Những cơn “địa chấn” từ headphone
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
- Em mất tự do quá. Em nghe rock thì mẹ bảo “vặn nhỏ thôi!” (còn gì là rock chứ). Em đòi chuyển qua headphone thì mẹ lệnh: “Đừng hòng, điếc màng nhĩ thì nhạc nhện cũng đi đời”. Vậy người ta sản xuất headphone để làm gì? (rocklatoi@...)
- Rocklatoi@... thân mến,
Thế giới sẽ thậm buồn tẻ nếu không có âm nhạc, nhưng nếu lọc ra giai điệu, tiết tấu thì đến tai ta âm nhạc cũng chỉ là một dạng tiếng động, thậm chí tiếng ồn. Do vậy nếu không cẩn thận thì một bản sonate bất hủ cũng có thể tai hại không kém một tràng tiểu liên nổ sát bên tai!
Tai người chỉ cảm thấy dễ chịu và an toàn với những âm thanh có cường độ trên dưới 20 decibel - dB (cỡ tiếng lá cây xào xạc). Nghe mãi những âm thanh cường độ cao thì sự tổn hại về sức khỏe và tinh thần không khó nhận ra: mệt mỏi, cáu gắt, giảm tập trung, kém trí nhớ, đau nửa đầu, mất ngủ, tăng nhịp tim, tăng huyết áp hay làm nặng thêm các bệnh viêm loét dạ dày, ruột và các bệnh nhiễm trùng khác nếu có.
Tệ hơn, nếu bước qua ngưỡng 90dB thì đến lượt những tế bào thần kinh thính giác bị tổn thương hay thậm chí cả màng nhĩ cũng khó nguyên lành. Nạn nhân sẽ sa dần vào tình trạng từ nghễnh ngãng (chỉ nghe được âm thanh trên 40dB), đến điếc vừa phải (trên 60dB, tức phải kề tai hét thật to) và cuối cùng là điếc đặc.
Để dễ hình dung, ta thử so sánh mức độ của các loại âm thanh, chẳng hạn tiếng xe cộ ngoài phố (60dB), gào thật lực (80dB), xe tải từ nhẹ đến nặng (70-90dB), máy bay cất cánh (130dB), đại bác hay tên lửa (200dB). Một ban nhạc sống chơi hết cỡ, nhất là loại rock “kim loại”, nếu áp sát sân khấu các fan có thể phải chịu đựng đến hơn 120dB, thậm chí đứng xa trên 10m thì cũng suýt soát 80dB chưa kể tiếng la hét phụ họa.
Tuy vậy nếu chỉ chịu đựng một vài lần dù với những âm thanh khá cao đi nữa thì thiệt hại không đáng kể; ngược lại, với những tiếng động vượt ngưỡng an toàn không nhiều lắm nhưng nạn nhân buộc hay “tự nguyện” tiếp nhận ngày này qua ngày khác thì sự “im lặng đáng sợ” của thính giác chỉ là vấn đề thời gian.
Tai hại ở chỗ khi bắt đầu nghễnh ngãng, nạn nhân lại phải xoay thêm núm volume mới đủ “đô”, cứ thế, giống như một anh tài xế càng ngủ gật càng... nhấn thêm ga mong mau chóng về nhà để ngả lưng!
Những trường hợp chưa già mà đã lãng thường rơi vào một số bạn trẻ có thói quen ăn, ngủ, chơi cùng... headphone! Người ta gọi đây là chứng “nghiện âm thanh”, đương sự cảm thấy bứt rứt, khó chịu nếu không có cái gì đó réo rắt bên tai.
Một điều thường thấy nữa ở các “headphone -man” này là núm âm lượng bao giờ cũng đứng im ở mức maximum. Tai hại của việc sử dụng tai nghe, nhất là loại có đầu phát nhỏ nhét hẳn vào tai, còn ở chỗ nó đưa thẳng âm thanh vào màng nhĩ mà bỏ qua cơ chế bảo vệ tự nhiên của các cấu trúc ở vành tai ngoài.
Tóm lại, rocklatoi thân mến, ngoài âm nhạc, cuộc đời vẫn còn rất nhiều những âm thanh đáng yêu khác, nếu em không biết giữ gìn đôi tai quí giá của mình thì có thể một ngày nào đó dù rất... tự do em cũng chẳng còn cơ hội thưởng thức, dù chỉ là tiếng gió lùa qua khe cửa.
BS ĐỖ MINH TUẤN