TỰ XOA BÓP PHÒNG CHỐNG PHÌ ÐẠI TIỀN LIỆT TUYẾN LÀNH TÍNH
Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN (Khoa Ðông y - Viện Quân y 108)
Phì đại tiền liệt tuyến lành tính (Prostatic hypertrophy, PH) hay còn gọi là tiền liệt tuyến tăng sinh là một bệnh thường gặp ở nam giới khi tuổi bắt đầu cao và đang có xu hướng gia tăng. Trên lâm sàng, bệnh được biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu khó, tiểu nhiều lần về đêm, bí tiểu hoặc tiểu tiện không tự chủ... với mức độ ngày càng nặng dần theo thời gian và cuối cùng sẽ dẫn tới suy thận nếu như không được điều trị kịp thời, hợp lý và hiệu quả.
Trong y học cổ truyền, bệnh này thuộc phạm vi các chứng như Long bế, Lâm chứng, Tinh long... với cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do rối loạn công năng một số tạng phủ như phế, tỳ, can, thận dẫn đến hậu quả bàng quang không được khí hóa đầy đủ mà phát sinh thành bệnh. Về mặt trị liệu, ngoài việc dùng thuốc uống trong hoặc ngâm ngoài, cổ nhân còn chú ý sử dụng các biện pháp không dùng thuốc, trong đó có vấn đề tự lựa chọn và day bấm một số huyệt vị châm cứu nhằm dự phòng tích cực và hỗ trợ điều trị. Dưới đây, xin được giới thiệu một quy trình cụ thể để độc giả có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
1. Xoa bụng dưới
Dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng dưới theo chiều kim đồng hồ với một lực vừa phải chừng 30 vòng, sao cho tại chỗ ấm lên là được. Thao tác này có tác dụng trợ dương khí cho hạ tiêu (làm ấm vùng bụng dưới), giúp quá trình khí hóa bàng quan (kích thích co bóp và làm giãn cơ thắt cổ bàng quang) được thuận lợi, nhờ đó mà việc bài tiết nước tiểu được thực hiện dễ dàng.
2. Day bấm huyệt Khí hải
Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day bấm huyệt Khí hải trong 1 phút. Vị trí huyệt Khí hải: Ở dưới rốn 1,5 tấc trên đường trục giữa cơ thể (ảnh 1). Theo y học cổ truyền, Khí hải là bể của sinh khí, là nguồn năng lượng cần thiết cung cấp cho sự sống, có công dụng điều khí, bổ thận dương, làm ấm hạ tiêu, nhờ đó giúp cho chức năng khí hóa bàng quang được thực hiện. Y thư cổ Thái ngải thiên viết: "Khí hải là biển của sinh khí, nó chủ trị được tất cả các bệnh".
3. Day bấm huyệt Quan nguyên
Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day bấm huyệt Quan nguyên trong 2 phút. Vị trí huyệt Quan nguyên: Ở dưới rốn 3 tấc trên đường trục giữa cơ thể. "Quan" có nghĩa là cái chốt đóng cửa, ý muốn nói là chỗ hiểm yếu; "Nguyên" có nghĩa là mới đầu, to lớn. Vì huyệt vị này là nơi chứa đựng nguyên khí, là nguồn năng lượng rất lớn cần cho sự sống nên được gọi là Quan nguyên. Day bấm huyệt này có tác dụng bổ thận cố bản, bổ khí hồi dương, làm ấm hạ tiêu, giúp cho quá trình khí hóa bàng quang được thuận lợi, cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện.
4. Day bấm huyệt Lợi niệu
Dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ day bấm huyệt Lợi niệu trong 2 phút. Vị trí huyệt: Ở dưới rốn 2,5 tấc hay chính là trung điểm của đường nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu. Ðây là một tân huyệt (huyệt mới), còn gọi là huyệt Chỉ tả, có công dụng chữa các chứng bệnh như bí tiểu, tiểu rắt, đái dầm, đi lỏng do viêm ruột... Theo kinh nghiệm của nhiều nhà châm cứu, có khi chỉ cần day bấm duy nhất huyệt vị này cũng đủ để cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện, miễn sao phải xác định chính xác vị trí huyệt và tác động đúng kỹ thuật. Nghĩa là, sau khi tìm được huyệt thì dùng ngón tay day đều theo chiều kim đồng hồ rồi từ từ bấm với một lực tăng dần kết hợp với rặn tiểu tích cực. Thông thường nếu xác định đúng huyệt thì việc đi tiểu sẽ dễ dàng hơn, tia nước tiểu mạnh hơn.
5. Day bấm huyệt Âm lăng tuyền
Dùng ngón tay cái day bấm huyệt trong 1 phút. Vị trí huyệt Âm lăng tuyền: Là điểm gặp nhau ở chỗ lõm sau bờ sau trong đầu trên xương chày với đường ngang qua lồi củ trước xương chày, phía dưới bên trong đầu gối (ảnh 2). Ðây là huyệt vị nằm trên đường kinh tỳ, có khá nhiều công dụng, trong đó có khả năng điều hòa bàng quang nên thường được dùng để chữa một số chứng bệnh thuộc đường tiết niệu như bí tiểu, tiểu khó, đái dầm, tiểu không tự chủ. Cổ nhân thường sử dụng phối hợp với hai huyệt Khí hải và Tam âm giao.
6. Day bấm huyệt Tam âm giao
Dùng ngón tay cái day bấm huyệt trong 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt Tam âm giao: Ở chỗ lõm sát bờ sau trong xương chày, trên chỗ lồi cao nhất của mắt cá trong 3 tấc (ảnh 3). "Tam" có nghĩa là ba, "âm" trái với dương, chỗ mặt trong chân so với mặt ngoài chân, "giao" có nghĩa là chỗ gặp nhau, huyệt ở tại chỗ gặp nhau của ba đường kinh âm nên gọi là Tam âm giao. Ðây là huyệt có liên hệ mật thiết với ba tạng Tỳ, Can và Thận, Tỳ và Thận lại có vai trò rất lớn trong việc khí hóa bàng quang nên tác động vào huyệt Tam âm giao có thể trị các bệnh thuộc hệ tiết niệu và sinh dục, trong đó có các chứng trạng như bí tiểu, tiểu khó, đái dầm... Trên thực tế, các nhà châm cứu thường dùng Tam âm giao phối hợp với huyệt Trung cực và Thủy đạo hay Quan nguyên, Trung cực và Dương lăng tuyền để trị liệu chứng Long bế.
7. Day bấm huyệt Thái khê
Dùng ngón tay cái day bấm huyệt Thái khê trong 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt Thái khê: Ở điểm giữa của đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, ngang với mỏm cao nhất của mắt cá trong (ảnh 4). Ðây là một trong những huyệt vị quan trọng của đường kinh Thận, có công dụng bổ thận âm, làm mạnh lưng gối, làm khỏe dương khí, nhờ đó mà tăng cường chức năng khí hóa của bàng quang, giúp cho việc bài tiết nước tiểu được dễ dàng.
8. Xát cột sống thắt lưng
Dùng hai bàn tay đặt hai bên khối cơ cạnh cột sống thắt lưng, xát lên xuống chừng 60 lần sao cho tại chỗ nóng lên là đạt yêu cầu (ảnh 5). Thao tác này có tác dụng kích thích các du huyệt nằm dọc hai bên cột sống, giúp cho quá trình khí hóa bàng quang được thuận lợi.?
src="IMAGES/