Nước mắt thực nhỏ từ tấm lòng
- Bao nhiêu tuổi thì em có thể chảy nước mắt ít đi hoặc nuốt được nước mắt vào đâu đó thay vì chảy ra ngoài hoài? Bị rầy la là chảy nước mắt nhanh nhất, coi phim cũng khóc, có khi vơ vơ vẩn vẩn em cũng khóc, thế là khóc như cá sấu đúng không? - (Lệ Hằng - Bình Thạnh, TP.HCM)
Nước mắt sinh ra để làm gì? Câu trả lời ít dụng công nhất là để khóc. Tuy vậy ai cũng rõ với trạng thái xúc cảm ngược lại, đôi khi người ta vẫn “vui sao nước mắt lại trào”.
Thật ra ngoài chức trách là một bằng chứng “vật thể” của sự khổ đau, nước mắt còn là thần hộ mệnh của đôi mắt mà thiếu chúng có lẽ cửa sổ tâm hồn của chúng ta sẽ mãi mãi khép. Nước mắt được cấu tạo gồm ba lớp lần lượt từ ngoài vào: lipid, nước và glucoprotein...
Không hề là thứ để phung phí, nước mắt có nhiệm vụ làm ẩm, quét dọn bụi bặm (bằng chứng của công tác vệ sinh này là đám dử, ghèn xuất hiện mỗi sáng); cung cấp oxy và sau cùng kháng khuẩn (trong nước mắt có chứa lysozym, một loại kháng sinh dùng tại chỗ).
Nước mắt được sinh ra từ tuyến lệ nằm ở góc trên ngoài của mắt, khi cần “sử dụng”, các cơ vòng co bóp đẩy nước mắt len lỏi đến túi lệ nằm ở khóe mắt trong thông với mũi và có khi vào miệng (có vậy đứa trẻ nào cũng biết nước mắt mặn và khi khóc người ta dùng khăn tay thấm mắt thì ít mà... xì mũi thì nhiều). Ngoài việc được “tái sử dụng” khi người ta nuốt nước mắt, phần còn lại chúng bị bốc hơi nhưng đa số được kết mạc mắt hấp thu như một bữa “fast food” ngon lành.
Sự co bóp của tuyến lệ chịu ảnh hưởng lớn của trạng thái tâm lý nhưng nếu lão luyện như các diễn viên người ta có thể tự điều khiển chúng “thương vay khóc mướn” một cách thuần thục. Nhưng dù thế nào, đại đa số chúng ta chỉ nhỏ lệ vì một nguyên do nào đó, còn hiện tượng nước mắt tự dưng lã chã không buồn, không vui, y học gọi đó là chứng nước mắt sống hay “nước mắt cá sấu”. Hàm nghĩa của cách gọi này xuất phát từ việc loài cá sấu mỗi khi sắp thịt con mồi lại nhỏ ra vài giọt nước mắt, có nghĩa là tuy rằng hoàn toàn sai trái nhưng những nạn nhân của chứng nước mắt sống hay bị oan ức gán cho cái tội... đạo đức giả.
Giải thích nguyên nhân gây ra chứng “nước mắt cá sấu” đơn giản chỉ là có gì đó trở ngại cản đường phát tiết, luân chuyển và hấp thu bình thường từ tuyến lệ, qua nhãn cầu vào túi lệ, ống lệ mũi... làm nước mắt thay vì chu chuyển an lành lại trào ra ngoài một cách khó hiểu (như đã nói nước mắt có nhiều nhiệm vụ khác ngoài chuyện để khóc, do vậy chúng luôn được tiết ra ngay cả khi ta ngủ).
Những kẻ chặn dòng nước mắt này có thể là tình trạng viêm, tắc gì đó ở mắt, tuyến - túi lệ, đôi khi người ta còn phát hiện cả... sỏi ở túi lệ. Một số người già sau đột quị, “trúng gió” có thể bị liệt nhẹ thần kinh số 7 khiến mắt không thể nhắm kín cũng có thể gây ra chứng nước mắt sống...
Trở lại tình cảnh của em, có thể đoán ra em chỉ thuộc dạng người quá mau nước mắt, dễ mủi lòng thôi chứ không phải mắc chứng “nước mắt cá sấu”, có nghĩa là em không hề nhỏ những giọt nước mắt “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”! Vì vậy không gì phải xấu hổ, cứ... tự nhiên mà khóc, dù sao đó cũng là khối “cường toan” cực mạnh làm mềm lòng những chàng trai sắt đá.
Chỉ đáng buồn khi người ta chẳng còn đủ xúc cảm để nhỏ một giọt nước mắt trước những điều đáng xúc động. Tuy nhiên đôi khi tật hở một chút là sụt sùi có thể gây những trở ngại nho nhỏ cho công việc của em sau này, vì vậy cố gắng bình tâm hơn với những giọt nước mắt cũng là điều nên làm em nhé.
BS ĐỖ MINH TUẤN