Màu da không biết xấu hổ
- “Hắc cô nương” đó là nỗi buồn vĩnh viễn của em rồi phải không, bọn bạn bè xem chuyện làn da “đen không có một chút trắng” của em là chuyện... kiếp sau mới cải thiện được. Đành chấp nhận hay sao? (THẢO LY - đường Hồ Văn Huê, TP.HCM)
Làn da mang nhiều trọng trách: bảo bọc, bảo vệ, bài tiết, chuyển hóa và giữ vững thân nhiệt, còn gánh nặng thẩm mỹ hiểu theo nghĩa hạn hẹp đẹp - xấu chỉ do chúng ta... thêm vào. Cội nguồn của màu da nằm ở số tế bào melanocyte (hắc bào) và lượng hắc sắc tố melanin do chúng tiết ra.
Hắc bào nhiều hay ít do gen qui định. Vì vậy màu da gốc có tính gia đình và chủng tộc (da trắng hay da màu), đồng thời một thời điểm nào đó màu da có thể thay đổi tạm thời bởi nhiều lý do qua lượng sắc tố được tiết thêm.
Melanin sinh ra không chỉ để làm phẩm nhuộm cho chiếc áo da nhân loại mà còn là tấm chắn cốt tử giúp cơ thể chặn đứng các tia cực tím độc hại nương theo ánh nắng xâm nhập vào trong. Do vậy sĩ, nông, công, thương không trừ ai hễ dang nắng nhiều thì màu da sẽ sẫm lại do cơ thể phát động sự gia cường các men tyrosin giúp kích hoạt hắc bào tiết thêm sắc tố.
Ngoài lý do chính đáng trên đôi khi tyrosin lại được huy động ngoài ý muốn dù chủ nhân của chúng hoàn toàn không có ý định dãi nắng dầm mưa: người ta nhận ra rằng các nguyên tố Fe, Zn, Cu (có nhiều trong tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến hoặc gan, thận động vật, các loại đậu, mè) có thể làm màu da xám hơn chút đỉnh sau bữa ăn. Ngược lại vitamin C có trong các quả vị chua như cam, quít, bưởi, cà chua... lại chen ngang quá trình hình thành hắc tố, do vậy các bà các cô muốn thắp sáng đôi chút làn da của mình nên lưu ý các loại cây trái này.
Vài loại dược phẩm được cho rằng cũng nhúng tay vào việc thay đổi màu da vì làm tăng khả năng cảm ứng ánh sáng của da như tetracycline, sulfamid, lợi tiểu thiazid, kháng histamine loại promethazine và thuốc ngừa thai...
Trở lại với làn da “hắc cô nương” đang làm em phiền muộn, hi vọng em đã hiểu rằng màu da nền của bất kỳ ai đều sẽ là vĩnh viễn, không ai có khả năng dù tiền muôn bạc vạn có thể “hiệu đính” lại màu da của mình, hoặc có cũng sẽ phải trả một giá đắt. Mà đen thì đã làm sao? Không có tiêu chí thẩm mỹ nào cho rằng trắng mới đẹp. “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, vẻ tươi sáng thật sự ngấm từ trong ra ngoài chứ không phải ngược lại, do vậy đừng tự mình làm nạn nhân “apartheid” của chính mình em ạ.
Vấn đề của em bây giờ chỉ có thể là “cơm khê bớt lửa”, tức hạn chế đến mức có thể những nguyên nhân làm tối màu da tạm thời trên bằng cách kiêng dè sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng; có thể nhờ thêm các loại mỹ phẩm nghiêm túc như kem chống nắng, ăn đủ chất, uống đủ nước, dùng nhiều rau quả tươi có vitamin C, E, B3 (giúp hạn chế melanin, chống oxy hóa, lão hóa da), đặc biệt là các loại có màu lục đậm như rau dền, bồ ngót, mồng tơi...; hay màu vàng cam đậm như cà rốt, đu đủ, cà chua... giúp da ít bị ăn nắng hơn vì chúng sẽ là những trợ thủ đắc lực hấp thu và hóa giải tia cực tím.
Sau cùng cần tỉnh táo với mọi pha quảng cáo làm trắng da đang dày đặc khắp nơi mà theo họ cứ như là “không có phụ nữ xấu chỉ có phụ nữ không biết... mua sản phẩm của họ”. Quẩn quanh người ta cũng chỉ hòa chung vào một lọ những hoạt chất chống nắng (SPF), các chất bồi dưỡng da, các nguyên liệu tái tạo da, chống mụn, chống oxy hóa..., nghĩa là riêng về “phép thần” làm trắng da các mỹ phẩm này cũng chỉ làm được việc ngăn bớt sự hình thành melanin do những tác động tạm thời trên nền da di truyền có sẵn đã được định đoạt bởi một quyền lực lớn hơn họ nhiều. Những “hắc cô nương” bỗng chốc biến thành những nàng bạch tuyết hớn hở chỉ là sản phẩm của computer!
Tiêu chuẩn duy nhất của một làn da đẹp là khỏe mạnh, còn về phía các chàng trai dường như trong danh sách 10 thương không có gạch đầu dòng nào dành cho màu da trắng hay đen đâu.
BS ĐỖ MINH TUẤN