Nghề y
Có lẽ nghề Y là một nghề hết sức đặc biệt, liên quan đến sinh
mạng của con người nên phải được huấn luyện rất lâu, rất kỹ, mà
giai đoạn đầu đã phải mất khoảng 6-8 năm. Sau đó, còn phải học
thêm 3-4 năm nữa để có thể thành một thầy thuốc có đủ khả năng
hành nghề chuyên khoa. Rồi phải thêm chừng 10 năm kinh nghiệm
nữa mới có thể gọi là thấu đáo, vững vàng trong nghề nghiệp.
Trong suốt 10 năm đào tạo huấn luyện “cơ bản” như thế, người
thầy thuốc đã bị “vo tròn bóp méo” thế nào, để rồi sau này trong
cuộc sống ta thường thấy mọi người cười họ hay bị “méo mó nghề
nghiệp” !
Trong huấn luyện, họ phải rèn tập những kỹ năng gần như “máy móc
hóa” : một làn dao, một mũi kim đều không thể ngẫu hứng tình cờ.
Họ cũng phải học cả những thái độ, cử chỉ, cách ứng xử với từng
trường hợp – giờ giấc hoạt động của họ được lên khuôn – chương
trình hóa một cách chính xác . . . Rồi cả cách ăn mặc, cách nói
năng. Rồi những tiêu chuẩn, những đòi hỏi trong phẩm chất đạo
đức.
Họ chịu trách nhiệm về phần xác – và cả một phần tâm hồn – của
thân chủ. Một sự chậm trễ thờ ơ của họ có thể làm chết người,
một sự cẩu thả, đùa cợt trong lời nói có thể gây nỗi đau đớn cho
người khác. Chỉ có họ mới đang đêm khuya người ta có thể dựng
dậy để nghe mô tả về phân, về nước ối, về sự khó ở của người
khác. Nhưng cũng chỉ có họ, mới được người ta tin cậy mà thổ lộ
tất cả “tâm can”, những đau đớn thể chất, tinh thần – bởi vì họ
đã thề trước ông tổ của nghề nghiệp là không bao giờ tiết lộ bí
mật của người bệnh. Có những điều người bệnh không thể nói với
ai – dù là cha mẹ, vợ chồng, con cái – mà chỉ nói được với người
thầy thuốc.
Để rèn luyện một nghề nghiệp như thế, họ ngay từ những ngày đầu
đã được khoác lên người chiếc áo blouse trắng, bỏ đi bộ quần áo
quen thuộc, nếp sống cũ ở ngoài kia. Họ mày mò với xác chết, với
các bộ xương người, họ qua lại trong môi trường đầy không khí
trang nghiêm, trách nhiệm cao – sơ sẩy là chết người – làm quen
với mùi máu, mủ, phân và nước tiểu, nước ối . . ., tập nghe
tiếng rên la, tập nhìn con người trần trụi, tênh hênh với những
sự thực phũ phàng, với những đớn đau của nó. Để rồi ngày tháng
dần qua, họ đổi thay lúc nào không hay, họ nói năng trịnh trọng,
họ nhìn như quan sát, họ hỏi như điều tra, họ bình tĩnh đến lạnh
lùng, họ che dấu cảm xúc rất khéo léo – nghĩa là họ thành một
con người khác : một bác sĩ, một người “thầy thuốc” !
Mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân là một mối quan hệ rất
đặc biệt. Người bệnh đến với thầy thuốc không chỉ tìm kiếm những
thông tin liên quan đến bệnh tật, đến thuốc men, mà còn mang
theo cả những nỗi băn khoăn, lo lắng và sợ hãi . . .
Thầy thuốc không chỉ là một chuyên viên tư vấn (consultant) về y
học mà còn phải là một chuyên viên tham vấn (counsellor) về sức
khỏe, bởi người bênh đến với họ vì tin tưởng rằng người thầy
thuốc ngoài việc chữa bệnh còn có thể an ủi, giúp đỡ họ.
Người bệnh cũng rất nhạy cảm với những “truyền thông không lời”
trong mối giao tiếp đặc biệt này. Chỉ cần nhìn nét mặt, cử chỉ,
nghe giọng nói, cái vỗ vai, cái bắt tay . . . cũng được bệnh
nhân hiểu bao nhiêu điều . . .
BS. Đỗ Hồng Ngọc