Mộng dữ đêm hè
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
- Trong giấc mơ của em thường diễn ra những cuộc đánh nhau… tàn khốc, em muốn thoát khỏi vòng vây nhưng giấc mơ thường kết thúc khi chưa phân thắng bại. Tại sao em rất hiền mà lại mơ dữ? (Mongvang@...)
Thật khó lý giải đầy đủ tại sao chúng ta có những giấc chiêm bao. Một số ý kiến cho rằng đó là lúc tiềm thức sống lại hoặc là lúc bộ não đang xử lý thông tin thu thập được: cần thiết thì “save”(lưu), không dùng thì cho vào “recycle bin”(giỏ rác).
Giấc mộng còn là dư chấn của những uất ức, bất hạnh, tiếc nuối mà ta trải qua vào ban ngày, nhưng đôi khi chính chúng lại là phương thức giúp con người giải quyết những vấn đề chưa hài lòng theo hướng có hậu, một cách... thắng lợi tinh thần kiểu “AQ”. Thỉnh thoảng cũng có những giấc chiêm bao thần giao cách cảm hay kỳ bí khó hiểu mà việc lý giải chúng không phải là chuyện dễ dàng…
Chiêm bao (đặc biệt là ác mộng) còn là cách để cơ thể nhắc nhở hay kêu cứu về một vấn đề sức khỏe bất thường nào đó. Chẳng hạn người ta thử nhỏ vài giọt nước vào miệng một người đang ngáy, khi tỉnh dậy anh ta kể lại rằng chiêm bao thấy mình bị… ngã xuống sông suýt làm “thằng chỏng”.
Một thử nghiệm khác: khi chiếu luồng tia hồng ngoại vào đầu một người đang ngủ thì giấc chiêm bao mà anh ta trải qua khá kinh hoàng: rơi vào một cơn dông tố đầy sấm chớp chói lòa. Không ít cơn ác mộng kỳ lạ lại có gốc rễ hết sức đơn giản.
Ví dụ, bạn nào đó mỗi đêm mơ thấy mình rơi xuống vực hay bị ai đó bóp cổ thì rất có thể là do bạn ấy nằm ngủ sấp, nghiêng bên trái hay gác tay lên ngực trái (nếu ngủ chung với ai đó thì có thể bị bạn đồng sàng… gác chân lên ngực) làm chèn ép tim, cản trở tuần hoàn máu khiến cơ thể bị thiếu oxy.
Tương tự những bạn chưa quen ngủ dưới ánh đèn sáng suốt đêm có thể mơ thấy cháy nhà. Hoặc nếu bạn là hàng xóm của một giọng ca karaoke “khủng bố” thì rất có thể một đêm nào đó bạn sẽ mơ thấy mình dự một cuộc tiễn đưa người quá cố với thanh la, chập cheng tưng bừng… Sự kém tiện nghi hay nhiệt độ phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh cũng có thể trở thành đạo diễn những bộ phim kinh dị trong giấc mộng của bạn.
Ví dụ điển hình là hiện tượng “ma đè” hay “bóng đè” thường xuất phát từ nguyên nhân đơn giản là tư thế nằm ngủ của bạn vặn vẹo sao đó khiến mạch máu, thần kinh, cơ, khớp bị chèn ép đau đớn buộc cơ thể phải tìm mọi cách đánh thức bạn dậy. Ngoài ra những bạn có bệnh về hô hấp, tim mạch… thì ác mộng có thể là tín hiệu SOS gọi bạn dậy khi những tai biến nguy cấp xảy đến.
Tóm lại, mongvang@ thân mến, đa phần giấc mộng là đoạn “return” lại những hỉ, nộ, ái, ố ban ngày mà chúng ta vừa kinh qua. Nếu cảm thấy mình rất... hiền mà vẫn là khán giả quá thường xuyên của mộng dữ thì có lẽ em nên cố gắng tổ chức lại cuộc sống thường nhật của mình sao cho những bất an, thất bại, hờn dỗi càng ít thao túng tâm trí em càng tốt. Thân mến.
BS ĐỖ MINH TUẤN