Tự xóa bóp điều trị viêm mũi mạn tính
Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN
Hiện nay, trong hoàn cảnh ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng, tình trạng viêm mũi mạn tính rất thường gặp. Tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng viêm mũi mạn tính lại là khởi nguồn của nhiều chứng bệnh quan trọng khác như hen phế quản, viêm phổi, viêm phế quản cấp và mạn tính... Bởi vậy, việc lựa chọn và thực thi các biện pháp trị liệu nhằm khống chế và giải quyết triệt để căn bệnh này là hết sức cần thiết.
Y học cổ truyền coi viêm mũi mạn tính thuộc phạm vi chứng Tỵ trất, do nhiều nguyên nhân gây nên như phế khí hư yếu, tỳ khí suy nhược... khiến cho ngoại tà hoặc thấp trọc lưu lại ở mũi, gây trở ngại tỵ khiếu lạc mạch mà tạo thành bệnh. Về mặt trị liệu, có rất nhiều biện pháp như dùng thuốc uống, xông mũi, châm cứu, dưỡng sinh..., trong đó có một phương pháp hết sức đơn giản là tự day bấm một số huyệt vị châm cứu. Dưới đây, xin giới thiệu một quy trình điển hình để độc giả có thể tham khảo và vận dụng.
Day bấm huyệt ấn đường
Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day bấm huyệt ấn đường trong 2 phút với một lực vừa phải sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt ấn đường: là điểm giữa đường nối đầu trong hai chân mày (ảnh 1). Huyệt này có công dụng an định tâm thần, làm thông lợi mũi và mắt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh liên quan đến mũi như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm mũi mạn tính, chảy máu cam...
Day bấm huyệt nghinh hương
Dùng hai ngón tay trỏ day bấm huyệt nghinh hương trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức là được. Vị trí huyệt nghinh hương: ở điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi - mồm (nên cười để làm hiện rõ rãnh này mà xác định huyệt) (ảnh 2). Đây là một trong những huyệt chuyên trị các bệnh lý của mũi. Có công dụng thông lợi huyết mạch, trừ phong tán nhiệt, thông mũi khai khiếu. Bằng những thủ thuật thích hợp tác động đơn lẻ lên huyệt nghinh hương, các nhà châm cứu Trung Quốc đã điều trị có kết quả các bệnh lý về mũi như viêm mũi cấp và mạn tính, viêm mũi dị ứng, viêm mũi co thắt...
Xát sống mũi
Dùng hai ngón tay cái và trỏ xát dọc sống mũi từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên chừng 30 lần, kết hợp với lực ấn vừa phải sao cho đạt cảm giác hơi tê tức là được (ảnh 3).
Day ấn huyệt tỵ thông
Gấp ngón tay cái, dùng mặt lưng của khớp giữa đốt 1 và đốt 2 day ấn huyệt tỵ thông trong 2 phút sao cho tại chỗ nóng lên là được. Vị trí huyệt tỵ thông: ở đầu chót trên của rãnh nhân trung (ảnh 4). Huyệt vị này còn có tên gọi là tỵ xuyên, là một kỳ huyệt thường được dùng để chữa các bệnh như viêm mũi dị ứng, trĩ mũi, polip mũi, viêm mũi teo, nghẹt mũi, mất khứu giác...
Day ấn huyệt đại chùy
Dùng ngón tay trỏ ấn huyệt đại chùy trong 2 phút, sao cho tại chỗ nóng lên là được. Vị trí huyệt đại chùy: ngồi hơi cúi đầu, quay đầu qua lại phải trái, u xương nào cao nhất động đậy nhiều dưới ngón tay là đốt cổ 7, huyệt nằm ở ngay dưới u xương này (ảnh 5). Đây là huyệt hội của 6 đường kinh dương và mạch Đốc, có tác dụng làm thông dương khí toàn thân, thanh nhiệt giải độc, giải biểu tán tà rất tốt.
Day ấn huyệt phong trì
Dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời cả hai huyệt trong 1 phút sao cho đạt cảm giác tê tức là được. Vị trí huyệt phong trì: ở hõm hai bên khối cơ gáy, ngay dưới đáy hộp sọ (ảnh 6). Huyệt vị này có công dụng thanh nhiệt sơ phong, thông nhĩ minh mục, kiện não an thần, cũng thường được dùng để chữa các bệnh của mũi.
Day ấn huyệt hợp cốc
Dùng ngón tay cái bên đối diện day bấm lần lượt hai huyệt hợp cốc sao cho đạt cảm giác tê tức là được. Vị trí huyệt hợp cốc: nằm ở khe giữa hai ngón tay cái và trỏ, dùng ngón tay cái ấn từ mép ngoài dọc theo bờ xương bàn tay 2 lên phía trên cổ tay, xác định vị trí nào có cảm giác tức nhất và lan ra phía ngón tay út thì đó là huyệt hợp cốc (ảnh 7). Đây là huyệt chuyên dùng để chữa các bệnh lý vùng đầu, có công dụng giải biểu tán tà, thanh nhiệt trấn thống, thông kinh hoạt lạc.
Day ấn huyệt thiếu thương
Dùng ngón tay cái day ấn huyệt thiếu thương trong 1 phút. Vị trí huyệt thiếu thương: nằm ở bờ ngoài móng tay cái, trên đường ngang qua gốc móng tay, cách chừng 0,1 thốn (ảnh 8). Đây là một trong những huyệt thuộc kinh phế, thường được dùng để chữa các bệnh lý đường hô hấp, trong đó có viêm mũi mạn tính.