Trí thông minh có thể mua ở cửa hàng sữa?
* Đương nhiên là em rất muốn mình thành bác sĩ, kỹ sư... nhưng học môn nào em cũng thấy bế tắc, trí thông minh không có - đầu óc “Bùi Kiệm” - là bất hạnh quá lớn mà đời em gánh chịu.
(Khánh Hùng - đường Điện Biên Phủ, Q.3)
Dường như mọi con đường của trí thông minh đều có tâm từ bộ não. Nhưng sự khác biệt giữa một người học 1 biết 10 và những người có tỉ lệ ngược lại nằm ở đâu? Trọng lượng, số nếp vân não, tốc độ truyền của các neuron hay vài đặc khu khác thường nào đó trên não?
Một thời gian dài người ta bằng lòng với việc chấm điểm trí tuệ bằng những bài trắc nghiệm tẻ nhạt và chỉ những người có IQ > 100 mới đáng mặt thông minh, và siêu thông minh khi ít nhất IQ > 150. Tuy nhiên sau đó, nhiều người trong số này ở độ chín nhất của cuộc đời lại chỉ "sáng vác ô đi, tối vác về".
Có cái gì đó chưa đủ, sau này người ta lại nói nhiều đến một trí thông minh khác: EQ - tạm gọi là trí thông minh xúc cảm, tùy biến, dự báo... Cái này không mong đợi nhiều ở một hồng phúc nào mà phụ thuộc phần lớn vào lượng mồ hôi đổ ra và một ít "giác quan thứ sáu".
Vẫn có vẻ thiêu thiếu, có quá nhiều bằng chứng thành công ngoài cái đầu, người ta lại bắt đầu tìm kiếm những trí thông minh "mở rộng" như trí thông minh cơ thể, trí thông minh biểu cảm, trí thông minh ngôn ngữ...
Quay lại với cái đầu "Bùi Kiệm". Em ạ, có lẽ chúng ta không nên bàn nhiều về chuyện công bằng của sự thông tuệ bởi đó là kết quả của tạo hóa. Không ai trong chúng ta có quyền "giám sát" lẫn "chất vấn".
Vấn đề bây giờ là làm những việc tốt nhất với những gì mình đang có. Người thông tuệ đến đích thẳng bằng đường chim bay, ta kém hơn thì chọn cách đi bộ, bơi, nhảy rào hay marathon cũng có sao, miễn là đừng dừng lại. Chọn hướng đi tương lai không đúng thực lực của mình chẳng khác cố công gieo lúa nước lên đỉnh Phanxipăng. Trước hết bằng mọi cách, em nên cố gắng hoàn tất chương trình phổ thông vì đó là những bệ phóng căn bản, sau này hẵng tỉnh táo chọn cho mình một lối rẽ phù hợp. "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh", thay vì dành nhiều công lực và tài lực cho sở trường của mình, nhiều bạn lại rất sốt sắng "vũ trang" đủ loại kiến thức mà xét hiệu quả đôi khi chỉ có giá trị... trang trí.
Nên nhớ bộ não không phải là "chiếc nồi Thạch Sanh". Chúng rất sẵn lòng vứt bỏ những thứ bị ép uổng khi đã hết chỗ. Cách học kiểu văn mẫu, tầm chương trích cú hiện nay chắc chắn sẽ bóp chết mọi sáng tạo, đẩy một nhà phát minh tương lai đến lựa chọn tồn tại "học thuộc lòng hay là... rớt", mà sự thông minh cũng biết gỉ sét nếu không dùng đến.
Sau cùng, thông minh vốn sẵn tính trời, không ai có quyền chọn và càng không thể nhờ... uống sữa thông minh. Nhiều pha quảng cáo thực phẩm, sữa cho trẻ con hiện nay hay sính đính kèm sản phẩm của mình bên cạnh những từ như thiên tài, thần đồng, IQ... dễ gây hiểu nhầm trí thông minh có thể mua được ở các cửa hàng sữa. Có nhiều chất rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển của não bộ và hệ thần kinh, nhất là trong những giai đoạn đầu đời. Nhưng về mặt giá trị, chúng chỉ đóng vai trò góp thêm vài viên gạch để hoàn tất ngôi nhà trí tuệ tốt nhất đến mức có thể mà thôi. Không phải số phận thì cũng nhờ 99% mồ hôi chứ dứt khoát thần đồng, thiên tài không thể xuất hiện bằng cách mở một hộp sữa.
BS ĐỖ MINH TUẤN