Y đức
BS Lê Ngọc Dũng
Tôi là một BS sắp về hưu, ra trường năm 1978 ở Y khoa Saigon, trăn trở về y đức. Nhớ lại những ước muốn của thày quá cố GS Ngô Gia Hy là đưa được Y Đức vào thành một môn học trong trường Y nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực, làm cho những BS như chúng ta thấy hỗ thẹn. Tôi xin gửi những suy nghĩ của mình lên đây để mong những ai là BS có lòng thương yêu bệnh nhân, yêu thương con người như một thực thể sống động, chứ không là phương tiện để mình đáp ứng những toan tính cá nhân-suy nghĩ lại để không vấy bẩn màu áo trắng, màu áo mà chúng ta khi bước vào giảng đường y khoa sẽ theo ta suốt cả cuộc đời.
LƯƠNG TÂM THÀY THUỐC
Ngày xưa người thày thuốc nào khi tốt nghiệp đều phải thề, lời thề Hippocrate. Ngày đó y đức là một môn học giống như môn chính trị ngày nay. Bây giờ tiếc thay không còn nữa. Ở tiểu học ngày còn thơ người ta dạy môn công dân giáo dục rất sơ lược, thiếu những thí dụ sinh động trong cuộc sống cho trẻ ứng dụng. Ở trung học không ai còn dạy đạo đức học hay một môn gì đấy để cho học sinh cách xử thế. Khi ra trường người ta càng xa dần cái thiện, gần gủi cái Ác dẫy đầy. Người ta chen lấn đút lót để chiếm một vị trí tốt trong xã hội. Trong ngành y thì tìm mọi cách để vào các trung tâm y khoa, các bệnh viện đầu ngành. Bỏ ra thật nhiều tiền để vào các chỗ đó thì phải tìm cách lấy lại trên những người chẳng may đến với những cơ sở cao cấp đó. Và không gì lạ khi chúng ta phải chứng kiến những cảnh lạnh lùng, ghẻ lạnh của những con người đối với đồng loại đang quằn quại trong cơn bệnh hấp hối.
Không chỗ nào dạy người ta phải lương thiện, phải xem ngoài tiền tài còn một cái gì đó cao quý hơn. Lương tâm là một mặt hàng xa xỉ, mà thật ra nhiều người không có ý niệm gì về nó. Sự hình thành lương tâm phải gắn liền với nền giáo dục đạo đức xã hội. Ở những xã hội sơ khai, việc ăn thịt người là một thói quen thì ý niệm thiện ác xã hội đó chắc phải khác nhiều với xã hội ngày nay.
Lương tâm thày thuốc không phải là một sản phẩm tách biệt với quan niệm đạo đức trong xã hội. Nó hình thành trong bối cảnh xã hội, vừa mang tính đặc thù của nghề nghiệp, vừa mang tính chung của một nền kinh tế nặng tính cách trao đổi hàng hoá. Quan điểm thực dụng ngày càng phát triển trong ngành y. Có lợi mới làm!. Thày thuốc ngày càng xa rời tính cách”người” trong đối nhân xử thế. Con người đối xử với con người như kẻ xa lạ, không tình thương. Con người dần trở thành một đối tượng giao dịch kinh tế, không còn được xem như một cá thể độc đáo có lịch sử, có tình cảm vui buồn, thương yêu, đau khổ khi bị ngược đãi. Sức khoẻ trở thành một mặt hàng mặc cả cao thấp. Người nghèo, người bất hạnh mang bệnh nan y trở thành nạn nhân của một lối xử thế tàn nhẫn, bất chấp các giá trị đạo đức khi đồng tiền trở thành chuẩn mực trao đổi trong mọi quan hệ.
Chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi có một số thày thuốc tìm mọi cách luồn lọt vào những bệnh viện đầu ngành bằng những số tiền hối lộ (đến 5, 7 ngàn đô), rồi sau đó tìm cách thu hoạch cả vốn lẫn lời trên sự bất hạnh của những bn chẳng may đến với họ. Người sa ngã tự bào chữa bằng lý luận “cần thu hồi vốn đầu tư” và thản nhiên đút túi những phong bì gọi là nhỏ nhoi. Nó nhỏ nhoi thật so với một vị BS đi xe hơi đời mới, nhưng đối với những Bn nghèo, đó có thể là đôi bông cưới cuối cùng, có thể là tiền bán máu của người vợ, người chồng, là tiền học phí vào đại học của người con đành nhìn tương lai mình khép lại. Người bệnh khi vào bệnh viện phải chịu hai nỗi đau. Nỗi đau thứ nhất do căn bệnh còn nỗi đau thứ hai do người đồng loại mình gây ra. Lắm khi nỗi đau thứ hai còn to lớn hơn nỗi đau thứ nhất và người bệnh đành thất thểu trở về chịu tàn phế hay chết trong nỗi hờn ai oán vì bị từ chối bởi đồng loại. Những phong bì kia ban đầu chỉ lấp lỗ trống do đầu tư sau dần dần đưa đến mất dần nhân cách, tàn nhẫn sống chết mặc bây tiền thày bỏ túi. Tội lỗi không có điểm dừng, có chăng chỉ chấm dứt sau chấn song nhà tù. Một ngày nào người thày thuốc lầm lạc soi gương sẽ không còn nhận ra mình, người sinh viên y khoa lý tưởng thuở trước
Ngày xưa người thày thuốc ngoài kiến thức còn phải học tính khiêm tốn, tôn trọng đồng nghiệp, yêu người, yêu nghề. Phải lấy gương những người thày thuốc Đông Tây như Hippocrate, Hải thượng Lãn Ông. . . làm ánh sáng soi đường. BS Ignacio Chavez từng nói một câu có thể làm châm ngôn cho những người trong ngành Y mọi thời đại: "Thày thuốc là một con người cúi xuống một con người khác, có gì cho nấy, đem lại một chút khoa học nhưng thật nhiều tình thương”. Ngày nay gần như chúng ta đang làm ngược lại. Chúng ta đem ứng dụng thật nhiều cái gọi là kỹ thuật cao hết sức tốn kém mà không màng đến cư xử giữa người và người và gần như không giành chút gì là tình thương cho những Bn đang quằn quại vì cơn bệnh. Khoa học càng tiến bộ thì khoảng cách giữa những con người với nhau càng lúc càng xa. Con người ngày nay càng lúc càng lạc lõng giữa những cỗ máy vô hồn. Người ta tưởng rằng mình quá tài giỏi, dựa vào những bộ máy đồ sộ kia có thể chiếm đoạt quyền tạo hoá. Thật ra y khoa ngày nay cũng không giải quyết được gì nhiều cho nhân loại hơn xưa kia. Nó chữa được một số bệnh ngày trước không giải quyết được nhưng cũng bó tay với vô số bệnh mới do thời đại gây ra. Và người bệnh thời đại nào cũng vậy nhất là các bệnh nan y, cái họ cần nhất là sự tận tâm, lòng yêu thương của thày thuốc rồi mới đến các kỹ thuật khoa học. Con người đối với con người phải có sự đồng cảm và phải có lòng thương giữa con người với nhau. Người thày thuốc còn hơn thế, còn có nghĩa vụ đem sự hiểu biết, sự khéo léo kỹ xảo của mình để cứu vớt đồng loại.
Đã đến lúc phải thay đổi lại cách đào tạo con người. Một con người như quan niệm trước đây là vừa hồng vừa chuyên mới toàn vẹn. Bây giờ giá trị đó vẫn còn cần tôn trọng theo chuẩn mực mới. Hồng theo quan niệm mới là phải có lý tưởng, phải yêu thương con người, phải xem sức khoẻ, sinh mạng con người là một giá trị không gì có thể thay thế. Trường Đại Học Y là nơi đào tạo ra không phải chỉ những thày thuốc giỏi mà trên hết phải là những thày thuốc yêu người, yêu nghề. Cuộc Cách Mạng giải phóng dân tộc đã hoàn thành nhưng cuộc Cách Mạng giữa Thiện và Ác vẫn còn và sẽ luôn luôn còn tiếp diễn và rất cần những chiến sĩ mới lao lên phía trước, chấp nhận hi sinh bản thân vì một tương lai tươi sáng cho mai sau.
Những thày thuốc còn chưa nhuốm bẩn lương tâm hãy cảnh giác, đừng vì một phút yếu lòng mà trượt dài trên con đường xa lạ với bản chất tốt đẹp của mình. Những thày thuốc đã trót sai lầm hãy dừng lại, quay về đội ngũ những thày thuốc chân chính, nơi đây luôn có những tấm lòng rộng mở đón bạn bè trong vòng tay. Không yêu người, không yêu nghề mà chỉ xem nghề thuốc là phương tiện làm giàu bất kể lương tâm, đạo đức thì một ngày nào không xa những thày thuốc đó sẽ phải đứng trước toà án lương tâm và chịu sự trừng phạt của xã hội. Làm sao để sau này khi con cháu hỏi "ông bà đã làm gì cho đất nước trong những ngày khó khăn ấy?" chúng ta sẽ không phải hỗ thẹn khi trả lời cho thế hệ mai sau.
BS Lê Ngọc Dũng
BV Huyện Tam Nông Đồng Tháp
Email lengocdungtn@yahoo.com
Ý kiến bạn đọc
name: Nguyen Hoang Vy
email:
vikittie@yahoo. com
Em cũng rất buồn vì tình trạng thiếu y đức như bác sĩ vừa nêu, nhưng em cũng có cảm nghĩ như sau:
1 Nền giáo dục Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu, yếu kém. Hàng năm, bộ giáo dục có những thay đổi, nhưng xem ra cũng chẳng giải quyết được vấn đề cốt lõi. Học sinh học cáng nhiều, nhưng càng học thì càng đuối. . . KHông học thêm thì làm sao vào trường điểm, trường tốt ? Và đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em mình đi du học nước ngoài?
2. Bác sĩ tốt nghiệp ra trường thì năm nào cũng có, rất nhiều nhưng thiếu chất lượng, thiếu những kiến thức căn bản nhất. Các bệnh viện lớn thì chỉ nhận những ai có kinh nghiệm, có bằng cấp cao. . Thử hỏi những bác sĩ trẻ nếu về vùng sâu vùng xa, thiếu phương tiện, thiếu thông tin thì làm sao thành BS giỏi được. Muốn giỏi thì phải học, phải làm hằng ngày thì mới tiến bộ. Chính sách hỗ trợ cho các BS yên tâm công tác nơi xa nhà co thỏa đáng không ? Trong khi, để có được tấm bằng BS ấy, gia đình đã phải hy sinh rất nhiều. Vậy mà tốt nghiệp ra trường rồi, mấy ai đã đền đáp được công ơn mà bố mẹ đã hy sinh ? Rất khó, vì bản thân mình còn lo chưa xong, thì đâu dám nghĩ đến ai?
3 Cùng môt chỉ số thông minh, nhưng nếu học ngành khác thì sẽ có cơ hội kiếm tiền rất nhiều. Trong khi đó, BS ngày nay vẫn phải đối diện với cơm, áo gạo tiến hằng ngày. . . Mỗi năm có quyết định tăng lương, nhưng tiiền lương chưa đến tay thì giá xăng, giá dầu, . . mọi thứ đều tăng hằng ngày trước mắt rồi. . Cuộc sống chưa ổn định thì tâm trạng đâu mà yên tâm công tác, nghiên cứu. ?
4 Tôi có một người bạn làm BS ở một bệnh viện lớn, lấy chồng được 2 năm rồi vẫn chưa có em bé. Khi mới có thai được 1 tháng, ban tôi rất mừng. Nhưng sau một đêm trực mệt mỏi và cấp cứu bệnh nhân, ban tôi đã bị sảy thai. Còn nỗi đau buồn nào hơn nữa... Làm việc vì trách nhiệm, cũng chẳng mong bệnh nhân nhớ đến mình mà quà cáp làm gì, nhưng cái giá mình trả sao mà quá đắt. Hiện nay bạn tôi đã nghỉ việc, và cố gắng gìn giữ đứa con thứ 2 của mình. Mọi công việc, kinh tế tất cả đều nhờ vào chồng. Tôi tiếc vì bạn tôi khi học y khoa rất giỏi, ra trường là một trong những người đứng đầu. Nhưng đến bây giờ hỏi bạn có muốn quay lại BV làm nữa không ? Bạn sẵn sàng trả lời : không.
Những tâm sự trên đều là sự thật, nhưng nếu có bạn nào buồn lòng thì bỏ qua dùm mình nhé!
name: Mai thành khôi
email:
nguyen_dongoc@yahoo. com
Tôi rất đồng tình và cảm thấy rất nhẹ lòng vì trong xã hội hiện nay còn rất nhiều người có tấm lòng thật cao thượng,
Tôi nhận thấy hầu như các ý kiến của bạn đọc rất hay, rất cảm xúc nhưng trên thực tế ai dám đứng ra chỉ những vấn đề đó.
Như đọc giả Nguyễn Giang và Thành Công đã nắm rất rõ vần đề, muốn ngành y trở nên văn minh y đức thì trước hết phải đời sống của những người công nhân viên chức phải đầy đủ họ mới tận tình lo cho bn, và nhân dân
Ví dụ : họ đang làm việc nhưng ở nhà đang thiếu thốn mà đồng lương mỗi tháng thì lãnh vừa xong thì cơm áo gạo tiền cũng vừa hết. thì họ có yên tâm công tác không.
Muốn cải thiện được tình hình trên thì nhà nước phải cải thiện được đời sống của họ.
name: nguyen le huy
email:
bs_camball@yahoo. com
Chào bác. theo cháu nghĩ ngành nghề gì cũng cần có chữ đức, chẳng riêng ngành y. muốn có con người tốt thi xã hội phải tốt. đạo đức mà lại phải học qua trường lớp thì chính tỏ đạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng. như thế thì trách nhiệm thuộc về ai?cháu nghĩ người ta sẽ đổ lỗi tại cơ chế. cơ chế nào sẽ tạo ra những con người ấy. có lẽ đó là cách giải thích hợp lý nhất. ngành y chúng ta vô hình chung đã mang cái tiếng xấu xa, nó trở thành ý niệm của xa hội. hỡi các bạn, chúng ta phải đòi lại công bằng. không nên mãi nín lặng, âm thầm chịu đựng. bởi vì biết đến bao giờ trời mới lại sáng.
name: Thuy Nguyen
email:
thuythu430@yahoo. com
Chao Bac si, cac bac si phai co nghiep doan, neu luong bong khong phu hop thi cac bac si nen dinh cong, nha nuoc co the la khong nhuong bo, nhung nhieu lan dinh cong thi chac chan cac bac si se thang.
Phạm Thị Thu
Bác ạ, cháu vẫn đang là một sinh viên trường y. Các bạn vẫn thường nói cháu nhìn đời bằng con mắt màu hồng nhưng cháu nghĩ không phải thế.
Thật ra cháu cũng đã nhìn thấy nhiều cảnh xấu trong bệnh viện nhưng bên cạnh đó cháu thấy rất nhiều bác sĩ tốt, rất tận tâm với nghề và yêu thương người bệnh. Cháu chắc chắn tương lai cháu sẽ trở thành một bác sĩ tốt.
Thật ra cháu nghĩ thấy cảnh xấu đẻ mình rút kinh nghiệm và không mắc lỗi như vậy chứ không phải để bi quan, mất lòng tin như lời của mấy bác sĩ trẻ trên đây.
Cháu chúc bác Dũng luôn khỏe.
BS Nguyễn Hoài Nam
Bác ạ!
"Y đức??" có lẽ một từ ngữ quá xa vời so với cuộc sống hiện tại. Ngày xưa cháu cũng từng là một bệnh nhân lúc 17 tuổi, gia đình làm ruộng, khi phải nằm trong bệnh viện nhìn thấy những "bác sỹ" mà cháu thấy căm ghét, điều đó làm cho cháu quyết tâm phải trở thành bác sỹ để có thể làm một điều gì đó, nhưng. . . khi đã là một bác sỹ rồi thì thấy rằng một mình thì không thể làm được gì giữa một xã hội tất cả mọi người đều như thế.
Là một BS Quân y, công tác trong quân đội, nhìn thấy các BS bên ngoài làm mà cháu chỉ bết cười và thự nhủ rằng: "Có lẽ mình cũng sẽ như vậy trong xã hội bây giờ". Cháu rất mong được giữ l. lạc với bác.
Hồng Ánh
- Thưa các bác sĩ- những "người mẹ thứ hai" của bệnh nhân.
- Tôi là một bn mang trong mình một căn bệnh, tôi đã đi khám nhiều nhưng chưa tìm ra bệnh càng ngày càng thấy đau hơn. Tôi thiết ghĩ không tìm ra bệnh của tôi vì nhiều lí do trong đó có lí do về "y đức".
-Bác Dũng ơi Khi cháu đọc bài của bác cháu cảm thấy rất sung sướng như minh đang víu vào được một cây gậy. Bác ơi mỗi lấn cháu đến bệnh viện cháu rất lo lắng và sợ hãi- sợ vì chẳng may mình mắc bệnh nan y, sợ vì không có đủ tiền để khám cho ra bệnh. Và đúng như thế vẫn là khám không đến nơi đến chốn, bệnh tật của cháu vẫn là một câu hỏi chỉ có thể trông chờ vào những bác sĩ có y đức.
- Y đức và đạo đức nhà giáo như xã hội vẫn nói không hẳn là do những bác sĩ hay giáo viên quyết định được, mà phần lớn là do cơ chế. Chính phủ luôn nói làm thế nào để cải thiện đời sống cho ngành y và ngành giáo dục, và chính phủ cũng có làm nhưng chúng ta thấy nếu tăng được một đồng lương thì giá thị trường đã tăng trước đó nhiều tháng lên hai đồng. Nếu chính phủ thực sự quan tâm đến những ngành "vì con người" như ngành giáo dục và ngành y thì hay "làm" cải thiện đời sống cho họ bằng đồng lương và sự ưu đãi của nhà nước chứ đừng đặt câu hỏi suông "làm thế nào". Có như vậy mới mong giữ được y đức và những người bệnh như chúng tôi mới có cơ hội được sống.
Trần Hữu Đạt
Thưa bác Dũng.
Cháu là một bác sỹ vừa ra trường. Đọc những dòng của bác mà cháu cảm thấy ứa nước mắt. Trong phần cuối bài bác nói rằng những thầy thuốc chưa nhuốm bẩn lương tâm hãy cảnh giác, đừng vì một phút yếu lòng mà trượt dài trên con đường xa lạ. Thực sự là bây giờ cháu không biết lựa chọn như thế nào bác ạ? Cháu không biết là mình nên đi con đường nào? Vì con đường mà bác nói là xa lạ đó thì nó lại là thứ hàng ngày cháu vẫn gặp. Con đường mà bác bảo cháu nên đi vào kia thì cháu thấy nó khó quá và dường như cháu bị cô độc trên con đương đó. Đó là lý do vì sao nước mắt cháu chỉ muốn trào ra khi đọc bài viết của bác.
Nguyễn Giang
Cám ơn những tâm huyết của Bác, nhưng theo ý kiến của tôi - một trong các BS trong thế hệ ngày nay, chúng ta nên nhìn vấn đề này trên nhiều góc độ:
- Thứ nhất, tình trạng y đức xuống dốc ngày hôm nay, trước hết phải nói là do tình trạng tụt hậu và bệnh thành tích trong một nền giáo dục ốm yếu của chúng ta. Một khi chúng ta chưa cải thiện được vấn đề này thì đừng mong cải thiện được y đức. Tất cả các biện pháp giảng dạy, kêu gọi. . . chẳng khác nào điều trị triệu chứng.
- Thứ 2, chúng ta phải cải thiện cho được đời sống của cán bộ y tế, ít nhất cũng phải có thứ bậc trong XH. Cái cách mà chúng ta đang đối xử với giáo dục và y tế chính là cái vòng luẩn quẩn trong việc cải thiện y đức ngày nay.
- Thứ 3, phải đề ra được chính sách quản lý tốt trong y tế. Tình trạng tham nhũng trong y tế đã thực sự báo động, nhưng rất ít vụ được phanh phui, chính nó đã làm cản trở sự phát triển y học nước nhà và làm nặng thêm căn bệnh thiếu y đức, theo kiểu "thượng bất chính, hạ tất lọan".
Vậy, chỉ khi chúng ta cải thiện được các vấn đề trên thì hãy đưa y đức vào thành một môn học bắt buộc. Tôi dám cá là phần lớn BS, những người đã bước chân vào con đường y thuật, ít nhiều đều mang trong mình một trái tim nhân hậu, muốn đóng góp cho XH một chút công sức nhỏ nhoi, góp phần làm giảm đi nỗi đau đồng lọai, chứ không hẳn là phần lớn các BS trẻ ngày nay đang dần trở nên thờ ơ, vô cảm như Bác Dũng đã bi quan.
Thành Công - 100606
Tôi là một giáo viên, khi đọc bài này thấy rất đồng cảm với bác. Và cũng thấy vui mừng vì còn có những người có lương tâm, biết thương yêu bệnh nhân, mong muốn những điều tốt đẹp cho thế hệ bs tương lai. Tuy nhiên, tôi rất đồng tình với ý kiến của độc giả Nguyễn Giang là chúng ta phải có cái nhìn mang tính lịch sử. Ở thời buổi hiện nay khi mà đời sống vật chất đang được đề cao thì nhu cầu cuộc sống của bs và giáo viên cũng cần được cải thiện. Nhưng hãy nhìn vào thực tế đời sống của những bs và giáo viên chân chính xem sao? họ không thể sống nổi bằng đồng lương chính đáng của họ, đã thế "bọn" vừa ngu dốt và mất đạo đức lại "dủng dỉnh" và cho rằng họ là những người có vấn đề. Những cái đó nó tạo ra sự xô đẩy và không kiên định của ngững người trẻ mà có tài năng.
Xin cảm ơn Nguyễn Giang vì những ý kiến trên. Tôi xin nêu 3 vấn đề:
1. Tại sao bác Dũng biết có tiêu cực lại không đấu tranh? Nêu vậy thôi, bác đừng buồn, tôi trả lời thay bác luôn: đấu tranh thì tránh vào đâu, và không lẽ cứ đấu tranh mãi vì ở đâu cũng có và nó quá phổ biến.
2. Đúng là những người có đạo đức và trách nhiệm thì đang quá lạc lõng giữa những lối sống thực dụng vì đồng tiền. Làm thế nào để những bs và gv đó không bị lạc lõng, chính sự lạc lõng đó làm họ thay đổi lối sống rất nhanh chóng, bị ma lực đồng tiền dần dần cướp mất lương tâm.
3. Cái mà tôi bức xúc hơn cả là về phía quản lý. Theo tôi nếu cứ để cung cách quản lý như hiện nay nghĩa là các nhà quản lý đang "bật đèn xanh" cho tình trạng loạn. Tôi đảm bảo rằng tất cả những điều chúng ta đang nói các nhà quản lý biết chân tơ kẽ tóc. Nhưng tại sao?. . . (Thôi chết, tôi lại hỏi tại sao rồi. . . một câu hỏi lớn thì bao giờ có lời đáp đâu!)
Một khía cạnh nữa của công tác quản lý là: càng nhiều các nhà quản lý thì càng "không ai quản lý". Thực tế thì bệnh nhân gặp bệnh nan y thường tìm đến trưởng khoa, phó khoa, trưởng ca mổ để "quà cáp", đó là luật bất thành văn ở hầu hết các bệnh viện hiện nay. Vậy thì ai là người quản lý?
Ở tầm vĩ mô, chính phủ vô cùng thờ ơ với đời sống công chức nói chung và đời sống của bs và giáo viên-những người làm việc trực tiếp với con người. Đời sống thì không đảm bảo nhưng yêu cầu, nhiệm vụ thì quá cao: "lương y như từ mẫu", "cô giáo như mẹ hiền". . . Trong khi, tình trạng đầu tư lãng phí của chính phủ thì xếp vào top hàng đầu thế giới, nhưng lại biện bạch là không có ngân sách. Đây là một sai lầm của chính phủ trong chính sách đầu tư.
Truong Hong Van
Đọc được những dòng tâm tình của bác về trách nhiệm của một người lương y. thì cháu cảm thấy quý phục bác vô cùng. Tiếc là trong cuộc đời cháu chưa từng gặp người bác sĩ nào thật sự tốt với bịnh nhân như câu nói của người Việt Nam mình "lương y như từ mẫu". Cháu không thể quơ đũa cả nắm vì trong số những vị bác sĩ ấy vẫn có người tốt, nhưng chỉ là con số nhỏ. Mấy năm trưóc khi còn sống ở việt nam cháu cũng đã đi rất nhiều bịnh viện. nhưng những bác sĩ mà cháu đã từng gặp và điều trị họ chỉ biết la hét bịnh nhân và nhìn những người bịnh với vẻ mặt không mấy thiện cảm. Họ là những thiên thần áo trắng được ví như một vị thánh nhân từ đem lại niềm vui sức khỏe cho nhân loại. Nhưng ngươc lại họ đã làm vẩn đục màu aó thánh khiết đó của mình. Hồi đó mỗi lần bị bịnh nghĩ tới cảnh đi bịnh viện là cháu sợ vô cùng. Cháu sợ những thiên thần áo trắng đó lắm bởi vì cháu đã từng nằm trong hoàn cảnh đó. Nhiều ngừời họ chỉ biết đồng tiền nhưng chưa bao giờ họ nghĩ đến sức khỏe của người bịnh. Cháu kể bác nghe, cháu có một khối u ở ngực rất nhỏ đến nay đã 5 năm rồi. Hồi ở vn chaú có đi khám rất nhiều bịnh viện vì cháu cũng sợ. . . . đi tới đâu họ cũng làm rất nhiều xét nghiệm. Khi biết đó chỉ là binh thường nhưng họ bắt cháu mua rất nhiều thuốc của bịnh viện và hết rất nhiều tiền. Cháu còn nhớ hồi đó cháu uống mỗi lần là 7 viên. Một ngày cộng laị là 21 viên thuốc và uống trong vòng nhiều tháng. Giờ nghĩ lại chừng đó thuốc cháu còn ám ảnh. Khi qua tới hoa kỳ bác sĩ ở đây nói bịnh của cháu là thường rất nhiều phụ nữ có, không cần phải uống thuốc. Khi tới mảnh đất này rồi cháu thật sự thấy những vị bác sĩ ở đây họ thật sự giống như người một nhà với mình, ân cần vui vẻ. Họ làm việc bằng cái tâm chứ không phải lợi ích riêng của họ.
Đọc được những dòng tâm tình của bác về người thầy thuốc cháu ước mong những người còn lại họ sẽ giống như bác, xứng đáng là những thiên thần áo trắng. Hi vọng bác sẽ mail lại cho chaú qua email của cháu ngat82@yahoo. com. vn. Chuc bác luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống