BỆNH NHÂN CÓ PHẢI LÀ KHÁCH HÀNG?
Lê Ngọc Dũng12-4-2013
Nhiều bài báo ca tụng các bệnh viện Singapore, Hongkong, Malaysia… nơi mà các triệu phú ( rõ ràng là không có tiền ai dám đến nơi này) đền trị bệnh được tiếp đón như một ông hoàng. Và họ kêu gào đòi ngành Y Việt Nam phải xem bn là khách hàng, so sánh và chê bai các BVVN nơi mà hàng lô hàng lốc bn thu nhập không đủ ăn xếp hàng chờ khám, nơi mà các BS bị áp lực từ trên lảnh đạo đè ép xuốngvới đủ thứ chỉ đạo, nơi mà đồng lương của thày thuốc chỉ thoi thóp sống. Quan điểm này càng lúc càng tỏ rõ hơn, thậm chí bà Bộ Trưởng Y TỀ cũng có lúc đòi hỏi thày thuốc VN phải xem bn là khách hàng, vì đem lại thu nhập cho mình. (có thể chỉ là một cách nói trong lúc bức xúc của bà để vực dậy sự xuống cấp của ngành Y). Sự so sánh đó thật khập khiểng,và họ không thấy nguy cơ một khi bn trở thành khách hàng thì phải chịu sự chi phối của kinh tế thị trường. Những nhà báo nói trên có thấy các BV họ ca tụng đó xử sự ra sao đối với một người ăn xin bị tai nạn, một người già neo đơn vất bên lề đang hấp hối, một người thất nghiệp, phá sản mắc bệnh nan y…Những bn này là những chuyện thường ngày gặp ở các BV VN do những thày thuốc vừa vật lộn mưu sinh vừa khám bệnh…
******************************
Mọi thể chế trên đời , mọi hoạt động của con người là đều nhằm vào mục đích bảo vệ, nuôi dưỡng và phát huy năng lực của con người. Con người sáng chế ra la bàn là nhằm ổn định hướng đi cho con tàu của mình, chứ không phải thần thánh hóa chiếc la bàn , rồi nhắm mắt đi theo nó bất kể nó còn chỉ đúng hướng hay không. Các chế độ, lý thuyết trên thế gian ra đời là đều vì con người và nó chỉ còn giá trị một khi nó còn theo đúng hướng đề ra ban đầu. Ngành Y ra đời là nhằm phục vụ cho con người. Từ thời Hippocrate đền nay khi người ta khoác áo thày thuốc là ít nhiều nghĩ đến việc phục vụ con người là tôn chỉ chứ nếu nghĩ đền lợi lộc thì nên đi con đường khác. Chúng ta nhắc lại lời nói của BS Nguyễn Hữu Phiếm trong bài “Lời khuyên sinh viên y khoa:
Các bạn thân mến
Khi các bạn chọn nghề này, dĩ nhiên là để sinh sống, để nuôi gia đình, để hưởng một đời sống sung túc. tuy nhiên chúng ta không được quan niệm nghề thuốc như một nghề để làm tiền, vì nếu các bạn hành nghề đúng đắn , ít khi các bạn có thể giàu được.
Ngoài vấn đề mưu sinh ra tất còn có một lý do nào khác nữa nó thúc đẩy các bạn lựa chọn cái nghề đó. Tôi không dám dùng những danh từ quá to tát như: “cứu nhân độ thế” mà chỉ nói; sở dĩ làm nghề thuốc là để mong xoa dịu được phần nào những đau khổ của đồng bào, muốn giúp ích cụ thể cho xã hội.
Xã hội chúng ta dùng chữ” thày “cho những kẻ hành nghề nào đó là để tỏ rỏ sự tôn trọng của mọi người. Thí dụ thày thuốc , thày giáo, thày bói…. Những người được gọi là thày đó làm những dịch vụ cũng như muôn ngàn nghề khác, nhưng được xã hội kính trọng chỉ vì họ lấy con người làm đối tượng- chứ không phải hàng hóa. Họ phải có trình độ cao- và cả đạo đức- hơn đối tượng. Là thày vì họ dạy được cho người đối diện những kiến thức mà người kia còn thiếu. Là thày vì họ phải có phẩm chất lương thiện ngoài kiến thức, bởi vì nếu dạy sai thì người thụ lãnh sẽ gặp tai họa. Cao hơn bn nhưng người thày thuốc phải lúc nào cũng sẵn sàng cúi xuống để làm chức năng của một người mẹ và như BS Ignacio Chavez nói ”Đó là một con người cúi xuống một con người khác, mong giúp đở họ, có gì cho nấy, đem lại cho họ một chút khoa học nhưng rõ nhiều tình thương”
Một người thày thuốc là một kẻ hành nghề để sống như muôn nghề khác , nhưng họ vẫn có thiên chức của một con người, không thể bỏ mặc đồng loại trong lúc gian nguy mà không cứu giúp. Có tiền hay không , không phải là yếu tố tiên quyết cho việc mình có nên cứu người hay bỏ mặc.
Như vậy bệnh nhân có phải là khách hàng hay không và có cần trở thành khách hàng hay không?Ta hãy xem BS Phiếm nói:
Có người, nhiều người lắm ,tưởng rằng nghề thuốc cũng như nghề đi buôn. Kỳ thực, giữa nghề đi buôn và những nghề tự do, trong đó có nghề thuốc, có một hố sâu không sao lấp được.
Mục đích nghề đi buôn là mua rồi bán để lấy lời. Giá hàng cao hay hạ là tùy thuộc ở món hàng tốt hay xấu, bền hay không bền.
Trái lại mục đích chính của nghề tự do không phải là tiền tài hay lợi lộc. Người thày thuốc khi săn sóc một người ốm, cũng như một giáo sư khi giảng bài cho học sinh, sinh viên, đều cố gắng hết sức mình chứ đâu có nghĩ tới tiền thù lao, lương lậu ?
Người đi buôn có quyền làm quảng cáo rùm beng, hoặc trên báo, hoặc trên đài phát thanh, trên đài truyền hình để “câu khách”, hoặc nhờ người dắt mối rồi cho họ ăn hoa hồng.
Người đi buôn có thể rao ầm ỉ để mọi người biết là hàng của họ đep, bền,rè nhất thế giới chẳng hạn mà không sợ ai chê cười. Trái lại, người thày thuốc, biết tự trọng, có liêm sĩ, không được phép làm như vậy. Không những Y sĩ đoàn, Nghĩa vụ luận không cho phép mà chính lương tâm của họ cũng không cho phép.
“Người ốm không phải là một món hàng và chúng ta cũng thế, chúng ta không phải là món hàng để cho thiên hạ đem tiền ra mua chuộc. Chính người thày thuốc, khi đem tài nghệ của mình ra để phục vụ người ốm, đã làm ơn cho họ, chứ không phải người ốm, vì đem tiền bạc hay thế lực mà ban ơn cho người thày thuốc”. (Leannec)
Đó là quan điểm của Leannec, người thày thuốc xét theo một góc độ nào đó là kẻ ban ơn cho bệnh nhân, còn trong cơ chế kinh tế thị trường, quan điểm bn là khách hàng thì người thày thuốc là kẻ biết ơn bệnh nhân. Quan điểm này sẽ tất yếu phát sinh những hệ luận sau:
1. BV trở thành cơ sở kinh doanh. Mà hễ kinh doanh thì phải có lãi, nếu không lãi thậm chí lỗ thì người đi buôn phải chịu tội trước pháp luật (rất nhiều giám đốc đi tù, thậm chí tử hình vì buôn lỗ vốn). Do đó người nghèo không có cửa để sống nếu bệnh nặng, tiền chạy chữa cao hơn thu nhập và tài sản. Và thày thuốc là”người quản lý cửa hàng” (chứ không phải chủ!) không được bán lỗ nếu muốn tiếp tục công việc. Không ngạc nhiên khi nhập viện,người thày thuốc xem túi tiền bn trước khi xem bệnh trạng…Và nếu cảm thấy kinh doanh không tốt , thày thuốc có quyền từ chối không tiếp khách hàng mà pháp luật không thể có ý kiến.
2. Quan hệ giữa thày thuốc và bn là quan hệ thuận mua , vừa bán, sẽ xảy ra cảnh sống chết mặt bây tiền thày bỏ túi. Thày thuốc có quyền bỏ mặc bn sống chết ra sao cũng được mà không hề bị cắn rứt vì lương tâm của một kẻ đi buôn là làm sao cho khỏi lỗ chứ không cần biết việc gì khác. Các bn không thanh toán được viện phí được máy tính phân loại thuộc diện “nợ khó đòi”liệt vào danh sách đen, không được phép giao dịch trong tương lai.
3. Thày thuốc không cần quan tâm, động viên bn cố gắng vượt lên chính mình nhất là đối với các bệnh nan y. Họ cứ nói thẳng vào mặt bn là bệnh không trị được rồi bỏ mặc bn không một lời an ủi( hàng bán không được thì theo tiếp thị làm gì ! )và quay ra tiếp những thân chủ có thể giao dịch tốt. Họ không quan tâm ai ngoài những khách hàng đem lại lợi nhuận cao nhất cho mình.
4. Thày thuốc cũng không cần tư vấn gì bn, mỗi loại bệnh đều có sẳn công thức trị và những lời chỉ dẫn in sẳn. BS sau khi chẩn đoán liền bấm nút mã số bệnh và bn sẽ nhận được tất cả chỉ dẫn và đơn thuốc trên một file in sẵn và không cần BS nói thêm một lời nào nữa. Quan hệ giữa con người với nhau chỉ là mậu dịch (trading) không có tình cảm, không thương xót (humanity).
Chúng ta thử tưởng tượng một xã hội mà người nghèo không ai giúp, đói không ai cứu, bệnh không ai trị thì thật thê thảm. Thày thuốc thì dửng dưng với những người không có khả năng chi trả. Các BS giám đốc BV thì giống như các chủ nhà băng, lẳng lặng tịch thu, kê biên tài sản những người trước đây là thân chủ nay thành con nợ khó đòi. Mọi quan hệ xã hội nếu chỉ dựa trên kinh tế thị trường thì tình người không còn chỗ đứng và có lẽ sự biến tướng của xã hội đó trở thành một viễn cảnh hết sức tàn bạo của tương lai. ??
Cũng may là trong giới thày thuốc chỉ có một số ít người theo quan điểm xem bn là khách hàng giống như mọi ngành nghề (có lẽ bao gồm BS thẩm mỹ). Và đại đa số thày thuốc khi gặp bệnh nguy kịch vẫn nhanh chóng lao vào cấp cứu, không kịp hỏi đến tiền bạc , giấy tờ. thủ tục. Và nếu cơ sở y tế nào xem tiền bạc , thủ tục giấy tờ là ưu tiên thì có lẽ những thày thuốc đó nên chuyển sang nghề khác, nơi mà lợi nhuận là mục đích tối thượng thay vì sinh mạng con người.
Bây giờ và có lẽ mãi mãi nghề thuốc vẫn là một nghề đặc biệt khi đối tượng của nó là con người với những tính chất tâm sinh lý đặc thù mà không có một món hàng nào sánh được. Và giá tri nhân bản của nghề thuốc làm cho những thày thuốc có thể tự hào về nghề nghiệp của mình cho dù những cơn sóng kinh tế thị trường có lúc làm chao đảo những ai vụng chèo chống . Nếu vì kinh tế thị trường thì chúng ta sẽ không có những thày thuốc chân đất xung phong vào những vùng nghèo đói, nguy hiểm, bệnh tật, sẽ không có BS nào dám mổ lấy những viên đạn nổ cắm trên mình bn, sẽ không có BS nào chết do nhiễm SAR hay Ebola. Giá trị nào có thể mua được những hi sinh bằng tương lai, sức khỏe và mạng sống của mình trên những thiên thần áo trắng đó?
Cuối cùng xin trích dẫn thêm những lời của BS Phiếm trong bài viết trên:
Làm thày thuốc , dù giỏi, dù có lương tâm mà thiếu tình thương thì chỉ được coi như mới làm có một nửa phận sự thôi, và nhất định không thể nào yêu nghề được. Từ mấy ngàn năm nay Hippocrate đã nhấn mạnh tới điểm quan trọng này rồi.
Bạn săn sóc người ốm, sau khi đã thăm bệnh, cho toa, dặn dò cặn kẻ cách dùng thuốc như thế nào và cho biết bệnh tình nặng nhẹ ra sao, bao giời khỏi, rồi bạn ra về, như vậy đã đủ chưa? Tôi thấy là chưa đủ. Vì ngoài cái đau đớn về thể xác, bệnh nhân nào cũng mong được vỗ về, an ủi, bệnh nhân nào , dù sang hèn, cũng muốn rằng người thày thuốc kiêm cả một nhà tiên tri nữa, biết hiện tại lẫn tương lai, chữa được mọi bệnh , ngay cả tâm bệnh.
Phải chính bản thân mình đã từng bị đau ốm mới biết thế nào là một người thày thuốc. Trong khi mong đợi thì xiết bao lo ngại, băn khoăn, rồi khi thấy mặt thì mừng rỡ, cảm thấy vững tâm ngay. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của người thày thuốc đều quan trọng đối với người bệnh, và người này chỉ muốn cho ông thày lúc nào cũng ở bên cạnh mình, không rời mình ra, bất kể đêm khuya, bất kể họ mệt nhọc. Nào chỉ có thế thôi !Lại còn những lời trách móc nếu mời mà đến chậm, hoặc đi vắng vì hôm đó nhằm ngày chủ nhật hay ngày lễ.
Chính nhờ có sự vững tâm nói trên mà nhiều khi bệnh mau khỏi. Bởi lẽ đó, y học muốn trở thành một nghề cao quý, cần phải là một nền y học nhân bản, nghĩa là hiểu thấu những gì thuộc về con người, con người toàn diện, con người trong quá khứ và hiện tại. Và nhất là phải tôn trọng con người.
“Nhân bản là cảm thấy trong lòng con người ta , trải qua bao thế kỷ, cái gì đó vẫn bất di, bất dịch, con người thì hoàn toàn và sống trong một thế giới thích hợp với họ, con người biết rung động trước thiên nhiên, biết rung động khi nghe một bản nhạc, khi đọc một cuốn sách , khi suy ngẫm về những sự huyền bí của tạo vật. Nhân bản , tức là biết cảm, biết yêu, biết thương xót” (Maranon)
Một người ốm, không phải chỉ có phần xác, với tim, gan, phổi, thận mà thôi, lại còn có cái mà từ ngàn xưa Platon gọi là phần hồn nữa.
Một bệnh nhân thuộc về bất cứ thành phần nào trong xã hội không phải là một con số, hay là một lá phiếu như ta thường quan niệm ở bệnh viện. Họ không phải là một kẻ vô danh, mà ngược lại, là một người như chúng ta, một người có tên, có tuổi, có nghề nghiệp, địa chỉ, có gia đình, có những hoài bão, ước mơ, cảm xúc.
Các bạn nên biết rằng một bệnh nhân khi nằm trên giường bệnh, không bao giờ có những phản ứng tâm lý như một người bình thường, và buổi đầu thế nào họ cũng có những xúc động lo âu.
Người thày thuốc không phải là một người thợ máy sữa chữa cơ thể như ta sửa một cái máy hư”Đó là một con người cúi xuống một con người khác, mong giúp đở họ, có gì cho nấy, đem lại cho họ một chút khoa học nhưng rõ nhiều tình thương” (Ignacio chavez).
Muốn rằng thày thuốc là một con người máy và người ốm là một con số tức là không hiểu một tí gì về khoa tâm lý cả. Không nói tất các bạn cũng rõ là con người ta phức tạp vô cùng, đầy mâu thuẩn, có lúc sống với những bản năng cực kỳ hèn thấp, nhưng đôi khi lại có những hành động thật là cao thượng, siêu nhân. Và có lẽ bởi nhìn thấy rõ các nhược điểm đó nên người thày thuốc, mỗi khi gặp một bệnh nhân khó tính, hoặc đối xử với mình tệ bạc mà vẫn sẳn lòng tha thứ.
Không có một bộ máy nào dù cho tinh xảo mấy đi nữa, có thể ủy lạo người ốm với những lời dịu dàng , trìu mến được, và giữa người thày thuốc và con bệnh, bao giờ cũng có một sự cảm thông, một mối dây liên lạc mật thiết “một cuộc đối thoại kỳ lạ”(une colloque singulier) như Duhamel đã nói, một bên thì ký thác những gì bí ẩn trong cõi lòng của mình, còn một bên thì cho mà không hề đòi hỏi. Hiểu như vậy các bạn sẽ cảm thấy sung sướng vô cùng, và nếu cái học của các bạn không phải là cái học nhân bản thì thật là vô ích và đáng tiếc lắm.