Rồng không biết làm mưa
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
- Hồi nhỏ em mắc bệnh quai bị nên rất sợ mình sẽ vô sinh. Bác sĩ ơi, làm sao để biết mình có bị vô sinh và cách khắc phục? HOÀNG PHÚC (HS Bình Dương)
- Đừng quá lo lắng em ạ, bệnh quai bị chỉ khi nào vạ lây đến tinh hoàn mới nghĩ đến việc có hiếm muộn, vô sinh hay không. Hơn nữa, nếu chỉ một bên tinh hoàn bị “phá sản” thì toàn bộ “hạn ngạch” sản xuất tinh trùng sẽ được chuyển sang cho tinh hoàn còn lành lặn đảm trách.
Muốn biết đương sự có phải là một chàng “Hậu Nghệ” bắn đâu trật đó hay không, cần làm tinh trùng đồ. Qua đó người ta sẽ xét xem các tinh trùng có đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu về khả năng tác chiến.
Cụ thể “điểm sàn” của một tinh trùng đồ được xem là có cơ may đơm hoa kết trái là: 1-2ml tinh dịch/lần xuất tinh, mật độ 20-200 triệu tinh trùng/ml tinh dịch, tinh trùng di động > 50-60%, tinh trùng lành lặn > 60-70% , tốc độ di chuyển của tinh trùng 1-4mm/phút. Tất cả đòi hỏi trên chỉ để dành cơ hội cho một tinh trùng duy nhất lọt được vào “phòng hoa chúc”để thụ tinh.
Chẳng hạn, nếu dưới 20 triệu tinh trùng/ml tinh dịch thì chiến thuật “biển người” thường sẽ thất bại vì quân số quá ít không đủ bù đắp thương vong quá lớn, có khi không một chiến binh nào đến đích (từ âm đạo, tử cung lên đến vòi trứng là một cuộc trường chinh đầy ắp bẫy sập chết người với tinh trùng như độ pH, chất nhờn dính, địa hình xa lạ, sa hầm sụp hố…).
Tương tự, nếu quá kém về tính cơ động (tinh trùng di chuyển nhờ chiếc đuôi ngoe nguẩy như mái chèo) thì đạo quân viễn chinh sẽ xấu số với hàng loạt vũ khí rải dọc đường sinh dục phái nữ hoặc đơn giản trở thành những chàng Thủy Tinh... “lỡ chuyến đò tình” (noãn chỉ có thể sống được khoảng 6-24 giờ sau khi rời buồng trứng). Bớt sợ chưa em?!
BS ĐỖ MINH TUẤN