TRÁCH AI ?
Lê Ngọc Dũng
YKN 20111009 - Trước những hiện tượng tấn công nhân viên y tế ngày nay đặt ra nhiều dấu hỏi của cả hai phía ngành Y và người dân. Có rất nhiều ý kiến nhưng đại đa số là quy lỗi về cho ngành Y. Một số quá khích còn tán đồng với hành vi thô bạo, phạm pháp. Rõ ràng là nếu ghét ai mà cứ ra tay chém giết kiểu côn đồ thì còn gì là luật pháp, xã hội sẽ loạn cả lên. Vả lại trong cuộc sống cứ phán đoán theo bề ngoài thì rất sai lầm. Có nhiều người bề ngoài lạnh lùng sắt đá kiểu như Bao Công nhưng bề trong rất thương người nhưng không biểu hiện để việc hành xử không thiên vị. Nhiều vị Giáo Sư khó tính, cáu gắt với sinh viên, sẵn sàng la mắng bn nếu những người này không tuân theo y lệnh nhưng bề trong lại rất thương họ. Đối với những ông GS cá tính này chỉ có người gần gũi mới biết bản chất của ông - ông không chấp nhận thói lề mề, buông thả, còn những kẻ lần đầu tiếp xúc đều ghét cái tính cố chấp, cô độc khó gần đó.
Quá nhiều ý kiến lên án ngành Y làm cho ta suy nghĩ lại. Đúng là ở VN đạo đức ngành Y đã xuống cấp đến mức độ không thể tưởng tượng được. Không nên trách cái nhìn của người đời về phía ngành Y. Cuộc đời như chiếc gương nhìn vào đó ta sẽ thấy hình ảnh của chính mình. Khi ngành Y soi vào chiếc gương đó nhìn thấy một hình dáng kinh tởm, méo mó thì phải tự xem xét lại chính mình trước khi trách ai.
Trong các chuyện cổ ngày xưa, thày đi kiếm trò để truyền thụ sở học (chứ không phải trò kiếm thày như ngày nay), nhất là những ông thày cực kỳ giỏi về một môn nào đó thí dụ võ học, nhạc, họạ, điêu khắc. . . thì kiếm cho được một người có tư chất đặc biệt để có thể học hết những gì mình sở đắc và lại có đạo đức thì vô cùng khó. (xem truyện kiếm hiệp của Kim Dung cũng thấy). Đọc tiểu sử của nhạc sĩ thiên tài Paganini –người duy nhất trên thế giới có thể trình tấu một bản nhạc trên cây đàn violon chỉ có một sợi dây đàn, ta có thể thấy trường hợp này. Vì nghèo, cha bắt phải đàn dạo kiếm tiền, nên khi ông xin học đàn với ông thày cũng là một nhạc sĩ tài ba, nhà nhạc sĩ này phải trả tiền hàng tháng cho ông thay vì nhận học phí để cha ông cho con mình theo học. Đúng là chuyện có một không hai trên cuộc đời, nhưng nhờ thế, thế giới mới có một nhạc sĩ tài ba cho ngàn sau.
Rõ ràng là chuyện chọn ai sẽ trở thành một nghệ sĩ hay một BS, kỹ sư… rất quan trọng vì họ có đủ tố chất để trở thành một kỹ sư giỏi, một thày thuốc tốt, một nghệ sĩ tài ba hay không thì phải có một cuộc khảo thí kỹ lưỡng do chính những người lão luyện trong ngành tiến hành chứ không phải một ông Bộ nào đó xa vời ra đề, và cuộc khảo thí đó phải khác xa với các cuộc thi tuyển của VN hiện nay. Ở một số nước khi chọn người học ngành Y phải qua một cuộc khảo sát từng thí sinh, thi hạch miệng (oral), qua đó người ta đánh giá đối tượng có đủ những tính chất của một thày thuốc hay không. Dĩ nhiên đánh giá sơ bộ như thế không chắc chắn 100% nhưng dù gì khi đã sàng lọc bởi những giáo sư dày dạn kinh nghiệm thì …rất nhiều cặn bả bị gạn lại cũng đủ giúp cho xã hội bớt đi những kẻ cơ hội chủ nghĩa, bất tài, bất nhân và giữ được trong sáng của ngành Y.
Sàng lọc ban đầu rồi phải tinh luyện để những sản phẩm của mình làm ra phải gọt bỏ hết những dư thừa, những khiếm khuyết, trang bị những kỷ năng và kiến thức đầy đủ và trở thành một tác phẩm tốt nhất có thể. Một người tốt nghiệp BS cũng giống như những chiến binh, sau khi đã huấn luyện dày dạn có thể tung vào chiến trường để chịu đựng biết bao gian lao thử thách mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ.
Tiền bạc cám dỗ, sự dọa nạt, thế lực, sắc đẹp …. và những mua chuộc nào đó xã hội nào cũng có, sẽ là những cạm bẫy mà người thày thuốc phải gặp trên con đường mình đi. Không phải những xã hội chậm tiến, cái nghèo khó gây nhiều thử thách cho thày thuốc mà chính những xã hội giàu có sự thử thách càng lớn hơn, và sự vượt qua không nên chỉ đổ cho xã hội mà phải nghĩ lại, do chính thày thuốc có bản lĩnh hay không. Và một khi xã hội của chúng ta có quá nhiều thày thuốc bất lương thì đừng vội đổ lỗi cho nghèo đói mà hãy xem lại cách chọn lựa và đào tạo thày thuốc của chúng ta.
Ta không nên trách xã hội bạc đãi thày thuốc mà chủ yếu trách xã hội có chọn và đào tạo được những thày thuốc có đủ khả năng để gánh vác nhiệm vụ xã hội giao phó hay không. Phải thay đổi lại cách chọn người tài vào những những nhiệm vụ khó khăn, nếu không thì những kẻ cơ hội sẽ luồn lọt vào, đục khoét... làm thối mục cả các nền tảng đạo đức của xã hội và sự sụp đổ chỉ là thời gian thôi….
Xã hội chúng ta ngày nay có những tiêu chuẩn để chọn người hoàn toàn không phù hợp và do đó có quá nhiều những kẻ bất tài, vô đạo chen vào và tiếc thay lại chiếm những chổ đứng cao trong xã hội, tiếp tục bôi bẩn sự trong sáng của mọi ngành nghề, không chừa chỗ nào chứ không riêng gì ngành Y. Những kẻ này chẳng những phá hoại nghề nghiệp, tổn hại cho người dân lệ thuộc mình còn ám hại đồng nghiệp và bạn bè, phun nọc độc ra toàn xã hội.
Khi Steven Spielberg ra mắt Công Viên Khủng Long phần 3, ông cho con khủng long xuất hiện ngay giữa New York, xơi tái nhiều người. Khi có kẻ trách ông sao cho những hình ảnh khủng khiếp đó xuất hiện ngay trên phố thì ông thản nhiên bảo rằng “cái xã hội chúng ta có rất nhiều kẻ đáng bị khủng long xơi tái lắm đó chứ”. Trước đây tôi lên án những người có hành vi bạo ngược với thày thuốc, nhưng hiện nay giống như Spielberg tôi lại nghĩ ”Đúng, có những kẻ mặc áo thày thuốc trong hàng ngũ chúng ta nhưng thực chất là những tên cường bạo, rất đáng bị giết bởi những người cùng đường, quẩn trí “. Và tôi cũng đồng ý với người dân rằng những tên cường bạo đó là số đông chứ không phải hiếm trong xã hội ngày nay. Nhưng vấn đề là làm sao phân biệt được ai thiện, ai ác bởi nhìn bề ngoài rất khó đoán và những hành động bạo lực có khi hại lầm người tốt.
Một khi đại đa số người dân lên tiếng nói giống nhau thì chúng ta phải nghĩ lại chứ không nên kết án người dân là hồ đồ, cảm tính, u mê... Thực sự hình ảnh người thày thuốc ngày nay đã nhạt nhòa lắm rồi trong con mắt người VN. Họ không còn mang hình ảnh của thiên thần với đôi cánh trắng chống lại lũ quỷ đen gớm ghiếc. Chiếc áo trắng đã lốm đốm màu đen của quỷ và đôi cánh đã teo tóp dần thay vào đó là hai chiếc sừng ngày càng nhô lên cao trên vầng trán đầy những nếp nhăn tính toán…Quỷ sứ hay thiên thần, ngày nay có lẽ không cách nhau xa, chỉ một bước thôi và chúng ta mỗi đêm khi ngồi đối diện lương tâm hãy trách mình trước khi trách người. Chính vì bọn nhà Y chúng ta không ra gì nên người dân cùng khổ mới oán trách và căm thù những người lẽ ra họ mang ơn không hết…Ngày nay còn đâu những thày thuốc sẵn sàng xông vào lửa đạn để cứu thương binh, còn đâu những thày thuốc lấy cả máu mình truyền cho bệnh nhân, những thày thuốc ngất xỉu ngay trên bàn mổ, trên giường bệnh hay đột quỵ lúc đi cấp cứu cho người cùng khổ ở những vùng khỉ ho, cò gáy. Ngày nay thày thuốc ngất ngưỡng trong phòng máy lạnh, chỉ tay năm ngón, xem bn như một đối tác vô hồn không phải là con người, là những đối tượng kinh tế có khả năng khai thác làm giàu cho mình bất kể hoàn cảnh đáng thương của một ai. Như thế thì ta có quyền đòi hỏi bn xem trọng mình hay không hay ngược lại đáng bị họ phỉ nhổ như một Giuda bán Chúa lấy những đồng tiền nhơ nhớp? Một khi sức khỏe, sinh mạng con người lại bị xem như một món hàng có thể mặc cả, khai thác thì người thày thuốc không còn có quyền yêu cầu bn tôn trọng mình như một vị cứu tinh của họ. Và người thày thuốc đã tự mình tụt xuống ngang hàng hoặc thấp hơn đối tác- nếu ta xem bn là một đối tác kinh tế- vĩnh viễn không thể nào trở lại ngôi vị ngày xưa trong trái tim cũng như ánh mắt người bệnh.
Khi Adam và Eva nghe theo lời cám dỗ của con rắn, họ đã tự đánh mất mình và phải rời khỏi vườn địa đàng, sống cuộc đời trần gian đầy khổ ải. Trách ai ? Chính mình đã tước đi tương lai và ý nghĩa của cuộc sống mình thì sự trầm luân cả quãng đời còn lại là một "phần thưởng" xứng đáng cho những ai không đủ sức kháng cự lại những thế lực ma quái đang rình rập trên mọi nẻo đường.
Khi đọc trên báo thấy hình ảnh một em bé mười mấy tuổi lao vào dòng nước hi sinh tính mạng, cứu các bạn nhỏ tôi cảm thấy nhục vì mình còn kém thua xa một đứa trẻ vì có nhiều lần mình vì sợ trách nhiệm, vì áp lực xã hội, vì sợ thất bại… không dũng cảm lao lên nắm bàn tay của một ai đó chơi vơi giữa dòng. Vì thế tôi không còn muốn trách ai nữa một khi mình tự thấy không xứng đáng với niềm tin của xã hội và cũng vì hàng ngũ của chúng ta đã tự đánh mất mình sau bao năm làm hoen ố màu áo trắng tinh khiết.