TỰ XOA BÓP PHÒNG CHỐNG TÁO BÓN
Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN
Táo bón là một chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là người cao tuổi, do nhiều nguyên nhân gây ra và nếu kéo dài có thể tạo nên những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, chướng bụng, ăn kém, mất ngủ, tính tình thay đổi..., thậm chí có thể dẫn tới tắc ruột. Có hai loại táo bón: Cơ năng và thực thể. Loại cơ năng thường do chức năng của hệ tiêu hóa bị rối loạn, nhu động ruột suy giảm, chế độ ăn thiếu chất xơ, nghề nghiệp phải ngồi nhiều, ít vận động thể lực... nhưng không có các tổn thương thực thể như u, viêm dính hoặc tắc hẹp gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sinh lý bình thường của đường tiêu hóa.
Ðối với táo bón cơ năng, y học cổ truyền có rất nhiều phương thức giải quyết, trong đó có một biện pháp hết sức đơn giản là tiến hành tự xoa bóp và day ấn một số huyệt vị châm cứu nhằm mục đích điều hòa chức năng tiêu hóa nói chung và đặc biệt có lợi cho quá trình co bóp của ruột giúp bài tiết phân ra ngoài dễ dàng. Dưới đây, xin được giới thiệu một quy trình tự xoa bóp phòng chống táo bón để độc giả có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
1. Thở và xoa bụng
Nằm ngửa, tĩnh tâm, duỗi mềm các cơ, từ từ thót bụng để thở ra, đẩy nhẹ nhàng không khí qua mũi hoặc qua miệng. Khi bụng đã thót hết mức, ngừng thở trong giây lát rồi sau đó từ từ phình bụng hít vào. Thở luân phiên như vậy trong 3-5 phút. Tiếp đó dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với một lực ép vừa phải chừng 50 vòng (ảnh 1). Hai động tác này có tác dụng xoa bóp dạ dày và ruột gián tiếp qua da, kích thích và điều hòa nhu động ruột, giúp cho quá trình bài tiết chất thải trong ruột được dễ dàng. Hơn nữa, theo quan niệm của y học cổ truyền, cách thở như trên sẽ giúp cho tạng Phế thải trừ được nhiều trọc khí và hấp thu được nhiều thanh khí để kết hợp với tinh khí của đồ ăn thức uống do Tỳ vị vận hóa mà thành để tạo nên Tông khí. Loại khí này có vai trò hết sức quan trọng trong việc phục hồi và duy trì công năng sinh lý bình thường của các tạng phủ trong nhân thể, trong đó bao gồm cả dạ dày và ruột.
2. Day bấm huyệt Thiên khu
Dùng hai ngón tay cái đặt lên hai huyệt, các ngón tay còn lại ôm lấy mạng sườn, tiến hành day bấm huyệt trong 2 phút. Vị trí huyệt Thiên khu: Từ rốn đo ngang ra 2 tấc, mỗi bên có một huyệt (ảnh 2). "Thiên" có nghĩa là trời, ở đây nói đến phần trên của bụng; "Khu" có nghĩa là chốt. Rốn chia bụng làm 2 phần: Phần trên rốn là thiên, phần dưới rốn là địa. Huyệt vị này ngang hàng với rốn, được xem như là chốt điều hành chức năng của tràng vị (dạ dày, ruột) nên có tên là Thiên khu. Thiên khu được ghi lại sớm nhất trong chương Cốt độ, sách Linh khu, có công dụng hòa vị thông tràng, kiện tỳ lý khí, điều kinh đạo trệ (điều hòa và nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hóa, nhuận tràng thông tiện, điều hòa kinh nguyệt và chống ứ trệ), thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau bụng quanh rốn, sôi bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, nôn, táo bón, tiêu chảy và kiết lỵ. Theo cổ nhân, Thiên khu có thể chữa được các bệnh lý của ruột già là vì: nó là huyệt Mộ của đường kinh Ðại trường, là nơi khí của phủ Ðại trường tụ tập, bởi thế khi kích thích vào huyệt vị này có thể điều hòa công năng của ruột già, chống ứ trệ và giúp cho quá trình bài tiết chất thải được dễ dàng.
3. Day bấm huyệt Khí hải
Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day bấm huyệt trong 2 phút. Vị trí huyệt Khí hải: Ở dưới rốn 1,5 tấc (ảnh 3). "Khí" là nguyên khí bẩm sinh, năng lượng cần thiết cho sự sống; "Hải" có nghĩa là biển; "Khí hải" có nghĩa là biển của nguyên khí, ý muốn nói đây là huyệt vị căn bản để bồi bổ và điều hòa phần khí trong nhân thể. Theo cổ nhân, trong trị liệu táo bón, nhất là ở những người có tuổi, nên phối hợp kích thích huyệt Thiên khu với huyệt Khí hải là vì: Khí hải là bể sinh ra khí, tác động hợp lý huyệt vị này sẽ làm ấm hạ nguyên (phần dưới cơ thể), làm mạnh thận dương, tựa như cho thêm củi đốt vào dưới nồi; Thiên khu là huyệt Mộ của đường kinh Ðại trường, có công năng hòa vị thông trệ, giúp cho ruột già truyền tống chất cặn bã ra ngoài. Phối hợp với huyệt Khí hải là nhằm làm tăng thêm dương khí ở hạ tiêu (Phần dưới cơ thể), làm ấm Trường vị, giúp cho sự vận hành (co bóp) được thuận lợi.
4. Day bấm huyệt Túc tam lý
Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day bấm đồng thời cả hai huyệt trong 2 phút. Vị trí huyệt Túc tam lý: Sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối, ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân (ảnh 4). Theo y học cổ truyền, Túc tam lý là huyệt Hợp của đường kinh Vị, có công năng điều hòa trung khí, hòa trường tiêu trệ, sơ phong hóa thấp, thông điều kinh lạc khí huyết, phù bản cố nguyên; là một trong những huyệt thường dùng để chữa các bệnh thuộc hệ thống tiêu hóa. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh: Huyệt Túc tam lý có tác dụng làm tăng nhu động ruột, cải thiện khả năng co bóp của dạ dày và ruột.
5. Xát hố chậu trái
Dùng cạnh trong bàn tay trái xát hố chậu trái từ trên xuống dưới và ngược lại khoảng 30 lần, cũng có thể dùng thêm bàn tay phải hỗ trợ cho bàn tay trái (ảnh 5). Thao tác này có tác dụng kích thích trực tiếp lên đoạn cuối đại tràng và trực tràng để hỗ trợ cho quá trình bài tiết chất thải. Khi muốn đi ngoài thì dùng lực của ngón tay cái hoặc ngón tay giữa ấn huyệt Thiên khu bên trái sao cho đạt được cảm giác đau tức, tiếp tục ấn sẽ có cảm giác muốn đi ngoài, có thể nín thở để làm tăng thêm áp lực của ổ bụng thì có thể đi ngoài được, một lần chưa hiệu quả thì có thể làm đi làm lại vài lần.
Quy trình trên cần được thực hiện kiên trì, đều đặn mỗi ngày từ 1-2 lần. Nếu kết hợp với rèn luyện thể lực và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý thì hiệu quả phòng chống táo bón càng chắc chắn và bền vững
src="IMAGES/
Các thông tin khác :