Coi chừng “hà” bám răng
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
- Em là fan của Khi ta lớn và đang bị khổ vì... vôi răng. Vôi răng có làm ảnh hưởng đến răng miệng không? Các nước súc miệng, kem đánh răng có làm sạch vôi răng? (MINH NHẬT - Thị Nghè, TP.HCM)
Vôi hay cao răng thường là một hỗn hợp “vữa” gồm thức ăn thừa, vi khuẩn, chất vô cơ (chủ yếu là canxi), lâu ngày “hóa thạch” thành từng mảng kiên cố bám trên răng. Vị trí bám của vôi răng thường ở bề mặt và đặc biệt quanh chân răng.
Người ta còn phân biệt hai loại: cao ngoài lợi (nướu) màu vàng, lấy nguyên liệu từ nước bọt nên “bản doanh” của chúng thường thấy ở những vị trí đầu ra của tuyến nước bọt như mặt trong hàm dưới, mặt ngoài hàm trên, đặc biệt ở những chiếc răng “lẻ bạn” (răng đối ứng của mặt nhai bị mất, vỡ, sâu).
Cao răng dưới lợi, trái lại rất khó phát hiện do nằm khuất dưới lợi, hình thành chủ yếu từ dịch tiết và máu chảy ra từ lợi nên được gọi là cao răng huyết thanh, màu nâu đen và có độ kiên cố thuộc hàng “bêtông vĩnh cửu”. Thạo ẩn mình nên cao răng huyết thanh thường dễ dàng lọt lưới khi ta đánh răng, thậm chí lọt qua tay nha sĩ.
Vôi răng thuở mới thuộc diện “tạm trú KT3” hầu như không gây khó chịu nào đáng kể nên nạn nhân thường cho qua, nhưng khi cơ ngơi ngày càng sầm uất chúng sẽ trở thành mối đe dọa lớn cho bộ nhai chúng ta.
Trước hết cao răng làm xấu màu răng, hôi miệng, nhưng đáng ngại nhất chúng là “đại sào huyệt” của hàng tỉ vi khuẩn (1mg cao răng dung dưỡng hơn 800 triệu vi khuẩn các loại) gây hủy hoại men răng, viêm lợi hoặc tệ hơn là viêm nha chu (chảy máu nướu, đau nhức, lung lay răng, sưng, mưng mủ quanh chân răng...). Nha chu không chữa trị có thể biến nụ cười của nạn nhân thành “lỗ đen” do rụng răng hàng loạt.
Giải quyết nguy cơ này không gì khác phải siêng năng vệ sinh răng miệng đúng cách. Do vội, do lười các bạn trẻ thường có thói quen chỉ chăm chút những vị trí “ăn nói” của hàm răng mà quên rằng vôi răng rất thạo... chiến thuật du kích, giỏi lợi dụng địa hình, địa vật gây khó dễ cho tầm “tác nghiệp” của bàn chải đánh răng.
Nên dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc vệ sinh răng miệng và cố gắng trổ hết kiên nhẫn biến mỗi lần đánh răng thành một cuộc... “tru di tam tộc” họ nhà vôi răng. Nên chọn loại bàn chải có đầu nhỏ để len lỏi đến từng ngóc ngách hoặc dùng thêm chỉ nha khoa tróc nã những mảnh thức ăn thừa ngoan cố.
Đừng nề hà dùng ngón tay, nước lã để vệ sinh sau khi dùng bữa nếu không có sẵn bàn chải, kem đánh răng. Vài loại nước súc miệng trên thị trường có thể tham gia ngăn ngừa hình thành vôi răng nhưng không nên ỷ lại vào chúng để thay thế việc đánh răng (chỉ nên dùng nước súc miệng sau khi đánh răng như một “phát súng ân huệ” diệt nốt đám tàn quân).
Tuy nhiên nếu phát hiện muộn khi vôi răng đã gầy dựng xong “thiên la địa võng” thì chỉ còn mỗi cách đến nha sĩ cạo vôi răng. Cẩn tắc vô áy náy, hay nhất là mỗi sáu tháng nên đến thăm nha sĩ một lần để lấy vôi răng và khám tổng quát răng miệng luôn thể. Thân mến!
BS ĐỖ MINH TUẤN