ĐỖ HỒNG NGỌC

Đầu tư lệch pha

Theo dõi sức khỏe bệnh nhi. Ảnh Mai Hải.

Mọi người - cấp trên, gia đình người bệnh, báo chí, tòa án - đều nêu ra một giải pháp đơn giản: bác sĩ, y tá, cán bộ nhân viên các bệnh viện phải hy sinh để làm tròn nhiệm vụ, sức khỏe con người là vô giá. Mặc dù mọi trang thiết bị trong bệnh viện như: máy siêu âm, scanner, phòng xét nghiệm, thuốc men v.v... và v.v... không ai cho không các bệnh viện. Thôi, bác sĩ, y tá cứ chịu ăn lương ít, bụng đói, cứ thức thâu đêm đứng mổ...”.

Sinh thời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết như thế, đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống của Bộ Y tế ngày 21-8-1996 (vừa được đăng lại gần đây). Ông còn nói thêm: Có lẽ giám đốc bệnh viện và các bác sĩ, y tá ngày nay là những người khó sống lâu nhất vì ngày đêm “nơm nớp” lo lắng để đuổi kịp những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, hiệu nghiệm nhất nhằm chữa trị cho bệnh nhân; “nơm nớp” về những bất trắc trong lúc hành nghề có thể bị lên báo, bị kiện tụng khắp nơi và “nơm nớp” về... tiền học phí cho con, nhà giột, mẹ già, vợ ốm...

  • Khả năng hạn chế trong khi nhu cầu quá tải

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết điều trị của Bộ Y tế, thứ trưởng Lê Ngọc Trọng cũng cho biết khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân còn hạn chế; hậu cần, quản trị bệnh viện yếu kém; sử dụng thuốc chưa hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện còn chậm; hầu hết các bệnh viện quá thiếu trang thiết bị, tuyến trung ương bị quá tải trầm trọng. Để giải quyết các vấn đề này, theo ông, chính giám đốc các bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Và “Sẽ tiếp tục đổi mới sâu sắc, toàn diện công tác bệnh viện, từng bước xây dựng bệnh viện hiện đại với mô hình là bệnh viện khách sạn”.

Báo chí cũng lên tiếng nhiều lần về tình trạng quá tải của các bệnh viện, “thiếu ô-xy, dư thừa... mồ hôi người”, bác sĩ “chỉ kịp nhìn bệnh nhân rồi kê toa” do tình trạng quá đông bệnh nhân. Tình trạng quá tải này thường rơi vào các bệnh viện đã xây dựng được “thương hiệu” mạnh, đã định hình trong tâm trí người dân nên bệnh nặng, nhẹ gì họ cũng tìm đến! Có vẻ không thật đúng khi nói đến bệnh viện, người ta nhắc đến “cửa hàng siêu thị”, rồi “khách sạn”, “thương hiệu” để so sánh... Có vẻ rồi đây bệnh viện dần dần trở thành nơi trao đổi, mua bán sức khỏe, kinh doanh sức khỏe, là nơi người ta được chăm sóc với những dịch vụ 3 sao, 5 sao.

Trên thực tế thì người ta chưa bao giờ nghe siêu thị, khách sạn kêu ca chuyện “quá tải” bao giờ! Khái niệm “bệnh viện khách sạn” có thể làm những người quen với bệnh viện truyền thống - nơi người ta chữa bệnh nhân đạo - bỡ ngỡ, bởi khách sạn phải luôn luôn nghĩ tới cách thu hút khách hàng, mùa vắng khách thì hạ giá, đông khách thì tăng lên theo thời vụ, với phương chăm làm sao cho khách hàng trở lại nhiều lần và càng ở lâu chừng nào tốt chừng đó, miễn là trả tiền sòng phẳng! Hiện nay, các bệnh viện khách sạn ở Singapore giá phòng mỗi ngày chừng 1.500-2.000 đô-la Sing, tương đương vài chục triệu tiền Việt Nam. 

Nhưng vì sao trong tình hình phức tạp như vậy mà ngày càng có nhiều bệnh viện được mở ra? Cả nước hiện đã có 1.028 bệnh viện, tăng thêm 150 viện so với năm 2000. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có hơn 30 bệnh viện công, tư. Tại trung ương, các viện như Viện mắt, Viện tai mũi họng, Viện chống lao, Viện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh... đều đã đổi thành bệnh viện, cho thấy khuynh hướng điều trị ngày càng gia tăng mà vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Vì sao đời sống ngày càng khá hơn, tiện nghi ngày càng đầy đủ hơn, dân trí ngày càng cao hơn… mà bệnh tật cứ mỗi ngày một nhiều hơn? Phải làm cách nào để xoay chuyển tình thế?

  • Biện pháp xoay chuyển tình thế

Câu trả lời, theo tôi là đầu tư đúng mức cho lãnh vực sức khỏe, coi đầu tư cho sức khỏe là đầu tư trực tiếp cho phát triển và tập trung vào y tế dự phòng thay vì nặng về y tế điều trị, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 4. Chỉ cần nhìn cách phân bố kinh phí hiện nay giữa điều trị và dự phòng sẽ thấy ngay mâu thuẫn. Kinh phí dành cho dự phòng quá thấp, luôn chưa tới 10%, đời sống nhân viên y tế quá kém dễ nảy sinh tiêu cực, phải tự cứu bằng phát triển mạnh y tế điều trị. Khu vực dự phòng càng teo tóp, èo uột thì khu vực điều trị mới có cơ hội bùng phát tốt!

Chúng ta vốn có một nền y tế gần dân, với một hệ thống y tế 4 cấp rất đáng tự hào, lấy phòng bệnh làm chính, nhờ đó tuy thu nhập đầu người chưa cao bằng các nước khu vực mà các chỉ số sức khỏe hơn hẳn khiến cho thế giới kinh ngạc, thán phục. Đó là nhờ khu vực dự phòng hoạt động tốt, với các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp nước sạch, môi trường sạch, tiêm chủng mở rộng, giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe, thuốc thiết yếu v.v...

Khu vực dự phòng cũng là khu vực mang tính công bằng xã hội cao nhất. Trẻ sơ sinh nào cũng được bú sữa, được chủng ngừa các thứ bệnh… thì giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn cũng giống nhau! Các chương trình giáo dục sức khỏe, nâng cao sức khỏe giúp người dân có đủ kiến thức để tự mình thay đổi hành vi, lối sống, tránh được nhiều bệnh tật do sự thiếu hiểu biết gây ra thì giàu - nghèo không hề phân biệt. (Các loại bệnh như tim mạch, tiểu đường, béo phì, HIV/AIDS, viêm phế quản tắt nghẽn mạn tính, ung thư phổi do thuốc lá... là những thứ bệnh dịch mới do lối sống gây ra, chữa khó và tốn kém, trong khi có thể phòng ngừa được).

Cần có cách đánh giá khác về hệ thống y tế cơ sở, cách đào tạo khác và nhất là cách đầu tư khác, tương xứng. Một thí dụ điển hình như trước đây tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm có vài trăm trẻ em bị tàn tật vì bệnh sốt bại liệt; nay, nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, nhờ người mẹ ý thức đưa con đi uống thuốc ngừa đầy đủ mà những năm gần đây không còn ca sốt bại liệt nào. “Trung tâm phục hồi trẻ bại liệt” nhờ đó cũng giảm được gánh nặng chi phí và sức lực.

Đánh giá hệ thống y tế cơ sở không thể dựa trên chỉ tiêu giường bệnh, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh, cấp cứu mỗi ngày... mà dựa trên những chỉ tiêu sức khỏe của cộng đồng, tỷ lệ tiêm chủng, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ phát triển dân số... Những chỉ số đáp ứng “nhu cầu tối thiểu cần thiết” cho sức khỏe của người dân như cung cấp nước sạch, cầu tiêu hợp vệ sinh, thực phẩm sạch (Hiện nay cung cấp nước sạch chỉ đạt 52%, cầu tiêu hợp vệ sinh đạt 40%).

Nhân viên y tế trong khu vực này không có thu nhập nào khác ngoài lương nên lương nhất thiết phải đủ sống, thậm chí cao hơn khu vực điều trị để họ toàn tâm, toàn lực lo cho sức khỏe cộng đồng. Họ cũng là những người ít được báo chí... ca ngợi, được nhà nước để ý khen thưởng nên cũng rất cần được động viên khuyến khích và có cơ chế thăng tiến thỏa đáng trong nghề nghiệp. Hiện nay đầu tư cho khu vực này quá thấp, không có chính sách phát triển và thu hút nhân lực, bác sĩ chủ yếu được đào tạo từ khu vực điều trị nên chỉ mong về các bệnh viện lớn, nơi có thể thăng tiến và thu nhập khá hơn. Hệ đào tạo y tế công cộng chưa được quan tâm đúng mức.

Ở một số nước đang phát triển có hiện tượng 3/4 trong phân phối như sau: 3/4 dân chúng sống ở nông thôn, 3/4 bác sĩ ở thành thị, 3/4 kinh phí dành cho điều trị ở các thành phố lớn; 3/4 trang thiết bị hiện đại dành phục vụ cho một số ít người; 3/4 tử vong trẻ con là những bệnh có thể phòng ngừa được... Do vậy chỉ cần nhìn cách “bố trí đội hình” thì biết chúng ta đang “chơi” theo sơ đồ chiến thuật nào!

 

Làm giám đốc một cửa hàng siêu thị dễ hơn làm giám đốc một bệnh viện nhiều. Giữa khách hàng và chủ hàng mặc nhiên có giao ước: tiền nào, của nấy. Có 1 triệu, xin mời mua các loại xe đạp, còn muốn có xe máy xịn phải chi ra từ 5-10 triệu trở lên. Không ai trách chủ hàng tại sao không bán xe máy cho một thượng đế trong túi chỉ có một triệu đồng! Ở bệnh viện lại khác: bệnh nhân gom góp một nguồn thu (cá nhân, bảo hiểm cứu tế) chỉ được 1 triệu, nhưng kinh phí mổ đến 10 triệu. Làm sao đây?

 

BS ĐỖ HỒNG NGỌC


"Chỗ ngồi ăn không ngon, không ngon...!""
"Kẻ lữ hành không mệt mỏi của đuờng dài"
"Nhớ nhà quăng điếu thuốc"
... Đo rồi đếm...
Anh Còn Nợ
Bệnh viện Nhi Đồng 3, tại sao không?
Chùm thơ: "Vòng quanh", "Nhớ", "La Ngà"
Cám ơn ASIMO
Gió Heo May Đã Về (I)
Hạnh phúc rất đơn sơ
Không có thì giờ !
Làm thầy thuốc chữa bệnh cho người, làm thơ chữa bệnh cho mình
Nghĩ từ trái tim
Nghề y
Như không thôi đi được
Những bệnh vô duyên.
Sân trước một cành mai…
Tham vấn sức khỏe
Thư Cho Bé Sơ Sinh
Đâu phải tự nhiên
Đầu tư lệch pha
“Đầu vào” y khoa


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn