Tự chữa bệnh bằng Tĩnh tọa châu thiên pháp

Đây là một phương pháp khí công phối hợp giữa ngồi thiền với việc khai thông Nhâm, Đốc - hai kinh mạch lớn nhất, biểu tượng quan trọng nhất của hai thành tố âm, dương trong cơ thể.

Tĩnh tọa châu thiên pháp là sự kết hợp giữa khai thông kinh lạc có ý thức với tĩnh tọa vô thức. Những nhà khí công cổ đại cho rằng trong điều kiện nhập tĩnh vô thức, con người và vũ trụ sẽ tiến đến sự hòa hợp. Khi “Thiên Nhân hợp nhất”, nội khí và trường khí năng lượng bên ngoài sẽ được giao hòa; hệ thống kinh lạc trong cơ thể sẽ tự động vận khí để loại trừ những yếu tố độc hại, giúp diên niên ích thọ. 

Vòng Tiểu Châu thiên bao gồm mạch Nhâm và mạch Đốc. Mạch Nhâm ở phía trước thân người, dưới da, nằm trên đường dọc giữa cơ thể, từ huyệt Hội âm phía dưới bộ phận sinh dục chạy đến huyệt Thừa tương ở chỗ lõm dưới môi dưới. Mạch Đốc ở phía sau cơ thể, bắt đầu từ huyệt Trường cường ở đỉnh xương cùng, chạy dọc theo cột sống đi lên đến huyệt Ngân giao gần nướu răng trên.

Y học truyền thống và khí công cổ đại đều cho rằng mạch Đốc là chủ quản của các kinh Dương và mạch Nhâm là bể chứa của các kinh Âm. Theo quan điểm chỉnh thể của y học phương Đông, một tạng phủ khi phát sinh bệnh sẽ có biểu hiện trên đường tuần hành của kinh lạc đi qua nó và cả những điểm phản xạ tương ứng trên hai kinh chính là Nhâm và Đốc. Ngược lại, ta có thể thông qua những huyệt vị trên kinh lạc tương ứng và hai mạch Nhâm Đốc để điều chỉnh những rối loạn bệnh lý ở toàn thân. Nói cách khác, nếu hai mạch Nhâm Đốc thông thì trăm mạch đều thông, các tạng phủ sẽ hoạt động điều hòa và cơ thể khỏe mạnh. 

Đông y cho rằng bệnh tật xảy ra là do sự chênh lệch thái quá giữa hai yếu tố này. Nếu có thể làm cho hai bể khí âm và dương, tức mạch Nhâm và mạch Đốc thông nhau và giao hoán nhau, luân chuyển tuần hoàn thành một Tiểu châu thiên thì sẽ khó xảy ra bệnh tật. Trên thực tế, việc luyện tập vòng Tiểu Châu thiên có tác dụng tự chữa bệnh, gia tăng nội khí, tăng cường sức khỏe, dễ thích ứng với môi trường, hoàn cảnh, hòa hợp với cuộc sống, tự tin và yêu đời hơn.

Để tập luyện, bạn cần tìm một nơi yên tĩnh thoáng mát. Mặc quần áo rộng rãi. Ngồi trên ghế, chân buông thõng chạm mặt đất hoặc ngồi xếp bằng. Miệng và mắt khép hờ, lưng thẳng, vai hơi thu lại, buông lỏng phần bụng, cằm hơi đưa vào, đầu lưỡi chạm nướu răng trên, hai bàn tay úp trên hai đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng, hai đầu ngón cái chạm nhau, miễn sao cảm thấy thoải mái, dễ giãn mềm cơ bắp.

Khai thông mạch Nhâm: Hít vào từ huyệt Thần đình (ở chân tóc). Khi hít vào hãy nghĩ rằng ta đang hít một luồng thiên khí từ Thần đình chạy dọc theo đường giữa dưới da, trước mặt và trước ngực, dần xuống Đan điền (ở vùng dưới rốn khoảng 3 cm). Ngưng thở một chút để tụ khí tại Đan điền. Thời gian ngưng thở khoảng từ vài đến mười tiếng đếm, tùy theo khả năng mỗi người. Trong lúc này, bạn vẫn phải tập trung sức chú ý tại Đan điền.

Thở ra từ từ, chậm, nhẹ và đều. Trong khi thở ra, nên tự ám thị cho chân khí phát sinh tại Đan điền lan tỏa ra toàn thân và khắp tay chân, xua tan tất cả trọc khí (khí độc hại). Trọc khí, sự căng thẳng, mệt mỏi đang theo hơi thở thoát hết ra ngoài. Đến đây là xong một chu kỳ thở.

Tiếp tục tập trung tư tưởng tại huyệt Thần đình để hít vào cho chu kỳ thở tiếp theo. Chỉ cần thực hành từ 7 đến 9 lần. Thời gian đầu, một số người chưa quen với ý nghĩ “lan tỏa ra toàn thân” thì chỉ cần thở ra từ từ, chậm, nhẹ và đều khi đến Đan điền là đủ. Hơi thở cần tự nhiên, không thô, không khựng nên chỉ cần thở bình thường. Không cần hít vào sâu, cũng không cần nín hơi lâu để dễ tạo được cảm giác thư giãn. Cách thở này không những giúp khai thông mạch Nhâm, sinh nội khí ở Đan điền, tạo nguồn lực khai thông mạch Đốc mà còn là phương pháp ngắn nhất, đơn giản nhất để giải tỏa “stress”.

Khai thông mạch Đốc, nối vòng Tiểu Châu thiên: Sau khoảng 7 đến 9 hơi thở theo mạch Nhâm thì bắt đầu tập nguyên vòng Tiểu Châu thiên. Hít vào từ Thần đình, theo mạch Nhâm xuống Đan điền. Ngưng thở nhưng không cần dừng lại một chút ở Đan điền như cách thở trước mà dùng ý chầm chậm đưa khí sang huyệt Trường cường ở xương cùng. Khi đến Trường cường, nên nhíu hậu môn lại để vừa kích hoạt khai mở hai huyệt Trường cường và Hội âm ở hai bên của hậu môn, vừa tạo thế để chuyển khí từ Trường cường theo mạch Đốc đi lên dọc cột sống lưng. Khi ý và khí đến khoảng nửa sống lưng thì bắt đầu thở ra.

Huyệt đại chùy.

Trong lúc thở ra, tiếp tục dùng hơi thở đẩy khí đi lên mạch Đốc, qua Đại chùy (dưới đốt sống cổ thứ 7), Bách hội (đỉnh đầu), trở lại Thần đình là xong một vòng Tiểu Châu thiên. Tiếp tục hít vào từ Thần đình xuống mạch Nhâm để vận hành vòng Châu thiên kế tiếp. Cuối cùng, trước khi chấm dứt giai đoạn này, nên tập trung ý tưởng tại Đan điền vài phút để tụ khí tại Đan điền. Có thể tập khoảng 21 vòng Châu thiên trước khi đến giai đoạn tĩnh tọa.

Lưu ý:

- Không cần phải hít vào hoặc thở ra trong suốt quá trình vận hành vòng Châu thiên mà chỉ hít vào ở phần đầu và ở mạch Nhâm, thở ra ở phần cuối của mạch Đốc. Đoạn còn lại từ Đan điền sang Trường cường đến quá nửa lưng là giai đoạn ngưng thở, dùng ý để chuyển khí nhằm tránh hụt hơi hoặc đuối hơi. Do đó không cần thở sâu, chỉ cần thở nhẹ, thở bình thường cũng sẽ dễ dàng đi hết đường dài của vòng Châu thiên. Lâu dần, người tập chỉ cần dùng hơi thở thật nhẹ và dùng ý lướt từ Thần đình hoặc Bách hội, theo hơi thở đi suốt vòng Châu thiên mà không cần phân biệt hít vào, ngưng thở hay thở ra. Càng thở nhẹ càng dễ chuyển khí và dễ tiến vào nhập tĩnh.

- Trên thực tế, có nhiều người sẽ cảm thấy luồng khí bị gián đoạn hoặc không thẳng mà chạy vòng khi đi qua một điểm nào đó trên mạch Đốc. Điều này cho biết ở vị trí đó và vùng tạng hoặc phủ tương ứng với nó đang có một rối loạn bệnh lý nhất định. Cứ tiếp tục tập luyện, qua thời gian kinh mạch sẽ được thông, đường khí sẽ thẳng. Trường hợp này có thể tự hỗ trợ bằng cách dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt nhẹ dọc theo chiều đường kinh mỗi lần vận khí đi qua điểm bế tắc đó.

- Đừng ngại rằng bạn sẽ không thể tự mình khai thông được kinh mạch. “Đả thông Nhâm Đốc nhị mạch” không quá huyền thoại như trong phim “chưởng”. Trước hết, gọi là kinh mạch nên vốn dĩ nó là những con đường đã có sẵn. Nhâm Đốc lại là hai đại mạch nên có thể ví như những con kênh lớn, những đại lộ chứ không phải những hẻm nhỏ khó tìm, khó đi. Công việc chỉ là qua thời gian cần nạo vét hoặc làm thông thoáng đường kênh mà thôi. Mặc khác, vì “thần đâu khí đó”, ở đâu có ý tất ở đó có khí, nên tập trung tư tưởng ở đâu hoặc dẫn đi đâu thì chắc chắn khí sẽ ở đó, sẽ theo đến nơi ta muốn. Chữa bệnh từ xa cũng không nằm ngoài nguyên tắc này.

(còn nữa)

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

TỰ CHỮA BỆNH BẰNG ĐÔNG Y
'Thập nhị đoạn cẩm' - bài tập tự chữa bách bệnh
Người bệnh có thể tự mình làm giảm nhanh cơn cao huyết áp
Tự bấm huyệt chữa bệnh u xơ tiến liệt tuyến ở người cao tuối
Tự bấm huyệt chữa ngạt mũi
Tự bấm huyệt để trị chứng đau gót chân
Tự chế biến rượu thuốc trong gia đình như thế nào?
Tự chữa bệnh bằng Tĩnh tọa châu thiên pháp
Tự chữa liệt mặt do lạnh
Tự chữa một số bệnh về tiểu tiện
Tự chữa stress bằng phương pháp không dùng thuốc
Tự chữa stress không dùng thuốc
Tự chữa trĩ bằng bấm huyệt và thuốc Nam
Tự xoa bóp chống táo bón
Tự xoa bóp phòng chống phì ðại tiền liệt tuyến lành tính
Tự xoa bóp phòng chống táo bón
Tự xoa bóp phòng chống viêm họng mạn tính
Tự xóa bóp điều trị viêm mũi mạn tính 
Ấn huyệt chữa đau thằt lưng sau khi đẻ

 

THƯ MỤC Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài thuốc Đông Y
Bình luận Đông Y
Dược thiện
Thảo Dược
Trang Võ Hà
Trà dược
Tài dược
Tự chữa bệnh
Xoa bóp trị liệu
Điều trị Đông Y