nên theo dõi và điều trị, không cần tiêm chủng.
BS Bùi Hữu Hoàng
(Báo Người Lao Động)