Phong thủy và sức khỏe
BS Phan Xuân Trung
Khi nói đến phong thủy, nhiều người, trong đó có tôi, thường nghĩ đến điều huyền bí, khó hiểu. Search tìm bằng google, tôi chỉ tìm thấy được một mớ hỗn độn những ngôn ngữ cổ xưa không tài nào nhớ nổi.
Tuy nhiên, tra từ nguyên Hán Việt thì Phong nghĩa là gió, là khí, Thủy nghĩa là nước. Mà 2 yếu tố này hẳn là có liên quan đến sự sống, nghĩa là liên quan đến sức khỏe con người.
I. Phong:
Theo nguyên nghĩa phong là gió, là sự chuyển động của không khí. Không khí liên quan đến hô hấp. Không có không khí con người ta chết sau vài phút.
Không khí và cơ thể:
Không khí chứa khoảng 25% Oxy và khoảng 75% Ni tơ, còn lại là hơi nước, khí carbonic và vài thứ linh tinh khác. Trong quá trình trao đổi khí tại phổi, hồng cầu hấp thu oxy trở thành máu đỏ tươi. Hemoglobin trong hồng cầu mang Oxy theo động mạch đến mô, tế bào cơ thể để thực hiện quá trình hô hấp tế bào, đốt cháy vài hoạt chất để tạo thành năng lượng cho cơ thể. Quá trình đốt cháy đó sản sinh khí CO2, được Hemoglobin hấp thu, khiến máu trở nên đỏ thẩm hay gọi là máu đen, theo tĩnh mạch, đến phổi để thải ra ngoài. Nếu không có oxy thì các tế bào không có chuyển hóa chất và cơ thể bị chết. Như vậy, cơ thể muốn tồn tại được thì phải hít thở không khí có đủ oxy. Trong cấp cứu, bác sĩ gắn vào mũi bệnh nhân một cái ống xì khí oxy để bảo đảm cơ thể có đủ oxy cung cấp nhiên liệu cho cơ thể hoạt động.
CO2 là thán khí, bị cơ thể loại ra trong quá trình hô hấp. Nếu người ta ở chung đông đúc trong một không gian hẹp, Oxy bị hấp thu dần, Carbonic tăng dần vào người ta cảm thấy ngộp thở, bức bối. Tế bào não là nơi nhạy cảm nhất với nồng độ Oxy trong máu, sẽ bị tê liệt hoạt động, và vì vậy, người bị nghẹt/ngộp thở sẽ mất ý thức (xỉu, bất tỉnh). Nhu cầu oxy của não cao nhất so với các loại mô tế bào khác trong cơ thể. Vì vậy thiếu oxy đến 1 lúc nào đó sẽ dẫn đến chết não. Nếu các cơ quan nội tạng khác chưa kịp "chết" thì người ta sống đời sống thực vật, mất ý thức. Vì tầm quan trọng đó mà người ta cần phải đo độ bão hòa của Oxy và nồng độ CO2 trong máu để can thiệp sao cho cơ thể luôn luôn được cung cấp đủ oxy.
Người mắc bệnh phổi mãn tính bị mắc chứng COPD, lồng ngực dãn rộng, lượng khí trao đổi giữa trong và ngoài phổi không đủ như người bình thường, thở ra không hết khí cặn, hít vào không đủ khí tươi. Khí cặn CO2 thập thò trong lồng phổi, nồng độ ngày càng tăng cao, nồng độ O2 hạ thấp, hồng cầu không thu đủ OXY, không đỏ thắm nên mặt mũi xanh xanh tái tái.
Người bị lao phổi nặng, dù có được điều trị, phổi bị xơ xẹp, mất bớt chức năng trao đổi khí nên không cảm thấy khỏe mạnh.
Người bị tràn dịch màng phổi hay tràn khí màng phổi cảm thấy khó thở, thở không hết, hít không sâu được vì phổi bị hạn chế, không dãn ra được hết để thu đủ không khí cần thiết. Cần phải hút dịch hoặc hút không khí trong màng phổi cho phổi dãn nở đủ thì mới khỏe.
Người bị hen suyễn, hít vào dễ, thở ra khó, phải rặn, nghe tiếng khó khè. Cơ chế là do viêm và dị ứng gây hẹp phế quản.
Cơ thể muốn khỏe mạnh, về mặt trao đổi khí, cần phải có không khí sạch và bộ máy hô hấp lành lặn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được 2 yếu tố này.
Không khí sạch là một điều kiện khó đạt ở thành phố, như Sài gòn hay Hà Nội. Lượng xe cộ dày đặc đã sản sinh ra khí CO2 nhiều đến mức đậm đặc. Xăng dầu bị đốt cháy, thải CO2 ra môi trường. Những ống pô xe hơi và xe máy ngày nay không thấy khói nhưng phụt ra toàn khí thải. Khí thải đó có phần lớn là CO2, benzen, chì, mụi than và xăng dư Những chiếc xe xả nhiều khói thì có nhiều mụi than và xăng dư do không đốt hết. Hàng triệu chiếc máy nổ động cơ phun xả thán khí ra môi trường. Những chiếc xe nối đuôi chen chúc nhau, người đi sau hít khí thải của xe người đi trước. Xe càng lớn phân khối thì khí thải càng nhiều. Người giàu có phải mua cho được xe hơi, một mình một xe, tham gia thải khí vào môi trường một cách tích cực.
Người ta hiện nay nói đến hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng dần lên, nhiệt độ trái đất tăng thêm vài độ làm tan băng ở 2 cực trái đất, nước biển dâng cao, triều cường làm ngập thành phố. Triều cường mang nước cống thải đậm đặc vi trùng lên đường phố gây bao loại bệnh da liễu, hô hấp. Ban đêm khi thành phố Sài gòn bắt đầu chìm vào giấc ngủ, từ phía Nhà Bè người ta thấy cột khói nhà máy như con trăn khổng lồ nằm vắt ngang bầu trời đêm thành phố. Ban ngày cột khói đó biến mất như chẳng có điều gì xảy ra.
Xem ra đi xe đạp là biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường sống. Thế nhưng Bộ Giao Thông Vận Tải ra lệnh cấm xe ba bánh, xe tự chế là những chiếc xe thân thiện môi trường để thay thế vào đó các chiếc xe kéo của Trung Quốc chạy bằng xăng dầu tham gia làm ô nhiễm môi trường.
Trong không khí đô thị, ngoài thán khí CO2, người ta còn hít phải vô khối bụi bặm từ việc đào đường, xây lô cốt… Người ta cũng thân tặng cho nhau xác một con chuột chết bằng cách quăng ra đường cho xe cộ qua lại cán dẹp. Thân xác cát bụi của con chuột không trở về với cát bụi mà vào cư ngụ trong mũi, trong phổi của người đi đường. Bệnh viêm xoang, viêm họng, viêm kết mạc mắt, hen suyễn ngày càng nhiều. Người ta cũng tặng cho nhau những bãi đờm mới khạc ra và phun vào lề đường. Vi trùng lao theo đó mà phân phối cho dân cư và góp công duy trì nước Việt Nam trên bản đồ lao thế giới.
Dân thành thị ra đường đeo khẩu trang kín mít mặt mũi. Điều này giúp người ta có cảm giác yên tâm rằng mình “đã được bảo vệ”. Thực chất thì các hạt lơ lửng và thán khí không hề bị khẩu trang ngăn chặn. Chúng vẫn vô tư theo dòng không khí đi ra đi vào lỗ mũi như chỗ không … bảo vệ. Bụi xi măng và đất đá chính là thủ phạm gây bệnh bụi phổi cho công nhân làm đá, thợ hồ và cả những ông chủ lò gạch. Điều đáng sợ là bệnh bụi phổi làm cho người ta suy tàn mà không có phương pháp chữa trị.
Trong những này rét đậm rét hại ở miền Bắc vào mùa đông, nhiều người đã “chết tươi” vì đốt lò sưởi trong nhà đóng kín cửa. Không phải CO2 (khí Carbonic) mà chính là CO (oxyd carbon) đã giết chết người trong nhà. Khí CO được sinh ra do sự đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu, có đặc điểm là bám vào Hemoglobin trong hồng cầu rất chặt khiến cho Hồng Cầu mất chức năng hấp thụ O2. Vì vậy, dù nạn nhân có được cấp cứu, cho thở oxy thì vẫn không hiệu quả. Khí CO không chỉ sinh ra từ bếp lò than củi mà còn sinh ra từ máy phát điện chạy dầu. Ở Hà Nội đã có trường hợp cả gia đình chết ngạt vì chạy máy phát điện trong nhà đóng kín cửa.
Khói thuốc lá:
Môi trường không khí bên ngoài chưa đủ ô nhiễm, những người đàn ông còn tạo thêm ô nhiễm cho mình và cho người khác bằng những điếu thuốc lá. Khói thuốc là ngoài chất nicotin tạo khoái cảm cho người hút, còn chứa nhiều CO, CO2, mụi than, hắc ín (nhựa đường)... Dãi khói nhỏ mơ màng vậy nhưng làm đen hàm răng người ghiền thuốc. Hàm răng dù được chải, đánh bằng kem mỗi ngày vẫn không thể không đen vì bám hắc ín. Bên trong sâu hơn nữa của đường thở là khí quản, phế quản và phế nang cũng bị tổn thương ghê gớm.
Nhằm chống lại các chất lạ từ khói thuốc lá, các tế bào có lông mao và các tế bào tiết nhầy hoạt động liên tục. Chất nhày được tiết ra để bám bắt lấy khói bụi, hình thành cục đàm nhớt, được tế bào lông chuyển lùa lên họng và sau đó được ho tống ra ngoài. Thế nhưng lượng khói hút vào quá lớn so với cơ chế bảo vệ tự nhiên của phổi. Những tế bào lông nhung đẹp như cỏ sân vận động mới trồng nay trở nên xơ xác, ngập trong chất nhày và mất chức năng lùa đẩy đàm nhớt. Các phế nang bị dãn rộng và chứa đầy khí cặn. Lồng ngực người bệnh trở nên bọng rỗng như cái thùng, người ta gọi là lồng ngực hình thùng. Bệnh viêm phế quản mãn tính khiến cho bệnh nhân ho khạc suốt đêm. Có câu chuyện tiếu lâm nói rằng hút thuốc rất có lợi, ăn trộm không dám vào nhà vì bệnh nhân ngồi ho suốt đêm. Chứng Tắc nghẽn phế quản mãn tính (COPD) khiến cho người bệnh sống dở chết dở vì thiếu oxy. Các thông tin báo chí và các bác sĩ thường lấy bệnh ung thư phổi ra nói với người hút thuốc, nhưng hình như “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.
Việc hút thuốc lá gây phiền phức cho người xung quanh. Tại nhiều nước hút thuốc ở nơi công cộng bị phạt rất nặng. Trước đây, tại các nơi như sân bay, nhà hàng, bệnh viện… có một phòng riêng dành cho dân ghiền thuốc lá. Ngày nay các buồng hút thuốc lá như vậy cũng bị dẹp hẳn mà thay vào đó là bản hiệu cấm hút thuốc lá hay “bệnh viện không thuốc lá”. Nhiều người nghiện thuốc lá bị người khác nhìn với ánh mắt kinh tởm.
Ngày nay hầu hết thuốc lá có đầu lọc để ngăn chặn nicotin, nhưng hầu như tác hại của nó không giảm là mấy. Những ông Tây ghiền thuốc lá nếu đến Việt Nam sẽ dập đầu bái phục trước ống điếu thuốc lào của ta. Các bác nghiện thuốc lào ngồi quán trà vỉa hè, nhồi 1 cục thuốc vào ổ, đốt thuốc và hít khói thật sâu. Tiếng nước lọc xọc, khói bay mù mịt, cảm giác lâng lâng … thật là mê ly, hấp dẫn! Khi kéo một hơi thuốc lào, khói thuốc đi vào tận cùng từng phế nang của phổi. Phế nang lấp đầy khói thuốc như thể khói pháo đêm giao thừa. Trả giá cho những cơn đê mê khói thuốc đó là cái ngực hình thùng, những trận ho đàm không dứt, những cơn khò khè khó thở khi về già. Còn gì tệ hơn khi mà ngay cả việc thở ta cũng không làm được!
Không khí và kiến trúc nhà cửa:
Không khí trong lành thì cơ thể mới khỏe mạnh. Nhà cửa thoáng mát nhờ có không khí ra vào. Gió vào cửa này sẽ thoát ra cửa kia. Nhà ít cửa, không khí không vào, gây không khí tù đọng, ứ trệ nhiều mầm bệnh, nấm mốc, vi trùng lao, virus… Hơi khí từ các cống rãnh, nhà vệ sinh không thoát ra ngoài hoặc không có "con thỏ" giữ lại sẽ vào nhà gây ô nhiễm. Các nhà vệ sinh cần có ống thông thoát hơi hầm cầu, cần gắn quạt hút hơi để giữ phòng vệ sinh luôn luôn có không khí sạch. Ở thành phố phần nhiều nhà hình ống, bốn bề gần như bít kín. Các kiến trúc sư khuyên nên có giếng trời cho không khí lưu thông.
Ở những miền có 4 mùa rõ rệt, không khí mang nhiệt độ bên ngoài vào. Trời nóng cần mở cửa cho gió lùa, mùa lạnh cần đóng kín cửa tránh lạnh.
Nơi làm việc văn phòng cần mát mẻ, thường gắn máy lạnh. Ngoài nhiệt độ thấp làm mát, gây tươi tỉnh đầu óc, người ta còn quan tâm đến các gốc tự do lơ lửng trong không khí. Các gốc tự do hay ion này có tác dụng gây lão hóa cơ thể. Các nhà sản xuất máy lạnh còn cho thêm tính năng lọc không khí, diệt trừ gốc tự do.
Những căn phòng tù đọng ẩm thấp có mùi hôi, người ta dùng chai xịt phòng có mùi thơm để lấn át mùi ẩm mốc. Tuy nhiên nước xịt phòng không phải là chất khử mùi, loại bỏ tạp chất độc hại đang có, mà chỉ có giá trị che giấu bớt mùi hôi sẵn có mà thôi. Một số loại thuốc xịt muỗi, kiến, gián có mùi thơm như mùi chanh, mùi táo... rất hấp dẫn nhưng không phải là không độc hại. Thuốc xịt có mùi thơm vẫn đầy độc hại như các thuốc xịt có mùi hôi. Những chai thuốc có mùi hôi làm người ta nín thở, không dám hít vào, tránh xa chỗ xịt thuốc. Như vậy loại có mùi hôi giúp người ta tự bảo vệ mình, đi xa khỏi vùng độc hại.
Không khí và bệnh truyền nhiễm:
Nhiều dịch bệnh lây qua đường không khí: cúm, sởi, lao, ho gà… Gần đây người ta nói nhiều đến H5N1, hay bệnh cúm gà. Đúng ra phải gọi là cúm chim vì tất cả các loại chim chóc, gia cầm đều có khả năng nhiễm bệnh chứ không phải chỉ có gà mới bị.
Khi mắc bệnh cúm, bệnh nhân hắt hơi và các virus trong nước mũi được phát tán ra ngoài. Những con virus nhỏ bé lơ lửng trong không khí chờ dịp chui vào phổi người khác, gây bệnh. Những hạt lơ lửng trong không khí có nhiều kích thước to nhỏ khác nhau. Những hạt to bị lông mũi và chất nhày mũi bắt dính lại từ vùng khoang mũi. Những hạt lơ lng nh li ti thì tiếp tục vượt qua khoang mũi, vào phổi gây bệnh.
Các loại bệnh do virus gây ra thường tự khỏi sau 7 ngày, nhưng lây lan thành dịch. Vào mùa dịch, ngành y tế thường báo động cho người ta tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang, tập thể dục để tăng sức đề kháng, tránh tụ tập thành đám đông.
Vi trùng lao lây lan qua không khí. Vi trùng lao dễ bị tiêu diệt dưới ánh nắng, nên việc tắm nắng cũng có giá trị ngăn ngừa bệnh lao.
Vệ sinh đô thị:
Mặc dù là dân thành phố lịch sự, văn minh, nhưng chúng ta thỉnh thoảng vẫn đi ngang qua một khu phố có con đường vắng nồng nặc mùi nước tiểu và mùi phân người. Những ông nhậu hè phố thường trút bầu tâm sự vào tường nhà người khác một cách vô tư. Những người vô gia cư, những chị bán hàng rong khi đau bụng mắc cầu, không biết phải nhờ nhà ai, đành phải tương ra lề đường, gốc cây. Sau đó ruồi nhặng và nắng gió có nhiệm vụ phân phối vào hơi thở những người xung quanh. Trong mớ chất thải đó có nhiều trứng lãi, sẵn sàng đáp vào hàng bún ven đường để giúp những chú lãi thực hiện hành trình chu du của mình.
Ở nước ngoài, nhà vệ sinh được đặt ở khắp nơi, rất dễ tìm khi cần đến. Trong nhà vệ sinh có đủ nước và giấy lau tay dùng 1 lần bỏ. Có như vậy thì chất thải mới được quản lý, thu gom. Còn không như vậy thì “đêm đêm ngửi mùi hương, mùi toa lét nhà nàng…”
Thói quen ăn uống ngoài đường của bà con đã thành truyền thống, khó bỏ. Việc kinh doanh ăn uống lề đường cũng thuận tiện nhiều bề: không cần thuê mặt bằng, không cần dọn rửa, dễ tiếp cận khách hàng, tận dụng ánh sáng trời thay cho đèn đuốc… Những gánh hàng rong đó bày biện đồ ăn dễ bắt mắt và cũng dễ bắt … bụi. Một cơn gió thổi qua, một chiếc xe vù ngang, một nhát chổi quét đường … tất cả đều là phương cách gởi gắm những hạt bụi mà thành phần là phân chó, phân mèo, xác chuột chết… bay vào tô bún bò ngon tuyệt.
Sài gòn mùa nóng, đất đường khô khan, mặt đường bụi bặm. Những người quét đường vung từng nhát chổi gom đi rác rến, lá vàng. Những nhát chổi đó làm khuấy đảo đất bụi vào không khí. Để bảo vệ không khí đô thị, vài năm gần đây, người ta thấy xe xịt đường chạy vòng vèo khắp thành phố, xịt nước xuống mặt đường, nói là để rửa đường. Nhìn kỹ thì xe đó chẳng có tác dụng rửa đường gì hết vì lượng nước phun ra chỉ đủ ướt mặt đường chứ không nhiều đủ để trôi đi bụi đất. Xe đi qua, để lại mặt đường nhớp nháp và vài cuộc trợt ngã xe máy. Nửa giờ sau thì mặt đường lại trở về như trước đó.
Ở Anh Quốc, những chiếc xe quét đường vừa quét vừa hút bụi. Chồi quét đường là một chổi xoay tròn, xe chạy đến đâu chổi quét và hút đến đó. Xe đi qua, đường sạch trơn. Đường sạch thì không khí đô thị cũng sạch, sức khỏe người dân đô thị cũng được bảo vệ.
II. Thủy.
Thủy, từ Hán Việt, là nước.
Nước chiếm ¾ bề mặt trái đất và cũng chiếm ¾ trọng lượng cơ thể. Người tuyệt thực có thể nhịn ăn nhiều ngày chứ không thể “tuyệt ẩm”. Có thể nhịn đói chứ khó có thể nhịn khát. Hầu hết nước trong cơ thể tồn tại trong tế bào, dịch gian bào, số còn lại tồn tại trong máu lưu thông, khoảng 4 lít.
Trong tất cả các trường hợp cấp cứu, nhập viện việc đầu tiên là cắm cho bệnh nhân một chai dịch để bảo đảm cho hệ thống tuần hoàn được duy trì ổn định. Các bệnh tiêu chảy cấp, bệnh tả gây mất nước, bệnh nhân dễ dàng tử vong do trụy tuần hoàn. Tai nạn thương tích làm mất máu nhiều cũng gây tử vong. Người lao động ngoài nắng, mất nước do bốc hơi và mất điện giải sẽ bị ngất xỉu.
Hệ tiết niệu và các tuyến mồ hôi có vai trò cân bằng lượng nước cơ thể. Khi uống nhiều thì sẽ đi tiểu nhiều để giữ cho lượng nước trong cơ thể luôn luôn ổn định. Những quán bia đông đắt khách thường trang bị một cái toa lét bự để phục vụ khách.
Nước đi vào cơ thể người ta không chỉ qua nước uống. Trong đồ ăn hàng ngày như cơm, cháo, trái cây, rau cải… cũng hàm chứa một lượng nước đáng kể. Nước đi ra khỏi cơ thể không chỉ qua đường tiểu mà còn qua hơi thở, mồ hôi, phân.
Nước trong cơ thể có các chất hòa tan tạo áp lực thẩm thấu. Nồng độ muối trong cơ thể là 0,9%, nghĩa là 1 lít huyết thanh có chứa 0,9 g muối. Nước cất tinh khiết có chứa 0,9% muối được gọi là nước muối sinh lý. Khi áp suất thẩm thấu bị mất cân đối thì sẽ gây ra nhiều phiền phức. Áp suất thẩm thấu trong máu thấp sẽ đẩy nước vào mô gian kẽ, gây phù thủng. Áp suất thẩm thấu tăng cao thì hút nước từ mô gian kẻ và tế bào vào lòng mạch gây chứng tăng huyết áp. Bác sĩ khuyên bệnh nhân cao huyết áp không nên ăn nhiều muối và cho bệnh nhân uống thuốc lợi tiểu để giảm áp lực hệ tuần hoàn. Có khá nhiều bệnh liên quan đến hệ tuần hoàn. Các bệnh đó đều nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Nước đối với cơ thể cực kỳ quan trọng. Muốn cơ thể khỏe mạnh phải sử dung đầy đủ nước sạch. Các đô thị đông đúc thường tập trung xung quanh sông ngòi. Các nhà thiên văn, nghiên cứu vũ trụ thường cố gắng tìm dấu vết của nước trên các hành tinh. Họ xem đó như là điểm khởi đầu của các điều kiện tồn tại sự sống.
Sự sống cơ thể cần đến nước thì sự sống xã hội cũng cần đến nước. Có vô số sinh hoạt xã hội xảy ra cần đến nguồn nước như nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất… Trời hạn hán sẽ làm điêu đứng xã hội. Nhà nông phải làm thủy lợi, dẫn thủy nhập điền để điều tiết canh nông. Mỗi thành phố lớn nhỏ đều cần đến nhà máy lọc nước để cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư.
Nước cũng mang tai họa đến cho con người. Lũ lụt thiên tai xảy ra cướp đi sinh mạng con người trong quá trình hoành hành của nó. Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đều phải đối phó với lũ lụt. Trẻ em rơi xuống nước chết là chuyện bình thường ở vùng sông nước. Sau những cơn lũ lụt, dịch bệnh thường xảy ra, nhất là dịch tả. Vi trùng tả theo nước lũ tràn vào nước sinh hoạt. Người dân uống nước nhiễm bẩn và mắc bệnh. Vùng đồng bằng Nam Bộ nhiều sông nước. Người dân có thói quen đi vệ sinh xuống sông. Và chính những con sông này cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt cho bà con. Nước ô nhiễm nhưng không được nấu chín trước khi uống, mầm bệnh theo nước vào cơ thể. Ngoài các bệnh đường ruột như tiểu chảy cấp, thương hàn, kiết lỵ, còn các loại bệnh nguy hiểm khác như áp xe gan do a míp. Nước tù đọng làm chỗ sinh sản cho muỗi mòng, gây sốt xuất huyết, sốt rét…
Ở miền Bắc không có nhiều sông ngòi như miền Nam. Miền Bắc có ao hồ chứa nước tù đọng. Dân miền Bắc sử dụng ao hồ cho tất cả các sinh hoạt hàng ngày của mình: nấu ăn, rửa bát, giặt đồ, tắm rửa và … đi vệ sinh. Các vụ dịch “tiêu chảy cấp nguy hiểm do vi khuẩn tả” (thực chất là bệnh tả) vừa qua đã lột tả được hoàn cảnh mất vệ sinh khủng khiếp của nhân dân theo tập quán ao tù, nước đọng. Khi đó người ta thấy bộc lộ vấn đề trách nhiệm của chính quyền chăm lo cho người dân ở những điều kiện căn bản là quá kém cỏi. Người ta dùng nước cống để rửa rau. Người mắc bệnh tả đi tiêu vào lòng hồ Linh Quang, người bán rau ở chợ cạnh đó dùng nước hồ tưới cho rau khỏi héo… Sống ngay lòng thủ đô, bên cạnh con sông Hồng quanh năm đầy nước, nhưng người dân thủ đô cũng không có đủ nước sạch để dùng. Quan chức y tế thì không thấy trách nhiệm của mình mà lại còn đòi "xử lý hình sự" bệnh nhân mắc bệnh tả (!)
Gần đây, báo chí còn loan tin người dân đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sạch, phải đi mua từng thùng nước ngọt với giá trên trời.
Nhà máy Vedan xả chất thải xuống sông Thị Vãi, gây ô nhiễm môi trường nước. Đến Hà Bá cũng phải nhập viện săn sóc đặc biệt. Cá tôm sò ốc không sống nỗi, thủy vi sinh cũng chết theo. Người nông dân không quá đáng khi đòi Vedan bồi thường hàng trăm tỷ đồng. Vedan chỉ là một nhà máy đại diện cho những nhà máy khác, vì lợi ích của mình mà không ngại đưa chất thải nguy hại ra môi trường sống bên ngoài. Những cơ sở thuốc nhuộm, trang trại chăng nuôi heo được xây dựng ngay sát sông rạch để dễ bề tương xuống chất thải ghê gớm. Các con kênh rạch trong TP HCM không có con nào trong xanh cá lội mà hình ảnh chung là một dòng “nước” đen kịch, đặc sệt, hôi hám.
Việc đầu độc môi trường nước không chỉ do các nhà máy sản xuất mà đến từ sinh hoạt hàng ngày của dân chúng. Ti vi quảng cáo hàng ngày các loại dầu gội, xà bông, bột giặt… Những thứ hàng hóa đó mang hình ảnh của văn minh, lịch sự vì mang lại sự thơm tho, sạch sẽ, tươi mát cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, càng sử dụng hàng hóa tẩy rửa bao nhiêu thì môi trường nước càng hứng chịu bấy nhiêu. Xà bông, dầu gội không có màu đen như chất thải thuốc nhuộm, nhưng đó cũng chính là chất gây hại cho môi trường. Không cá tôm, thủy sinh nào có thể chịu đựng được xà bông, thuốc tẩy.
Tại Malaysia, nơi có sòng bạc nổi tiếng Genting, trong các khách sạn, người ta dán các mẫu tin như là: “Chúng tôi có rất ít nước sạch, xin vui lòng dùng nước một cách tiết kiệm”. Tại Thái Lan, trong phòng tắm khách sạn, người ta dán thông báo: “Khăn còn sạch xin để trên kệ. Chỉ những khăn nào thật sự cần giặt, quý khách bỏ xuống sàn nhà để chúng tôi phục vụ. Nhằm giảm bớt việc giặt giũ không cần thiết gây lãng phí nước sạch và gây ô nhiễm môi trường do chất tẩy rửa”.
Dân số tăng nhanh, tài nguyên có hạn, quản lý nhà nước kém cỏi… Nhiều đô thị mọc lên từ ruộng lúa, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa có, dân tự khoan giếng để sinh hoạt. Nguồn nước ngầm không phải là vô hạn và có khả năng bị ô nhiễm. Nhiều nơi khoan nước máy cạnh nghĩa địa, hàm lượng ni tơ rất cao. Tháng 3/2009, báo điện tử loan tin ngay cả nước máy đã được xử lý, đưa vào hệ thống sinh hoạt trong thành phố cũng bị nhiễm ni tơ nặng nề. Người thành thị dù có biết là nước ô nhiễm cũng nhắm mắt mà dùng.
Sống ở nông thôn thì bắt ấm nước lên bếp, nấu sôi là có thể dùng được. Người ở thành thị thì bận rộn quá, luôn tìm giải pháp nào nhanh gọn lẹ nhất để giải quyết mọi vấn đề. Ngay cả nước uống thì cũng mua nước đóng thùng về uống, tin chắc rằng đó là nước sạch, tuyệt đối vệ sinh, khỏi lo “tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ vi khuẩn tả”. Thế nhưng mấy này cuối tháng 3, người ta phát hiện các thùng nước “tinh khiết” kia có chứa vi trùng sinh mủ! Kiểm tra tới tới nữa thì thấy thiên hạ dùng nước phông tên tra vào thùng và bán ra ngoài gọi là nước tinh khiết!
Hồi tôi còn nhỏ, đi học tại một ngôi trường nghèo ở quận 4, tôi thấy có vòi nước công cộng xả nước rất mạnh. Dân lao động nghèo không có nước máy đn nhà, ra đó xài chung vòi nước công cộng cho việc tắm giặt, nấu ăn. Bây giờ tôi không hề thấy ở đâu có vòi nước máy như vậy.