LÊ NGỌC DŨNG

Hoài niệm về nghề thày thuốc.

“Xét nghiệm thường  giúp vào việc kết thúc , không bao giờ nên là khởi đầu cho một quá trình chẩn đoán” .

182714638916-us.jpg
     Trong cuộc đời mình , người thày thuốc phải chứng kiến biết bao cảnh sinh ly , tử biệt, tiếng khóc nhiều hơn nụ cười, thành công ít , thất bại nhiều, cay đắng nhiều hơn vinh quang. Sau hơn ba mươi năm sống trong nghề, giờ đã bước ra khỏi ngưỡng cửa bệnh viện, nhiều lúc tôi vẫn còn mơ thấy mình vẫn còn đứng bên giường bệnh , cùng người bệnh chiến đấu với một kẻ thù chung. Nhiều lúc mình cảm thấy thày thuốc giống như một kẻ cô đơn trong bóng đêm, cầm trong tay một chiếc đèn, lần mò tìm lối ra giữa muôn trùng ngỏ ngách. Cố gắng thu thập thật nhiều kiến thức thì chỉ là những cục pin nạp thêm cho chiếc đèn năng lượng đẩy lùi bóng tối phủ vây, chứ mãi mãi quanh chúng ta bóng đêm vẫn là vĩnh cửu. Có những lúc thất bại cay đằng , mình muốn bỏ cuộc chơi nhưng rồi nghĩ lại nếu mọi người quanh ta ai cũng muốn rời bỏ vị trí mình thì cuộc sống sẽ ra sao?: Người chiến sĩ nơi tuyến đầu tổ quốc bỏ biên thùy, người lính kiểm lâm bỏ rừng già, người công nhân hỏa xa bỏ trạm gát, người thày giáo bỏ nẻo cao….người bác sĩ bỏ bệnh nhân,, thì ai là người thay thế đây. Đó là những chiến sĩ vô danh mà xã hội tri ơn hàng ngày. Họ âm thầm trong từng ngày , từng tháng năm ,dâng cả tuổi trẻ , sức lực, tương lai cuộc đời cho đời. Trần Long Ẩn đã từng viết trong ca khúc “Một đời người một rừng cây “:Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

     Tôi chợt nhớ đến ông bạn BS Nguyễn Q.N. trường ĐHYK Huế ngày nào do những khó khăn cuộc sống định từ bỏ miền núi đồi nơi có những bệnh nhân nghèo khó, tìm về thành thị để sống an nhàn, dư dật. Trên con đường rời bỏ nhiệm sở, nhìn những cụm mây kết hình trên trời, ông chợt tưởng ra những hình ảnh bao nhiều người bệnh đang trông ngóng thày thuốc, những bàn tay, khuôn mặt, sự lam lũ và đau thương của bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, ông đã chảy nước mắt và quay lại tiếp tục xây dựng bệnh viện cũ trở thành một nhà thương theo đúng nghĩa cho đến ngày về hưu…Và tôi khuyên những người thày thuốc nào đó đã từng nếm trãi biết bao thất bại cay đắng như bản thân tôi ,hãy cố chịu đựng , rồi mọi sự sẽ qua, không nên buông tay chèo giữa dòng nước xoáy….
       Khoảng thời gian gần đây, sự xung đột giữa nghề Y và xã hội ngày càng gay gắt. Không trách được xã hội vì người theo nghề thuốc ngày càng hiếm những người đến với nghề bằng cái tâm. Những kẻ bất tài, chạy chọt, mua bằng ngày càng nhiều. Áp lực của kinh tế thị trường ngày càng nặng làm cho nghề Y ngày càng giống như một thứ nghề kinh doanh. Người ta thích gọi bệnh nhân là khách hàng và theo tôn chỉ kinh doanh thì phải làm sao móc túi khách hàng càng nhiều càng tốt- miễn là cung cấp hàng thật, hàng chất lượng là đúng với đạo đức kinh doanh bất kể khách hàng có nhu cầu thật sự hay không….

       Quan điểm bệnh nhân là khách hàng có mặt trái của nó là nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng cao nhưng đồng thời cũng phí tổn cao, bất kể người dùng có khả năng chi trả hay không. Quan điểm của thày thuốc ngày xưa là làm sao trị cho bệnh nhân khỏi bằng mọi phương pháp nào , miễn là hợp lý hợp tình với giá cả bệnh nhân có thể theo được. Những thày thuốc ngày xưa chấp nhận không lấy tiền khi bệnh nhân quá nghèo, có khi móc túi cho bệnh nhân mua thuốc , mua cơm, cho cả máu mình miễn sao cứu được người. Thày thuốc ngày nay sẳn sàng cho hàng loạt xét nghiệm dư thừa bất cần bệnh nhân có theo được hay không, thậm chí không nhìn mặt bệnh nhân mà chỉ điều trị theo hàng loạt những kết quả xét nghiệm nhận được.Thày thuốc ngày nay cũng không cần xem bn giàu hay nghèo, khi cầm viết lên hay bấm chuột là hàng loạt xét nghiệm và hàng loạt thuốc in ra theo công thức cho sẳn. Cho đến gần đây những thày thuốc dạng đó nhận được cú tát từ một phòng xét nghiệm nhân bản ở Hà Nội ban tặng.Nhân đó ta phải xem lại cái gọi là phong trào xét nghiệm vô tội vạ. Có những bệnh nhân ghiền xét nghiệm, cứ mỗi tháng mỗi đi xét nghiệm huyết học , sinh hóa, siêu âm liên tục. Ngược lại cũng có những bác sĩ ai cũng cho xét nghiệm hàng loạt , thậm chí giống hệt nhau trên các bệnh khác nhau, đó cũng là một kiểu nhân bản, nhưng rất khó phê phán.
      Ngày xưa mỗi bệnh nhân nhập viện ở các bệnh viện thường làm một số xét nghiệm cơ bản như: công thức máu, đếm hồng cầu, X quang không sửa soạn ngực thẳng , thử nước tiểu…Khi nào nghi cơ quan , bộ phận nào đau thì cho xét nghiệm thêm. Sau một vài ngày, khi có hướng chẩn đoán khác sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm cao cấp hơn. Làm như thế vừa đở tốn tiền bn, phí sức nhân viên xét nghiệm, đở tình trạng lây lan, đở tổn hại sức khỏe bệnh nhân.(**). Giống như một người thợ sửa xe giỏi, chỉ nghe tiếng máy nổ, thử vặn ga lên , xuống vài lần là phát hiện ngay chổ hỏng , rồi chữa ngay. Thợ kém tay nghề thì mở toàn bộ máy ra, cứ thay mò mẫm lần lượt từng món đồ đến chừng nào phát hiện được chỗ hư … Các BS yếu tay nghề cũng vậy, không cần định hướng chẩn đoán , cứ cho xét nghiệm toàn bộ từ chân đến đầu, rồi nếu đọc thấy có gì bất thường từ những phiếu xét nghiệm thì từ đó mới nghĩ đến chẩn đoán. .Làm như thế thì mình mất đi tính tự chủ, để cho phòng xét nghiệm dẫn dắt mình, khác nào con trâu đi theo cái cày , và nếu gặp phòng xét nghiệm sai thì mình cũng trật đường rầy luôn .

     Hồi chúng tôi còn đi học , thày luôn dặn rằng , khi có xung đột giữa lâm sàng và xét nghiệm, chỉ có các dấu hiệu lâm sàng mới quyết định tối hậu, thí dụ nếu nghi viêm ruột thừa, dù các xét nghiệm âm tính , BS vẫn là người quyết định phẫu thuật hay không khi khám lâm sàng. Xét nghiệm thường  giúp vào việc kết thúc , không bao giờ nên là khởi đầu cho một quá trình chẩn đoán .
   Bây giờ kinh tế thị trường tràn vào bệnh viện, bước đầu vào viện mỗi bn đều lâm vào bát quái trận đồ xét nghiệm, cho tràn lan , lãng phí có khi không ăn nhập gì với chẩn đoán ,không có tính logic mà chỉ là theo quán tính- hay chỉ đạo ngầm ?-

     Bác sĩ chất đống phiếu xét nghiệm trước mặt ,mãi nhìn quên cả bệnh nhân đối diện. Bn biến mất ,không còn là con người nữa ,chỉ còn là những con số, những mã vạch của hàng hóa…Quá tin vào các xét nghiệm, Bác sĩ tự đánh mất mình, biến mình thành một cái máy khám bệnh, một thứ thợ khám cho đến ngày ngã ngửa ra vì các thứ máy móc kia cũng như con người – cũng có bệnh của nó, cũng thỉnh thoảng cho ra những kết quả tào lao, chưa kể là trò nhân bản , lừa đảo, dối trá của nhân viên xét nghiệm..

      Nếu phòng xét nghiệm cho kết quả sai thì phải kiểm tra lại ngay tay nghề hay tác phong làm việc của họ coi có dối trá hay không.Còn nếu kết quả xét nghiệm trái với lâm sàng thì phải làm lại ngay dưới sự kiểm sóat trực tiếp của trưởng phòng xét nghiệm (thì dụ bn có triệu chứng thiếu máu nặng nghi do xuất huyết nội mà HCt và số hồng cầu vẫn bình thường).(***)
      Những sai phạm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều, vô ý cũng có , cố ý cũng có, lười biếng có , dốt nát có, đủ kiểu , đủ dạng chứng tỏ việc đào tạo của ngành Y đang có vấn đề. Thông thường các trường lâu đời thường có truyền thống rất nghiêm nhặt trong việc đào tạo sinh viên nhờ vào ban giảng huấn là những người có tay nghề cao. Bản thân các thày cũng là người tốt nghiệp từ những tiền bối chuẩn mực cộng thêm quá trình làm việc nghiêm túc lâu ngày thành ra có một tác phong rất đáng quý. Nhưng rồi tuổi tác và cả cơ chế tổ chức đã thay dần những con người tài ba , nhiệt huyết ,bằng những con người thời đại hơn, thực dụng hơn, mất dần những hình bóng thày thuốc cũ xưa.Thời đại ngày nay còn tìm đâu hình ảnh cổ điển của thày thuốc ngồi bên giường bệnh nữa, giống như tìm hình ảnh mục đồng cưỡi trâu thổi sáo của những ngày xưa .

moi-quan-he-nhan-duyen-giua-bac-si-va-be
Bây giờ bn bị nhốt trong một nhà tù đầy những máy móc, chằng chịt dây nhợ, với những bảng biểu , màn hình rối rắm ngăn cách giữa con người với con người. Một số nơi bn còn đeo mã vạch trên cổ tay để chống nhầm lẫn. Thày thuốc bây giờ có thể chẩn đoán một bệnh ở bên kia đại dương ,mổ một bệnh nhân trên …sao Hỏa nhờ vào điều khiển đồng bộ từ xa. Sự giao tiếp giữa người và người trở nên xa xỉ và tình cảm giữa thày thuốc với bệnh nhân là một cái gì khó hiểu đối với thế hệ tương lai. Đó là tiến bộ hay thụt lùi đây khi mà con người ngày càng giao tính mạng và tương lai của mình cho những cổ máy mà độ tin cậy thật đáng ngờ. Chúng chỉ tiến hóa trong một trăm năm trở lại đây so với con người mất hàng bao nhiêu triệu năm hay cả tỉ năm nếu kể từ sinh vật đơn bào.

Cac-may-monitor-trong-HCCC.jpg
Có lẽ những tiếc nối ngày xưa cũng chỉ là những hoài niệm về một cái gì không thể có được, không sống lại được, giống như mơ về hình ành giả gạo đêm trăng hay tiếng hò trên sông vắng.Còn đâu những thể loại nghệ thuật nhẹ nhàng êm dịu như hình ảnh một người đẹp dạo đàn dưới trăng với một giai điệu mượt mà.

     Ngày nay công chúng ưa những bản nhạc gầm rú, với hàng đàn người điên loạn ra sức thét gào, nhảy nhót, càng tạo ra nhiều âm thanh kỳ quái càng hot với khán giả.Cuộc sống vội đã thay đổi mọi thứ từ sở thích đến sinh hoạt hàng ngày.Thày thuốc khó lòng trở thành từ mẫu được và những bà mẹ ngày nay cũng không còn mang hình ảnh người mẹ hiền của thời xa xưa.Công chúng ngày nay phải chấp nhận một cuộc sống vội vàng kiểu “fast food” thì không thể nào có được một thày thuốc như mẹ hiền ngày xưa thức thâu đêm bên giường bệnh, giống như hồi chúng tôi là sinh viên trực trong khoa hồi sức hay khoa sản với những ca sinh khó. Máy móc đã chen vào giữa con người với con người và chúng lớn nhanh đến nỗi lần hồi số hóa tất cả những gì ngày xưa không đong đo đếm được. Và cuộc chiến hàng ngày với những tiếng kêu gọi “thày thuốc phải như mẹ hiền” lần hồi trở thành vô vọng , tắt dần đi khi trào lưu gọi là văn minh, cơ khí , điện tử, vi tính hóa…tiếp tục như một cổ máy không lồ , lạnh lùng nghiền nát trên đường đi của chúng tất cả những gì thấp thoáng hình ảnh con người….
       GHI CHÚ:
• Ở Trung Quốc đã có trường hợp lây nhiễm HIV trên 200 cas do một nhóm nội soi dạ dày tắc trách không tiệt khuẩn dụng cụ. Ở VN thì chưa thấy hay chưa phát hiện.Lấy máu xét nghiệm cũng nguy hiểm nhất là xét nghiệm viên là người nhiễm HIV chưa phát hiện , hoặc lây chéo giữa các bệnh nhân do thao tác vô khuẩn không chuẩn.Rất có thể bn khi nhập viện là viêm họng và ra viện với chẩn đoán nhiễm HIV…

Hà Lan: Bệnh nhân có thể nhiễm HIV qua thiết bị nội soi
• http://hiv.com.vn/Th....i-noi-soi-3767
Các bác sĩ Hà Lan vừa phải triệu hồi 500 bệnh nhân của 2 bệnh viện để kiểm tra tìm HIV và viêm gan B, C. Bệnh có thể lây lan tại phòng khám của bác sĩ tiết niệu khi tiến hành nội soi bàng quang, vì thiết bị không được tiệt trùng đúng quy cách.Theo giải thích của các nhà chức trách, tại bệnh viện thứ nhất, máy tiệt trùng bị đặt sai chế độ và tại bệnh viện thứ hai, nhân viên đã dùng nhầm nước rửa bát thay cho thuốc khử trùng.Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định rằng, trong thời gian sử dụng máy nội soi, tại các bệnh viện nói trên không có bệnh nhân nhiễm HIV điều trị, và do đó nguy cơ lây bệnh là không lớn.

** 1. Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) và nguy cơ phát triển ung thư ?
http://bacsinoitru.v....c-ung-thu.html

Khoảng 20 triệu người lớn và 1 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) không cần thiết mỗi năm, các nhà khoa học cảnh báo điều này có khả năng gây ra tỷ lệ ung thư vượt trội trong vài thập kỷ tới.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí "The New England Journal of Medicine" năm 2007, nhóm tác giả thuốc Đại học Columbia cảnh báo rằng sự gia tăng đáng kể chỉ định CT trong chẩn đoán và sàng lọc phát hiện sớm bệnh có thể gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe cộng đồng.

Không giống như chụp X-quang truyền thống với hình ảnh 1 lớp, chụp CT dựng ảnh ba chiều dựa trên nhiều lát cắt X-quang. Số lượng chụp CT tăng từ 3 triệu lượt năm 1980 lên hơn 62 triệu vào thời điểm nghiên cứu (2007). Máy chụp CT tạo ra bức xạ nhiều hơn so với chụp X-quang thường từ 50 đến 200 lần, Dr.David J. Brenner, GĐ trung tâm nghiên cứu bức xạ Columbia nói. “Việc tăng cao số ca CT dẫn tới liều bức xạ trung bình người dân Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1980”.

Dr. Brenner và đồng nghiệp Dr. Eric J. căn cứ trên số liệu đã ước tính trong khoảng hai hoặc ba thập kỷ tới, từ 1,5% đến 2% các ca ung thư ở Mỹ sẽ được quy là do phơi nhiễm với chụp CT scan.

Tỷ lệ này có thể được chấp nhận nếu lợi ích của việc chụp CT rõ ràng hơn so với nguy cơ, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng một số lượng lớn chỉ định CT hiện nay không thực sự cần thiết cho chẩn đoán và có thể sử dụng liệu pháp chẩn đoán thay thế khác với liều bức xạ thấp hơn.

Trẻ em là đối tượng quan tâm đặc biệt, bởi vì trẻ em có nhiều vùng nhạy cảm với tia xạ hơn người lớn và ảnh hưởng của tia xạ có thể làm tiến triển ung thư trong suốt cuộc đời sau này.

***MRI là phương pháp ít nguy hiểm hơn CT nhưng phải kiểm tra không cho đem bất cứ vật dụng kim loại nào vào phòng chụp khi máy vận hành. Đã có những trường hợp từ trường cực mạnh hút những vật kim loại lớn , gây chấn thương tử vong cho người mang, cầm nó (https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/nguoi-dan-ong-chet-tuc-tuoi-do-bi-hut-vao-may-chup-cong-huong-tu-mri-725155.vov)

• *** Ngày xưa chúng tôi thỉnh thoảng cũng kiểm tra ngầm nhân viên phòng xét nghiệm bằng cách cho xét nghiệm những bệnh nhân mà mình biết rõ các chỉ số sinh hóa ,huyết học hay tình trạng sức khỏe. Có lần kết quả xét nghiệm Sốt Rét dương tính hàng loạt đến mức phải báo động có dịch khiến chúng tôi nghi ngờ có dối trá. Chúng tôi bèn lấy máu một bn bị Viêm dạ dày , nhưng lại ghi chẩn đoán vào phiếu chỉ định XN là Sốt chưa rõ nguyên nhân .Lập tức phiếu trà lời là SR falciparum (+) .Té ra đó là một nhân viên phòng xét nghiệm tắc trách, tay nghề kém chỉ coi theo chẩn đoán ban đầu trên phiếu chỉ định XN, nếu thấy sốt là y cứ phang đại vô là SR (+). Thật ra thì chuyện này cũng thường gặp vì đối với các xét nghiệm viên, đôi khi vì mệt mỏi quá ( ngày xưa phải làm thủ công, chưa có máy chuyên dùng), họ cũng viết kết quả ẩu sau khi nhìn mặt bệnh nhân thấy bình thường. Chúng tôi cũng biết ,nhưng vẫn cho qua vì có khi xét nghiệm chỉ là thủ tục hoàn tất hồ sơ thôi , chứ tình trạng lâm sàng thì mình nắm rõ. Vì thế đối với những bn rất cần kết quả XN chính xác cho chẩn đoán thì phải ghi rõ vào phiếu chỉ định hai chữ “xem kỹ” để họ chú ý.
• Không riêng gì xét nghiệm viên mà các y tá, điều dưỡng cũng thế .Mỗi sáng trước khi giao ban , họ phải đo sinh hiệu bn (M,HA.nhiệt độ…). Có khi vì quá đông , không kịp làm họ cứ ghi đại, ghi ẩu vào bệnh án thí dụ M 70, HA 10/6, T 37. Rất trớ trêu là có một lần bn chết do đột quỵ nửa đêm (không có người nhà ) mà tua trực không kiểm tra lại, vẫn ghi vào BA là :M 80, HA 11/7, T 37,5 lúc sáng. Dĩ nhiên bị kỹ luật hết tua trực, may mà thời bao cấp không có ai kiện cáo gì. Trong các trường hợp này ,nếu nhân viên là người làm lâu năm, có kinh nghiệm, tự họ - không cần dặn -họ sẽ biết bn nào nặng, phải theo dõi khít khao ,không nên coi thường, làm ẩu. Và thường những sai phạm ta thấy chỉ xảy ra trên những nhân viên mới, tay nghề kém, nhưng lại giỏi chạy xô.

 


Bí mật nghề nghiệp
Bệnh nhân có phải là khách hàng?
Giấc mơ và hiện thực
Giữa 2 làn đạn.
Hoài niệm về nghề thầy thuốc
Mấy lời khuyên sinh viên y khoa
Những lời tâm huyết với các bạn trong và ngoài ngành Y
Nỗi khổ của thầy thuốc
Sự bất lực của y học
Trách ai?
Trách nhiệm của người bác sĩ trong thời buổi hiện tại
Từ giã
Y đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn