Phải chăng mập ốm cũng có số?
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
- Em và nhỏ bạn là hai hình ảnh tương phản nhau: em ăn tới đâu mập tới đó, còn nhỏ bạn không hề thua kém em trong lĩnh vực ẩm thực vậy mà toàn thân nó cứ... thẳng băng. Chẳng lẽ mập ốm cũng là do số trời đã định? (VŨ THỊ HOÀI THU, Q.Phú Nhuận)
- Bạn biết rằng sau giai đoạn “ký sinh” trong bụng mẹ, bạn ra đời là trở thành một cơ thể độc lập với họ tên đàng hoàng. Tuy nhiên, là con của cha mẹ nên bạn được thừa hưởng gen di truyền của cả hai.
Năm 1923 Davenport công bố rằng: ông nghiên cứu 258 cặp vợ chồng có cha hoặc mẹ béo phì thì 60% con của họ sinh ra bị bệnh béo phì. Trong khi đó những cặp mà cha mẹ gầy ốm thì 84% con của họ có cân nặng ở mức bình thường hoặc suy dinh dưỡng.
Đến năm 1931 Dunlop và Lyon cũng công bố 69% số người béo phì đều có cha hoặc mẹ béo. Mới đây các tác giả Trung Quốc điều tra 1.556 cha mẹ béo phì thì 60% con của họ bị béo phì. Thế là Hoài Thu và các bạn lỡ có thân hình tròn trịa hoặc mỏng manh chẳng nên than trách cho số phận mà nguyên nhân đã rõ ràng rồi.
Các nhà khoa học cho rằng gen béo phì đã làm tăng sinh các tế bào mỡ. Mỗi tế bào này giống như một trái bong bóng. Khi bạn nạp chất béo, chất ngọt vào cơ thể, gan của bạn sẽ nhanh chóng chuyển số dư thành mỡ. Khối lượng mỡ dư làm các bong bóng ở trạng thái “no căng” khiến bạn trở nên tròn trĩnh, to lớn khác thường. Bạn tiết chế, bạn tập luyện, cơ thể “rút” chúng ra để sinh năng lượng, cơ thể bạn “xẹp” dần.
Oái oăm hơn nữa là tại mô mỡ có một chất được xem như một hormon tên là leptin. Ở người béo phì, các “bong bóng mỡ” làm cho việc sản xuất leptin bị rối loạn nên họ luôn có cảm giác “ăn không biết no”. Trong khi đó tại vùng dưới đồi (hypothalamus) của họ neuropeptide Y và Agouti Gen - Related Protein (AgRP) lại tăng tiết khiến họ luôn thèm ăn. AgRP là chất tác dụng rất lâu dài nên những người béo phì sau khi đạt đến cân nặng chuẩn vẫn phải tiết chế, vận động trong thời gian chừng hai năm mới hi vọng không tăng cân trở lại.
Phát hiện này không làm các nhà khoa học nản chí. Các nhà khoa học Anh, Mỹ, Úc đã tìm ra hormon peptide YY-36 hay còn gọi là PYY nằm ở thành ruột có tác dụng chống thèm ăn. Ngoài ra các nhà khoa học Thụy Điển thuộc Đại học Goteborg còn phát hiện một gen có tên là FOXC2 có khả năng chống sự hấp thụ chất béo và làm giảm các tế bào mỡ. Thế giới có 6 tỉ người thì nay có tới xấp xỉ 1 tỉ người thừa cân, béo phì. Việc tìm liệu pháp gen để điều trị béo phì đang là vấn đề “dầu sôi lửa bỏng”.
Trở lại chuyện vì sao nhỏ bạn của Hoài Thu ăn tương đương bạn mà kiếm mãi không nơi nào có mỡ. Cũng chẳng phải “số” nhỏ này cơ thể chỉ có phần nạc và phần xương mà hơn 80% là do di truyền. Chúng ta biết rằng sau khi ăn, thức ăn sẽ được tiêu hóa ở dạ dày và ruột. Tại ruột non có hệ thống nhung mao làm nhiệm vụ hấp thụ các chất vào máu. Nếu nhung mao hấp thụ kém hoặc không có khả năng hấp thụ chất béo thì bạn ăn bao nhiêu cũng chỉ để làm phiền cái toilet mà thôi.
Có một điểm cũng cần lưu ý là hiện nay nhiều người quên mất thói quen “ăn chậm, nhai kỹ”. Kết quả xét nghiệm phân hàng loạt cho thấy trong “đồ bỏ” của nhiều người còn rất nhiều sản phẩm tiêu hóa dở dang.
Vậy thì Hoài Thu và các bạn, các chị có chung tâm trạng đừng trách ông trời, cũng chẳng nên giận hờn, đổ lỗi cho các bậc sinh thành. Chỉ có cách yêu quí bản thân như nó đang có thì chúng ta mới không buồn phiền khi đem ra so sánh với bạn bè.
Thân mến.
BS LÊ THÚY TƯƠI