PHAN XUÂN TRUNG

Làm Thầy

Phan Xuân Trung.

Thầy thuốc

Thầy thuốc là tên gọi chung của những người có khả năng chữa bệnh cho người khác.

Thuở còn bé thơ, khi tôi sốt, phát ban, mẹ tôi thường luộc trứng gà, lăn trên lưng của tôi. Khi tôi đau bụng, mẹ tôi xức dầu vào rún tôi. Khi tôi nhức đầu, mẹ tôi thường giựt gió. Tôi ớn lạnh, mẹ tôi cạo gió, nấu cháo gừng, ủ ấm, nấu nước nóng tắm cho tôi. Mẹ tôi đã làm thay cho một bác sĩ chuyên khoa nhi để chữa bệnh cho tôi.

Mẹ tôi kể người đỡ đẻ sinh ra tôi là bà Bảy Mụ. Bà được gọi tên như vậy là vì bà chuyện môn đi đỡ đẻ cho người ta. Ở quê, những người làm công việc này gọi là bà mụ vườn.

Mẹ tôi ốm yếu, thường hay bệnh. Cái thuở sau giải phóng, ai cũng nghèo, thuốc men không có. Người giúp được cho mẹ tôi là bà Lan giác hơi. Rõ ràng là chỉ khi mẹ tôi bệnh thật thì các vết giác hơi trở nên bầm tím, còn không bệnh thì có giác mấy cũng không đổi màu. Sau khi giác hơi, mẹ tôi nấu nồi lá xông, đổ thêm chút dầu gió, trùm mền vào xông hơi. Một hồi sau thì tỉnh táo hẳn.

Ở Sài gòn, gần nhà tôi có Thầy Năm Chích chuyên môn chữa bệnh. Thầy Năm Chích là y tá quân đội hồi trước. Ông không phải bác sĩ nhưng chích rất hay, chữa bệnh cho rất nhiều người.

Khi học tiểu học, tôi đi ngang Chùa Giác Nguyên thấy phật tử chặt, băm cành cây thành mảnh nhỏ, phơi khô, gói làm thang thuốc, chữa bố thí cho người nghèo.

Mẹ tôi, bà Bảy Mụ, Thầy Năm Chích, các phật tử chùa Giác Nguyên... thảy đều không phải là bác sĩ nhưng đã chữa bệnh cho tôi và mọi người xung quanh. Họ chính là những "Thầy Thuốc Nhân Dân".

Thầy Lang

Thời học trung học phổ thông ở trường Ten Lơ Man, đối diện trường là rạp hát Đại Nam chiếu phim xi nê. Tôi nhớ một bộ phim tên là "Thầy Lang". Không nhớ rõ chi tiết câu chuyện, chỉ nhớ sơ sơ rằng có một vị giáo sư y khoa bị mất trí nhớ đi lang thang rày đây mai đó. Nhìn ông rất xộc xệch và chán đời. Trong quá trình lang thang như vậy ông thường chữa bệnh cho những người nghèo mà không lấy phí. Không ai biết ông là vị giáo sư nổi tiếng. Một hôm ông gặp 1 cô gái mù. Thầy Lang đó đã dùng những dụng cụ nhà bếp như nồi nước sôi, dao chặt thịt, búa... để mổ sọ cho bệnh nhân. May thay, bệnh nhân được sáng mắt. Và hay thay đó lại chính là con gái của ông ta.

Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.

(Ảnh trong phim Thầy Lang. Người bên phải là nhân vật chính.)

Khi tôi học y khoa, các Thầy dạy ngoại khoa kể về chuyện dùng nước dừa xiêm để truyền dịch cho lính thương binh. Không có huyết thanh, nhưng có kiến thức, các Thầy đã cứu sống nhiều thương bệnh binh bằng cách đó.

Các vị Thầy kể trên đã vận dụng trí não của mình để biến những thứ có sẵn xung quanh làm phương tiện cứu chữa bệnh nhân trong những điều kiện khó khăn.

Suy cho cùng, hành xử của Thầy Thuốc dựa vào cái Tâm và cái Trí. Tâm thôi thúc thầy thuốc hành động trước nỗi đau của người khác. Trí giúp thầy thuốc vận dụng bất cứ những gì xung quanh để làm phương tiện chữa trị hữu hiệu. Thiếu Tâm thì chẳng muốn giúp ai. Thiếu Trí thì chẳng thể giúp người hiệu quả.

Quan Đốc Tờ

Bác sĩ trước đây được gọi là "Quan Đốc Tờ" hay "Quan Đốc".

Các Quan Đốc Tờ này được học hành bài bản để trở thành thầy thuốc có chứng nhận đào tạo. Dĩ nhiên, người được đào tạo bài bản phải biết nhiều và chữa bệnh hiệu quả hơn người tay ngang.

Quan Đốc Tờ ngày xưa uy nghiêm trong phong thái, tận tâm tận lực trong công việc, ăn năn khi lỡ gây ra sai sót, hổ thẹn khi kiến thức không đến nơi.

Có một vị Thầy ở bệnh viện Huyết Học, đầu đã bạc trắng. Thầy dấn thân trong sự nghiệp chữa ung thư máu. Thầy than thở với sinh viên rằng đã đến cuối đời rồi mà chẳng cứu giúp được cho nhiều người. Chứng bệnh ung thư ác nghiệt kia đè nặng lên tâm tư người Thầy Thuốc mong muốn tận hiến cuộc đời cho bệnh nhân. Đến nay căn bệnh ung thư chưa có bước điều trị đột phá nên hoài bão cứu người của Thầy không thành hiện thực.

Ngày nay cũng có nhiều Quan Đốc Tờ với nhiều học vị, bằng cấp. Khá nhiều vị đã vượt qua khỏi cái nghĩa Đốc Tờ là Bác Sĩ, họ khẳng định cái học vị Đốc Tờ phải có nghĩa là Tiến Sĩ. Và hơn thế nữa, phải là “Phó Giáo Sư - Tiến sĩ - Bác sĩ” như thế kia thì mới khẳng định vị thế. Có vị học chưa đến đâu cũng ráng tìm cách được chứng nhận “tương tương tiến sĩ” để in danh thiếp cho đẹp. Và không ít bằng cấp, học vị được mua bằng vài trăm triệu.

Những cái bằng cấp đó như tấm thảm bay, nâng quan đốc tờ vào những hàng ghế quản lý, lãnh đạo đầy danh vọng và tiền bạc. Về thực chất thì những vị quan này không hề có tí kiến thức chuyên môn để giúp đời. Người ta nói đùa, các vị quan đốc đó khi chết đi, mang giải phẫu tử thi thì phát hiện ra rằng họ không có tim và óc.

Thầy lang băm?

Đọc báo thấy có một ông Tiến sĩ vật lý tên Khải, là dân “y khoa ngoại đạo”, lại xắn tay vào việc chữa bệnh cho trẻ em. Ông ta xót cho 143 trẻ bị chết vì bệnh Tay Chân Miệng mà bên y tế cứ lờ đi như không có gì, nên đề xuất dùng Anolyt để chữa trị cho các cháu.

Một số Quan đốc gọi vị này là "Lang Băm", không có kiến thức mà cũng đòi chữa bệnh.

Dưới mắt của tôi thì ông này có Tâm. Ông đau xót trước cảnh trẻ em bị mắc bệnh và chết mà không có ai của ngành y tế giúp đỡ một cách hiệu quả.

Dưới mắt cùa tôi thì ông này có Trí. Cái trí của ông không phải là kiến thức y khoa được đào tạo bài bản. Cái trí của ông chỉ cỡ bằng Mẹ tôi, bà Mụ Vườn, thầy Năm Chích... chỉ cần hiểu rằng diệt được mầm bệnh là ngăn được bệnh. Và hành vi của ông ta tương đương với Thầy Lang trong bộ phim xi nê hay của các vị Thầy quân y trong thời chiến.

Chẳng thể nào ngăn chặn bàn tay của người mẹ cạo gió cho con, chẳng thể nào ngăn chặn bà mụ vườn đỡ đẻ cho sản phụ. Thế nhưng người ta đã ngăn chặn bàn tay của ông Thầy Lang Băm kia.

Rủi mà phương pháp của ông thành công thì mấy mảnh bằng của các vị Quan Đốc Tờ bị vứt vào sọt rác.


Ý kiến bạn đọc

Trần Xuân Trường

Tôi cảm phục anh tận đáy lòng vì những kiến thức bổ ích của anh được chia sẻ trên webside. Đọc bài này tôi lại càng kính nể anh - một Bác sỹ giàu y đức. Tôi cũng rất mến "ông già OZon" vì quả thật như anh đã nhận xét: dù lài người ngoại đạo nhưng dám xắn tay vào cứu người (mà theo tôi nếu không thành công thì cũng chẳng hại chết ai).

Quang Tín
Hi , Anh Trung , Cảm ơn anh đã viết bài viết thật hay và ý nghĩa.

Thế hệ trẻ như tụi em rất lờ mờ về những năm tháng đi qua và có thể mất phương hướng .

Đọc bài viết của anh mới cảm được Y Đạo được hình thành và phát triển theo thời cuộc .

Một bài viết tâm đắc .

(Quang Tín -nhipcauykhoa.net)

Nguyễn Bích Ngọc
Cảm ơn anh Trung. Trong cái xa lộ thông tin này thì rác rưởi là chính. Những "kẻ bới rác" như chúng tôi đã xúc động chảy nước mắt khi đọc bài của anh. Anh làm chúng tôi đều nhớ đến mẹ, nhớ đến phim thày lang, nhớ đến lời thề hypocrat, nhớ đến năm tháng học hành nhọc nhằn và những kỷ niệm về nghề. Anh đã thổi lại ngọn lửa yêu nghề trong tôi. Chúng tôi thật tự hào và là người may mắn đọc bài của anh. Như người bới rác tìm ra được mẩu vàng.

Bacsinhaque

Cám ơn anh Xuân Trung.

Không phải người thầy thuốc nào cũng nghĩ được như anh.  Hãy xem trên các diễn đàn, dân ngành y từ sinh viên tới BS, với đa phần là kiến thức Google, đang "a dua" nhau lên án ông Khải. Hãy nhìn nhận những gì ông làm được mà ngành y chúng ta chưa làm được, tôi tin rằng ông có tâm và không phải không có trí.

Helen Bui

Bai viết tuyệt vời quá, mong sao nhiều vi Bác sĩ-Tiến Sĩ đọc và cảm nhận để phần"người" không quá lấn át phần "con" trong quá trình điều trị và tư vấn cho bệnh nhân đúng thuốc, đúng bệnh và quan trọng là cái "tâm" của vị lương y như từ mẫu....

Cao Thanh Xuân
Câu truyện hay và ý nghĩa, ko nên vì 1 thứ quá cứng ngắt trong việc khám và chữa bệnh mà chúng ta nên nghĩ thoáng hơn, để tìm cách chữa bệnh nhanh nhất và tốt nhất cho con bệnh, phải làm sao cho xứng đáng câu "lương y như từ mẫu", đừng vì lợi cho mình mà đánh mất lòng nhân ái có trong ta ^^

mai an di

Anh Trung! Toi thay anh noi nhung dieu ma chi ngam qua hang rao mau nao cua nhung con nguoi co trai tim nhan hau. Con thi... cac vi ay co doc cung khong hieu duoc dieu ay dau. Chuc anh khoe de cung chia se... noi dau tran the.

DUONG THI NGOC OANH
BAI VIET RAT THAT, DIEN DAT DUOC NHUNG DIEU RAT DAN DA NHUNG THUC TE VA CO Y NGHIA THAT THAM THUY.

Dr công

Rất hay! Hay nhất là nạn "học giả bằng thật", tồn tại của ngành giáo dục hiện nay, cần phải chấn chỉnh ngay.

BS Y90A

Bài viết rất hay. Lâu lâu mới đọc được một bài viết bằng cái tâm và chất chứa cảm xúc như vậy. Mong XT có nhiều bài mới.

Võ King Luân
Bạn nói đến điều mà chúng ta hay hỏi tại sao người xưa hay nói là bác sĩ và bác tài. Mặc dù đẳng cấp về kiến thức là khác nhau nhưng họ đều phải có 02 điều tối quan trọng là Tâm và Trí và đều nắm giữ hoặc ít nhất là người bảo vệ hoặc nắm giữ sự sống và cái chết.

Tiếc là trong thời buổi loạn lạc này đa số là y tặc và lái tặc

Bùi Tuyến

Chinh vi nhung y tac do da lam cho nen y te viet nam bay gio tro nen nhu vay. Kinh mong nhung ai da duoc ton len lam thay hay lam dung trach nhiem. dung vi dong tien ma mat di chu "thay" trong nganh y

Vũ Thị Hải
Đọc bài thầy Trung viết, tôi thấy thật xót xa cho ngành y của chúng ta. Đến người trong ngành còn cảm nhận, tự nhận thấy mình xuống cấp như vậy huống chi dân thường. Tôi thấy buồn vì xã hội đã không tạo ra những nhân viên ngành y tốt hơn thời xa xưa mà lại càng tồi tệ hơn khi mà y văn thế giới ngày càng phát triển. Là người nằm trong giáo dục ngành y, tôi thấy buồn mà lực bất tòng tâm. Một mình chẳng làm lên gì cả, nhưng tôi vẫn làm, làm được đến đâu hay đến đó. Giống như người mẹ, bà mụ vườn, hay thầy Lang mà thầy Trung đã viết ở trên. Cảm ơn thầy rất nhiều.

Phạm Đức Trường

Tôi đang buồn, đọc xong bài của Anh lại thấy buồn thêm! Xin cảm ơn những dòng tâm sự đích thực của Anh. Trường, một BS ở Thái Bình

Tran van luu

Qua la mot bai viet hay! Qua that nhung gj trong tham tam toi bao lau nay cung tu hoi minh nhjeu lan rang lam the nao de minh co the lam mot bac sy dung voj nghj cua no! Cam on ban nhjeu bay gjo phan nao cau tra loi da co!

Võ Đức Chiêu

Chào anh Trung!

Phim Thầy Lang là phim màn ảnh rộng của Ba Lan. Em nhớ còn một chi tiết rất hay là ông dùng 1 cái kìm lớn để nhổ răng cho bệnh nhân - Ông vác bệnh nhân đi khắp vườn, cuối cùng phải ép vào chuồng dê (cừu...) để bẩy thì mới nhổ được cái răng.

Ông Ts Khải chữa bệnh TCM có thể đúng hoặc không đúng, nhưng "Vô Hại". Làm Y khoa trước tiên phải không hại ai.

Chiêu

Nguyễn văn Vĩnh

Tôi rất tâm đắc bài viết nầy của BS P.X Trung. Bây giờ y tặc nhiều quá! Bs đa phần có đến.. "7" đức . Cũng là người trong ngành, tôi thật xót xa.

Le Van Chuong
Ban viet qua hay, dien dat het y cua minh. Minh cung muon viet nhu vay nhung doc xong thi thay kg can viet nua. Cam on ban. Y90D.

 


Bài viết của PHAN XUÂN TRUNG

Bác sĩ hố hàng
Câu chuyện phòng khám chiều thứ Sáu
Công nghệ thông tin y tế
Dự đoán đã không sai
Dự đoán đã không sai
Giáo dục bác sĩ
Giải pháp nào cho nguồn nhân lực y tế?
Làm Thầy
Mua vàng trả bạc
Màn kịch kọt: Thần đèn dời bệnh viện
Những lợi ích khi ứng dụng CNTT trong bệnh viện
Phiếm luận Phong thủy và sức khỏe
Phản hồi bạn đọc
Phỏng vấn đầu năm 2011
Thư của Dr Jean-Marc Olivé đề ng
Viện phí - làm sao tính
Điều gì sẽ xảy ra vào ngày 1/10?
Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn