ĐỖ HỒNG NGỌC

N H À  H À N G  K H Ô N G  K H Ó I  T H U Ố C

"Nhớ nhà quăng điếu thuốc"

  Người bạn ư ử hát: Trên đường về nhớ đầy/ Chiều chậm đưa chân ngày… Ngỡ lòng mình là rừng/ Ngỡ hồn mình là mây/ Nhớ nhà quăng điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây…

Bỏ hút mới là sành điệu

Va  anh "quăng" điếu thuốc thiệt! Ai cũng tưởng anh nói chơi cho vui! Thì ra anh đang tập bỏ thuốc lá và anh hứa với vợ con là sẽ quyết tâm bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá bây giờ trở thành "quê" quá! Thay vì như ngày xưa, người ta cho người hút thuốc là sành điệu, là lịch lãm…; bây giờ thì ngược lại! Lên máy bay: cấm hút, vô hội nghị thì phải chui vào toa-lét để hút, bước tới nhà hàng cũng phải tìm khu vực riêng mịt mù khói thuốc để thở! Thấy mình ngậm điếu thuốc trên môi, ai cũng nhìn thương hại, tỏ vẻ khó chịu. Mời ai điếu thuốc họ lắc đầu rồi nhã nhặn nói cám ơn mà ứa gan (!?). Nhưng khổ nhất là vợ con. Rồi vì thương vợ thương con mà anh lỡ hứa từ nay "nhớ nhà quăng điếu thuốc" thay vì "nhớ nhà châm điếu thuốc", ít ra thì khói huyền cũng bay lên cây chớ không phải bay vô phổi mình! 

 Nhưng "quăng" có dễ không, mới là vấn đề! "Dễ ợt! Tôi đã bỏ thuốc lá cả trăm lần rồi!", nhà văn Mỹ Mark Twain đã nói như thế! Nghĩ cũng ngộ, tại các nước phát triển ngày nay tỷ lệ hút thuốc lá ngày càng giảm, trong khi ở các nước nghèo vẫn đốt hàng tỉ đồng mỗi năm cho thuốc lá! Đã nghèo lại nghèo thêm! Cũng tại vì "người khôn ăn bòn kẻ dại". Họ khôn, họ tích cực hạn chế hút thuốc lá ở xứ họ vì sợ hại môi trường, sợ gây bệnh cho dân họ nhưng cứ sản xuất ào ào để xuất khẩu sang các nước nghèo như ta! Còn dụ ta hút đủ thứ. Các chiến dịch quảng cáo thuốc lá hàng năm bỏ ra hai, ba tỉ đô la để làm quảng cáo, trong khi chương trình chống tác hại thuốc lá chỉ có vài triệu.  Điều ngộ nghĩnh là các hãng thuốc lá đua nhau "tài trợ" cho các chương trình chống thuốc lá, nhất là cho đối tượng đầy "tiềm năng" là thanh thiếu niên!

 Tác hại của thuốc lá quá nhiều, ai cũng biết, chẳng hạn thuốc lá chứa đến 4.000 chất rất độc gây chết người như nicotine, arsenic, cyanide, carbon monoxide và formaldehyde… với khoảng 43 chất gây ung thư đã được biết rõ. Các nghiên cứu cho thấy có đến 28 thứ bệnh có liên quan đến hút thuốc lá từ tim mạch đến dạ dày, ung thư đến đẻ non, chẻ vòm hầu ở trẻ sơ sinh, liệt dương ở đàn ông… Tuy vậy ở những người đã nghiện thật sự rồi thì rất khó mà "quăng" điếu thuốc!

Học cách bỏ thuốc

Người ta sinh ra không phải tự nhiên mà biết hút thuốc lá như biết bú sữa mẹ! Lúc đầu hút thử, hút chơi, sặc sụa, nhức đầu, đắng miệng, nôn oẹ… sau đó mới quen dần và ghiền lúc nào không hay! Vậy muốn "quăng" thuốc lá cũng cần phải trải qua một quá trình "học tập" khó khăn không kém, với quyết tâm cao, và có cả một kế hoạch từng bước mới hy vọng thành công.

 Người bỏ thuốc lá phải sẵn sàng chấp nhận thất bại. Không buồn, không nản. Dĩ nhiên nếu có sự hỗ trợ của nhóm bạn bè, của y tế, của môi trường chung quanh càng tốt.

Cần "coi ngày" tốt để bỏ thuốc lá! Đừng chọn đúng vào ngày sinh nhật vì sẽ có ngay lý do để triển hạn.Tập luyện thể lực, uống nhiều nước và ăn uống với một thực đơn quân bình, nhiều rau trái. Tập "ghét" thuốc lá dần dần bằng cách chọn một loại thuốc không ưa thích lắm để hút trong những ngày đầu. Hút nửa điếu rồi bỏ. Giả bộ quên mang thuốc theo mình.  Giấu kỹ hộp quẹt ở đâu đó, khó tìm một chút. Mua thuốc lá lẻ, đừng mua nguyên bao. Từng bước như vậy trong năm bảy hôm thì đến ngày N, ngày bạn quyết tâm "quăng". Mời vợ con và năm ba người bạn thân không hút thuốc lá  đến "chứng giám". Thăm viếng các nơi… cấm hút thuốc lá, đi ăn ở nhà hàng có khu vực "không khói thuốc" với vợ con, với người yêu…

Thế nào rồi cơn nghiện cũng sẽ đến. Chuẩn bị trước để đỡ lúng túng. Làm việc gì đó luôn tay để hai tay bận rộn đến nỗi dù các ngón tay ngứa ngáy nhột nhạt nhớ thuốc cũng đành chịu. Đánh răng thường xuyên. Thở sâu. Tập dưỡng sinh. Thiền. Yoga.

Tuần lễ đầu, "tình cảnh" khá là trầm trọng, đến nỗi nhiều người chịu không nổi, đành bỏ cuộc: Thí dụ thấy ho, ho dữ dội, ho nhiều hơn! Nghe nói hút thuốc làm cho ho, nay thấy bỏ thuốc mà còn ho nhiều hơn, đâm hoảng! Thực ra ho rất cần thiết để làm sạch buồng phổi ám khói lâu nay! Ho là cách giải độc, chỉ kéo dài chừng một tuần rồi hết. Cũng dễ thấy khô miệng, đắng chát. Bón. Toát mồ hôi. Đói bụng. Nhức đầu vì… ghiền!   Thường trong tuần đầu dễ quay quắt, mất ngủ. "Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên"!

 Các nghiên cứu cho thấy sau khoảng 12 giờ bỏ hút, cơ thể bắt đầu thay đổi, tiếp tục loại dần dần độc chất. Sau một tuần, đã thở dễ hơn, thông thoáng hơn, mũi nghe mùi tốt hơn, ăn ngon hơn, thưởng thức thức ăn tốt hơn. Bớt thấy ghiền và như vậy là đã thành công rồi vậy!

BS. ĐỖ HỒNG NGỌC


"Chỗ ngồi ăn không ngon, không ngon...!""
"Kẻ lữ hành không mệt mỏi của đuờng dài"
"Nhớ nhà quăng điếu thuốc"
... Đo rồi đếm...
Anh Còn Nợ
Bệnh viện Nhi Đồng 3, tại sao không?
Chùm thơ: "Vòng quanh", "Nhớ", "La Ngà"
Cám ơn ASIMO
Gió Heo May Đã Về (I)
Hạnh phúc rất đơn sơ
Không có thì giờ !
Làm thầy thuốc chữa bệnh cho người, làm thơ chữa bệnh cho mình
Nghĩ từ trái tim
Nghề y
Như không thôi đi được
Những bệnh vô duyên.
Sân trước một cành mai…
Tham vấn sức khỏe
Thư Cho Bé Sơ Sinh
Đâu phải tự nhiên
Đầu tư lệch pha
“Đầu vào” y khoa


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn