PHAN XUÂN TRUNG

Câu chuyện phòng khám chiều thứ Sáu

BS Phan Xuân Trung

Chiều thứ sáu, phòng khám vắng bệnh nhân. Tôi ngồi lướt web một mình.

Một bệnh nhân bước vào đưa cho tôi tờ xét nghiệm. Xét nghiệm kiểm tra tiểu đường. Đường huyết âm tính, đường niệu âm tính, HbA1C âm tính. Kết luận, không có dấu hiệu của tiểu đường.

Người bệnh nhân nhìn tôi, khẽ nhíu mày. Anh ra tên Lâm, 41 tuổi, ở Dĩ An, Bình Dương. Anh rút ra các tờ xét nghiệm mới làm cách đây 2 ngày. Cũng cùng kết quả là không có bệnh tiểu đường.

"Như vậy là tôi không có bệnh tiểu đường phải không bác sĩ?".

"Dạ, không".

"Tôi biết bác sĩ ít thì giờ, nhưng tôi muốn kể cho bác sĩ nghe một câu chuyện mà từ trước đến giờ tôi không dám kể cho ai nghe. Bây giờ tôi không biết phải nói với ai về nỗi lòng của tôi, ngoài bác sĩ. Tôi đã làm việc gần 2 năm trời mới có tiền đi khám bệnh, và bây giờ tôi mới xác định rằng tôi không bị tiểu đường"

Tôi hơi ngạc nhiên và tò mò trước lời ngỏ của anh Lâm. Người đàn ông này gầy gò, nói giọng Nghệ An, ăn mặc tươm tất, vẻ mặt sáng sủa. Tôi dừng việc vặt, xếp cái máy tính bảng lại để lắng nghe anh nói.

"Năm 2001 tôi từ Nghệ An vào thành phố Hồ Chí Minh để kiếm việc làm sau khi học xong đại học. Công việc của tôi là tham gia cắm mốc biên giới Tây Nam. Lương nhà nước, không có thu nhập thêm, đủ ăn qua ngày. Làm việc và sinh hoạt như lính. Cuối năm 2003 cơ quan tổ chức cho anh em đi khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện HM. Kết quả họ báo về là tôi bị tiểu đường".

"Thôi chết tôi rồi! Bệnh tiểu đường là "bệnh nhà giầu". Phải uống thuốc suốt đời, rồi vài năm thì phải chết!" Anh Lâm nói. "Tôi hoang mang với căn bệnh mới được chẩn đoán và nghĩ về tương lai bệnh tật, mờ mịt. Tiền đâu mua thuốc chữa bệnh? Sức đâu làm việc? Cha mẹ già ai lo?... Tôi càng nghĩ càng quẩn trí. Bác sĩ à, tôi nói cho bác sĩ nghe những điều mà tôi giấu kín từ lâu. Hồi trẻ tôi học rất giỏi, vào đại học đàng hoàng. Tôi không phải kẻ bất lương. Thế nhưng, khi nghĩ đến căn bệnh phải mang, nghĩ đến công việc đang làm, nghĩ đến đồng lương đủ ăn qua ngày, nghĩ đến không thuốc men thì sẽ phải chết sớm... Và... tôi đã liều ăn cắp đồ của cơ quan đi bán! Tôi tìm cách có tiền để chữa bệnh và rời bỏ công việc kham khổ mà tôi sẽ không đủ sức làm. Tôi phải chữa bệnh, phải chọn công việc khác có nhiều tiền hơn. Phải chữa bệnh! Và tôi đã tham ô tài sản của nhà nước đến hơn một tỷ đồng.

Bác sĩ à, tôi nói thật với bác sĩ, tôi có học, tôi không phải là kẻ bất lương. Đầu năm 2004 tôi đã bị bắt vì đã tham ô tài sản nhà nước. Tôi biết mình có tội và trả lại cho cơ quan hết số tiền mà tôi đã có do phạm tội. Dẫu vậy, tôi vẫn bị kết án 7 năm tù giam.

Tôi biết tôi đã phạm tội và phải bị hình phạt. Và tôi đã ôm theo căn bệnh tiểu đường của tôi vào tù.

Tôi phục thiện ngay từ ngày đầu vào nhà giam. Chí thú lao động. Chấp nhận số phận của mình. Đã quen với kham khổ khi công tác nơi núi rừng nên cảnh tù đối với tôi không có gì quá đáng. Tôi chỉ tội nghiệp bố mẹ tôi. Ông bà cảm thấy nhục nhã lắm!

Được 3 năm thì tôi được đặc xá. Cán bộ quản giáo biết tôi có trình độ và có phục thiện nên đề nghị cấp trên cho tôi được đặc xá.

Tôi được ra tù với 2 bàn tay trắng. Với xã hội, tôi không còn là con người cũ, không còn là cán bộ nhà nước. Những người xung quanh biết tôi là thằng mới ra tù vì tham ô, trộm cắp.

Việc đầu tiên tôi nghĩ sau khi ra tù là kiếm tiền để chữa bệnh tiểu đường. Tôi buôn bán quần áo cũ. Thưa bác sĩ, tôi góp nhóp suốt 2 năm để có tiền đi khám bệnh. Bố tôi mới mất, tôi còn đeo tang đây. Mẹ tôi 71 tuổi rồi. Tôi mới lấy vợ được 1 năm, chưa có đứa con nào. Tôi giấu chuyện tôi bị tiểu đường, sợ cô ấy biết sẽ bỏ tôi. Hai lần tôi đi khám ở đây mà phải nói dối với cô ấy là đi Sài gòn thăm người thân.

Hôm trước, kết quả xét nghiệm tôi không bị tiểu đường, tôi rất ngạc nhiên, vì điều đó khác hoàn toàn với nỗi ám ảnh trong đầu tôi suốt nhiều năm qua. Tôi có đến bệnh viện HM để hỏi lại kết quả xét nghiệm ngày xưa để đối chiếu. Nhưng bên ấy nói kết quả lâu rồi, không còn lưu. Và tôi cũng chẳng có bằng chứng nào để chứng tỏ tôi là bệnh nhân của nơi ấy.

Tôi quyết định xét nghiệm lại một lần nữa. Bây giờ thì đã rõ, tôi không bị tiểu đường!".

Lặng người nghe "người bệnh" kể chuyện, tôi chẳng biết nói sao.

"Uhm, chúc mừng anh trút được gánh nặng ám ảnh suốt nhiều năm qua. Hãy về báo tin cho vợ biết là anh không có bệnh. Câu chuyện của anh thật bất ngờ. Đây là số điện thoại của tôi, cần gì anh cứ gọi".

"Cám ơn bác sĩ đã lắng nghe. Tôi xin phép đi về đây".

Bóng người đàn ông gầy gò bước ra khỏi cửa. Tôi thần người, tự hỏi: "Ai đã gây nên chuyện này?".


Bạn đọc có ý kiến xin gửi thư đến phanxuantrung@ykhoa.net

Từ thư bạn đọc

Chào bác sỹ Trung,
Khi đăng nhập trang web của bác sỹ đọc bài "Câu chuyện phòng khám chiều thứ 6 ", cháu tự đặt câu hỏi: "Không biết còn bao nhiêu trường hợp còn bị chuẩn nhầm bệnh như người đàn ông tội nghiệp trong câu chuyện trên?", vì chính cháu cũng là người gặp trường hợp như anh ấy. Nếu có phần "bình luận" trong bài viết thì cháu đã bình luận trực tiếp.
 
Ngày còn học đại học cháu là thành viên hiến máu nhân đạ thường xuyên của trường , một ngày vào cuối năm học khi đang tham gia trong một hoạt động đoàn của trường chị phó bí thư đoàn trường gọi cháu ra 1 chỗ riêng và nói " trong lần hiến máu vừa rồi em bị phát hiện bị viêm gan B, em liên hệ bác sỹ X ở hội chữ thập đỏ tỉnh để được tư vấn...". Cháu lắng nghe, và có lẽ lúc đó mặt mình tái xanh, gượng cười rồi tiếp tục công việc một cách mệt mỏi, mặc dù nghe nói tỷ lệ mắc viêm gan B ở nước mình lên đến 10% nhưng căn bệnh đó không hề đơn giản, và cháu không mấy nghi ngờ về việc mình bị bệnh vì chính bố của cháu đã phải điều trị viêm gan B cả 10 năm.
Thực sự nhớ lại hình ảnh của bố ngày bố bị bệnh làm cháu khó đứng vững khi nghĩ đến mình, gia tài từ cái cây chay trong vườn đều đổ dồn vào căn bệnh của bố, cháu sợ và tìm đến bác sỹ tư vẫn , và cũng vì quen với cháu khi cháu là thành viên hiến máu nhân đạo quen thuộc nên bác sỹ ấy trao đổi khá thân thiện và bình tỉnh làm cháu cũng bớt sợ hãi một phần, về tìm thêm thông tin trên mạng , cháu không dám nói với gia đình, sợ bố mẹ shock - vì quá trình điều trị bệnh của bố đã là gánh nặng cho mẹ. Cháu âm thầm chịu đựng, mua thuốc về gan uống, ăn uống theo chế độ của người bệnh gan ,.....các món đều là luộc. Và cũng không dám nói với các bạn trong nhà trọ , sợ họ sẽ sợ mình , cũng may là cháu sống một mình. Thậm chí ngày đó người yêu cháu ở ngoài bắc cũng có phần ái ngại khi nghe cháu nói cháu bị bệnh viêm gan B - mặc dù anh ấy cũng là một người làm trong ngành quân y . Thực sự là cơn ác mộng với cháu  vì thực sự gia đình thuần nông , phải chống chọi với những căn bệnh chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn quả là một việc không dễ .Đến khi gần ngày nghỉ hè cháu mới dám nói với bố mẹ, và nghỉ hè , cháu về quê 1 tuần, chế độ ăn của cháu được mẹ đặt cho giống hệt của bố ngày xưa, nhìn rõ sự mệt và buồn trên khuôn mặt của mẹ. Cháu được ở nhà ăn dưỡng 6 ngày ,không hoạt động mạnh, hạn chế đi lại,  ngày thứ 7 hai bố con mới chở nhau lên bệnh viện tỉnh khám lại. Lần đầu 2 bố con đến xét nghiệm tại trung tâm tư nhân cho hiệu quả và cả bố cháu cũng xét nghiệm lại bệnh luôn. Sau khoảng thời gian chờ đợi 2 bố con nhận được kết quả ngạc nhiên là cháu âm tính với Siêu vi B, bố thì còn vi rút nhưng với tỉ lệ thấp. Chưa dám chắc chắn, 2 bố con lại sang trường đại họ Y Thái Bình xét nghiệm lại, sau thời gian chờ đợi hồi hộp....vẫn là kết quả cũ. Thực sự lúc đó thở phào một cách mệt mỏi vì căng thẳng.....
Vậy kinh nghiệm rút ra là gì nhỉ.....là lần nào đi xét nghiệm về cái gì đó cháu không dám tin ngay, và có lẽ cũng còn nhiều người khác như cháu và anh bạn trong câu chuyện của bác sỹ.
Cảm ơn bác sỹ lắng nghe câu chuyện của cháu.
Chúc Bác Sỹ cuối tuần nhiều niềm vui,
Trân trọng !

 

--

Nhất Tiểu Long

Kính chào BS Phan Xuân Trung.

Cháu đã đọc qua bài Câu chuyện phòng khám chiều thứ Sáu. Cháu hiểu được nỗi niềm của người bệnh nhân nghèo gặp nhiều khó khăn lại bị xét nghiệm sai lệch khiến mang vào mình biết bao nhiêu lo lắng, ám ảnh, gánh nặng thuốc men... Chính điều này là một thiệt thòi rất lớn cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo. Đó là nỗi đau và cũng là điều mà cán bộ ngành Y tế phải thật thận trọng và có trách nhiệm với xét nghiệm và kết luận của mình, đừng để những điều đáng tiếc như vậy xảy ra.
 
Nhưng đọc bài này, cháu thấy có một điều cháu không hiểu lắm, xin BS giải đáp giúp cháu. Theo cháu biết thì đường huyết, HbA1C và đường niệu là dấu hiệu chẩn đoán tiểu đường. Khi xét nghiệm của người này đưa ra, đường huyết dưới ngưỡng, đường niệu âm tính, HbA1C bình thường, theo cháu thì người này chưa chắc đã không bị tiểu đường. Cháu nghĩ người này có thể đã uống thuốc đầy đủ, tuân thủ chế độ  ăn uống nghiêm ngặt, ít nhất là trong 3 tháng gần đây (HbA1C bình thường), vì vậy giữ được đường huyết dưới ngưỡng, và vì vậy đường không thoát ra niệu nên đường niệu âm tính. Vì vậy nếu dựa vào kết quả này để chẩn đoán người này chưa bao giờ bị tiểu đường là không chắc chắn. Theo những gì cháu biết là vậy. Theo BS thì những gì cháu nói có đúng không ạ? Xin BS có thể cho cháu ý kiến ạ để cháu bổ sung cho kiến thức của mình.

Cháu cám ơn BS rất nhiều. Chúc BS thật nhiều sức khỏe để có thể có thể hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình và luôn có được niềm vui trong cuộc sống.

Cháu xin kính chào BS ạ.
--

Kim Long

Phan Xuân Trung: "Bạn Kim Long hoàn toàn đúng. Tuy nhiên bệnh nhân này không có điều trị gì trước đó."


Bài viết của PHAN XUÂN TRUNG

Bác sĩ hố hàng
Câu chuyện phòng khám chiều thứ Sáu
Công nghệ thông tin y tế
Dự đoán đã không sai
Dự đoán đã không sai
Giáo dục bác sĩ
Giải pháp nào cho nguồn nhân lực y tế?
Làm Thầy
Mua vàng trả bạc
Màn kịch kọt: Thần đèn dời bệnh viện
Những lợi ích khi ứng dụng CNTT trong bệnh viện
Phiếm luận Phong thủy và sức khỏe
Phản hồi bạn đọc
Phỏng vấn đầu năm 2011
Thư của Dr Jean-Marc Olivé đề ng
Viện phí - làm sao tính
Điều gì sẽ xảy ra vào ngày 1/10?
Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn