“Đầu vào” y khoa
BS ĐỖ HỒNG NGỌC
TT - Năm 1962, cách đây 45 năm, tôi thi vào dự bị y khoa (APM) Đại học Y khoa Sài Gòn. Hồi đó y khoa học bảy năm, gồm một năm dự bị - học tại Đại học Khoa học - cuối năm nếu đậu thì học tiếp sáu năm nữa ở “Y khoa Đại học đường Sài Gòn”, đường Trần Quí Cáp, nay là Võ Văn Tần, ra trường với một luận án tiến sĩ y khoa quốc gia, hay còn thường gọi là “bác sĩ”. Thi vào APM không dễ chút nào! Tỉ lệ đậu chỉ vào khoảng 10%. Tôi còn nhớ lúc đó thi APM có các môn toán, lý, hóa, sinh, sinh ngữ và đặc biệt có thi môn “kiến thức tổng quát” với 20 câu hỏi:
Thủ đô Brazil là gì? Ai là ông tổ y khoa thế giới? Ai là ông tổ y khoa VN? Người thầy thuốc nổi tiếng thời Tam Quốc tên gì? Người thầy thuốc nổi tiếng thời Xuân Thu tên gì?... và... Giá gạo trên thị trường bao nhiêu một ký? Giá than bao nhiêu một ký? Nhờ hồi nhỏ đọc cả bụng truyện Tàu nên tôi không lạ Hoa Đà, Biển Thước, lại nhờ ở trọ ăn cơm tháng trong xóm Bàn Cờ nên không lạ giá gạo giá than! Vậy là đậu, đậu khá cao, dù là dân tỉnh lẻ lên Sài Gòn “du học”. Khi vào năm thứ nhất y khoa thì ấn tượng là buổi giáo sư khoa trưởng - bác sĩ Phạm Biểu Tâm gặp gỡ tân sinh viên. Thầy nói: “Y khoa là một nghề cao quí nếu ta muốn cao quí, cũng là một nghề thấp hèn nếu ta muốn thấp hèn. Bác sĩ là một sinh viên y khoa suốt đời. Trong khi hành nghề khó tránh khỏi đôi lúc ân hận nhưng đừng bao giờ để phải hối hận”. Những lời thầy nói từ ngày đó vẫn được lứa học trò chúng tôi nhắc lại trong những buổi họp mặt đồng khóa hằng năm.
Tại Mỹ, Canada và các nước phát triển hiện nay, đa số các trường y khoa đào tạo bác sĩ sau cử nhân. Thí sinh buộc phải có chứng chỉ MCAT (Medical College Admission Test) cùng một số điều kiện khác như điểm học lực, giấy giới thiệu, năng khiếu hoạt động ngoại khóa (thể thao, văn nghệ...) và qua một cuộc phỏng vấn sàng lọc. MCAT là một cuộc thi tổng hợp, gồm bốn phần: vật lý và hóa vô cơ, sinh học và hóa hữu cơ; một trắc nghiệm nhằm đánh giá khả năng suy luận, giải quyết tình huống của thí sinh; và một bài luận văn để đánh giá kỹ năng viết, bình luận, nhận định về một hoặc hai chủ đề cho sẵn. MCAT như vậy không chỉ nhằm khảo sát kiến thức các khoa học liên quan đến ngành y mà đặc biệt chú trọng đến các năng lực khác của người thầy thuốc tương lai.
Tại Singapore, ngoài hệ đào tạo bác sĩ sau cử nhân đòi hỏi phải có MCAT như trên thì hệ đào tạo sau phổ thông (tú tài) cũng sàng lọc đầu vào rất chặt chẽ. Không chỉ dựa vào học lực hàn lâm, điểm của các môn sinh học, vật lý, hóa học mà còn xem xét nhiều khía cạnh khác. Điểm của ba môn khoa học căn bản trên dù cao cũng không được coi là ưu tiên. Theo họ, nghề y là một nghề đặc biệt, muốn đào tạo người thầy thuốc vừa có năng lực chuyên môn vừa có lòng nhân ái thì điều kiện tuyển chọn cũng phải đặc biệt.
Tại Singapore, năm 2007 chẳng hạn, điều kiện tuyển chọn như sau: ngoài các môn sinh, lý, hóa phải đạt điểm A, thí sinh phải qua hai đợt phỏng vấn, một của hội đồng khoa nhà trường và một của nhóm bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên đàn anh. Đây quả là một điểm lý thú trong tuyển sinh. Phỏng vấn viên được chọn lựa, tập huấn kỹ để cuộc phỏng vấn trung thực và chất lượng. Nếu thí sinh là người quen thì phỏng vấn viên phải từ chối để chọn người khác. Trước đó thí sinh phải nộp một bộ hồ sơ gồm hai giấy giới thiệu, bản cam kết, một lý lịch hoạt động ngoại khóa. Hồ sơ này sẽ được nghiên cứu kỹ trước khi phỏng vấn. Thí sinh còn phải viết một bài luận văn về một đề tài cho ngay tại chỗ trong vòng 45 phút để đánh giá trình độ nhận thức, kỹ năng viết của họ.
Từ nhiều năm qua, các trường y khoa của nước ta từ Bắc chí Nam thi tuyển sinh chỉ dựa vào một kỳ thi có ba môn là toán, hóa, sinh. Hai môn hóa và sinh “ai cũng như ai” nên chỉ hơn thua nhau chủ yếu ở môn toán. Như vậy, chỉ những ai giỏi toán mới dễ đậu vào y khoa. Đây quả là một nghịch lý đối với một ngành học đặc biệt đòi hỏi nhiều đức tính khác ngoài khả năng suy luận toán học.
Có lẽ đã đến lúc cần coi lại “đầu vào” khi tuyển sinh đào tạo người thầy thuốc tương lai, nhất là vào thời buổi hội nhập như hiện nay.
BS ĐỖ HỒNG NGỌC
name:
NGUYEN HUU TUNG
email:
tung.nguyen@hoanmyhospital.com
Date:
07/03/11
Kinh goi bs Do Hong Ngoc.
That ly thu de doc lai va nho lai duoc nhung dieu kien nhap mon nghe lam thay thuoc.
Nganh y la nghe dac biet vi chi co bs moi co quyen tiep xuc the xac cua nguoi khac theo phap luat. Do do truoc het cai tam phai trong sang. Cai dau phai tinh tao . Y khoa la khoa hoc khong chac chan, nen nguoi thay thuoc phai hoc suot doi. Doi khi ngay mai ve huu, nhung hom nay co the co rui ro cho nguoi benh. Do do nguoi thay thuoc can phai hoc lien tuc, de giam di nguy co cho nguoi benh.
Toi mo uoc co mot mai truong y khoa dung nhu y nghia cua no de dao tao ra nguoi thay thuoc: nguoi thay thuoc la nguoi phai gioi ve nghe nghiep, va phai co tam hon nhan ai va cao thuong.
Hien nay toi dang deo duoi de lam viec do, co the ngay hom nay chua thanh, nhung toi hy vong ngay mai se dat.
Xin cam on BS.
Va chuc anh luon khoe manh.