Giáo dục bác sĩ!
Phan Xuân Trung
Vietnamnet đăng bài thời sự quốc hội, bàn về việc tăng giá thuốc. Trong bài có một box ghi “Để giảm giá thuốc, một trong những việc cần làm ngay và làm lâu dài là giáo dục bác sỹ. Bác sỹ là người quyết định sử dụng các dịch vụ y tế” lời của GS Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nói một cách bình dân thì bác sĩ là những tay... mất dạy, cần phải được giáo dục.
Bấy lâu nay ngành y là ngành cao quý, bác sĩ thuộc về hàng trí thức gam trên. Trên các pano tuyên truyền sĩ nông công thương thì hình ảnh thầy thuốc áo trắng được đưa lên cao nhất, đại diện cho tầng lớp trí thức. Xưa kia bác sĩ được gọi là Quan, Quan Đốc. Bệnh nhân một lòng cung kính vì ơn cứu mạng. Thầy thuốc là hiện thân của Quan Âm Bồ Tát, cứu khổ cứu nạn.
Thế nhưng Ngài Phạm Song nói rằng "Phải giáo dục bác sĩ, làm ngay và lâu dài".
Lời phát biểu này không phải là không có căn cứ. Ngày nay người ta thấy trên báo chí không ít những gương điển hình về tội phạm trong ngành y. Vài ví dụ điển hình như BS LTL khoa nội tiết BV Chợ Rẫy cùng một nhóm người thông đồng giả mạo hồ sơ BHYT rút tiền hàng chục tỷ đồng; BS lừa bệnh nhân chụp MRI để vừa lấy tiền BHYT vừa móc túi bệnh nhân, sau đó còn đe dọa; vụ bác sĩ nhận hoa hồng quá cao khi kê thuốc đắt tiền cho bệnh nhân nhiễm siêu vi C...
Rõ ràng là cần phải giáo dục bác sĩ thật. Thế nhưng ai sẽ giáo dục bác sĩ đây khi mà Giáo sư hiệu trưởng trường y khoa cũng vi phạm pháp luật, các giảng viên đại học y tham gia vào việc nhận hoa hồng mang tính điển hình, tiến sĩ tâm lý cũng đi lừa đảo, lãnh đạo sở y tế tay cũng nhúng chàm... Còn nhiều nhiều những ví dụ như vậy nữa, càng khui càng thấy nhức nhối.
Thật ra cái nhức nhối này không phải bây giờ mới có. Hai mươi năm trước, khi còn là sinh viên y khoa, tôi đã chạm phải sự nhức nhối ngay vị giáo sư đáng kính bộ môn Tâm Lý Học. Đến kỳ thi sinh viên phải gom tiền lại bỏ vào bao thư để giáo sư "ôn bài". Bao nhiêu bài học về đạo đức y khoa, về tâm lý y khoa tựu lại đúc kết trong 1 cái phong bì! Tôi ngẫm nghĩ, đây chính là bài học sáng giá nhất mà bộ môn tâm lý ngầm dạy.
Người ta ngầm dạy những thứ mà trên thực tế là có thật. Người ta thực dạy những thứ mà trên thực tế không có thật. Xem ra bác sĩ đâu phải là không được giáo dục! Họ được giáo dục cả ngầm dạy và thực dạy. Ngầm dạy bởi vì chiếu theo những "tiêu chuẩn tốt đẹp xã hội" thì đó là điều xấu xa.
Bộ môn dịch tễ học y khoa có hình ảnh tảng băng nổi trên mặt nước. Phần nổi tảng băng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhoi. Phần chìm của tảng băng mới thực là đáng kể.
Trở lại lời phát biểu của bác Phạm Song, "bác sĩ cần phải được giáo dục". Thưa bác, chúng cháu đã được giáo dục rồi đấy chứ ạ. Thầy cô của cháu, những vị giáo sư đáng kính, những vị lãnh đạo của chúng cháu đã dạy rồi đấy ạ. Họ dạy cho chúng cháu cả bề nổi lẫn bề chìm, họ dạy bằng tất cả thực tế cuộc sống của chính họ. Họ dạy những điều mà các trường y trên thế giới không dạy.
Chỉ có điều là trong thực tế hành nghề ai sẽ làm theo bề nổi và ai sẽ làm theo bề chìm.
03/06/2010
Ý kiến bạn đọc:
name:
Hồ đình Hùng
email:
hohungbp@yahoo.com
Thưa bac Song đáng kính.
Hình như thời bác làm bộ trưởng y tế thì chưa có cái gọi là bảo hiểm y tế cũng như đấu thầu thuốc.
Hiện nay chúng cháu kê đơn bảo hiêm trên cơ sở giá thuốc đã có thông qua đấu thầu.
Với những bệnh nhân không có bảo hiểm thì chúng cháu kê đơn một đằng, nhà thuốc lại bán một nẻo.
Cháu xin cập nhật một số thông tin để bác rõ, ngõ hầu định lại đối tượng cần dạy cho chính xác hơn.
name:
SƠN HẠNH PHÚC
email:
drsonhanhphuc@gmail.com
Chào bác ! Đúng là trong nghành y của chúng ta có một số ít người mắc tội phạm về y đức nhưng có nặmg nề lắm không khi mở đầu bài viết bằng câu:" bác sĩ là những tay... mất dạy, cần phải giáo dục". Nói như vậy là quơ đủa nắm rồi vì bên cạnh những người như vậy co rất nhiều nhiều người vẫn ngày đêm vì bệnh nhân, vì cái tâm của họ.
name:
Pham Cun
email:
hmtu@gmail.com
Cảm ơn bác Song, nhờ có những người suy nghĨ như bác mà chúng ta
có được nền y tế như ngày hôm nay, đầy rẫy tiêu cực, vô đạo và
bất công. Cảm ơn bác!
Vũ tuấn
Rất cảm ơn GS BS Phạm Song. Nhưng ai có đủ tư cách để dạy? Những người có tư cách đạo đức thì không có đủ bằng cấp để dạy những người đã khôn hơn họ
thien su ao trang
Tôi rất đồng tình với những ý kiến nêu trên. Và mong rằng những ai đang mang trên người trách nhiệm cứu giup bệnh nhân hãy luôn giữ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm trong sáng.
Hoangle Ravnaas
Bai viet nay that hay, bac si Trung cung dang noi ve minh do. Theo toi Bac si Trung vua chim va vua noi.
Nguyễn Phái Ba
Cảm ơn bác sĩ Trung về bài viết sâu sắc này. Lâu nay chúng ta nói quá nhiều về y đức, về việc phải làm thế nào để nâng cao y đức, v.v, thế nhưng hình như y đức cũng chẳng thay đổi là bao- Người tốt thì vẫn không ít, nhưng đi khám bệnh viện thì vẫn còn đó bao nhiêu cảnh chướng tai gai mắt, buộc chúng ta lại phải hỏi "y đức ở đâu?"!!!
Tôi hoàn toàn nhất trí với câu kết của bác sĩ Trung. Câu kết này không chỉ đúng với ngành y, mà còn tuyệt đối đúng cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác hiện nay- Thiện căn ở tại lòng ta...
Sơn Parắchh
Rất vui khi nghe về sự phân tích của anh Trung. Đúng là trường Y đã dạy cho chúng ta cả tốt lẫn xấu, quan trọng mình theo phần chìm hay nổi. Cách đây 3 năm khi ra trường tôi chọn một Bệnh viện tư có uy tín và nhiều phương tiện hiện đại với mong họ có ý thức tốt đẹp về đạo đức nghề nghiệp. Nhưng ý tưởng đó của tôi hòan tòan không phù hợp vì họ đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của bệnh nhân. Họ dành nhau từng ca bệnh, từng ca đọc CT hay MRI, họ sẵn sàng bôi xấu và hạ uy tín đồng nghiệp v.v...
Đã công tác trong ngành y hay bất cứ ngành nào theo tôi cái tâm cần đi trước chuyên môn còn không sẽ không bao giờ bền vững được.
Tôi có một người thầy rất giỏi về chuyên môn, nhưng tôi không bao giờ học được các hay đó mà chỉ nhận thấy sự sa đọa và lòng ích kỷ của ông và một cái tâm còn thua các bà bán cá ngòai chợ.