TRÒ CHUYỆN TINH YÊU, TÌNH DỤC VÀ GIỚI TÍNH
Một số vấn đề khác
- Làm thế nào biết chắc có thai hay không?
Các bạn có thể dựa vào các dấu hiệu nghén như thay đổi khẩu vị, buồn nôn, nôn, vú căng, đi tiểu nhiều... để xác định có thai. Nhưng không phải ai mang thai cũng có các dấu hiệu đó và cũng có khi các hiện tượng đó là do nguyên nhân khác. Vì vậy, muốn biết chính xác, các bạn hãy xét nghiệm ở cơ sở y tế hoặc mua dụng cụ thử thai sớm (phổ biến là loại Quick Stick), đọc hướng dẫn và tự thử. Nếu trong nước tiểu có chứa HCG, hoóc môn do rau thai tiết ra thì kết quả là dương tính, nghĩa là đã có thai.
- Tuổi nào thì nên mang thai?
An toàn nhất là sinh con vào khoảng từ 20 đến 35 tuổi. Khi chưa đến tuổi 20, cơ thể bạn gái còn đang phát triển, đường sinh sản và vùng xương chậu có thể còn nhỏ, chưa phù hợp cho việc mang thai, sinh nở. Nếu người mẹ hơn 35 tuổi thì nguy cơ thai nghén cao hơn, vì cơ thể không còn sung sức, trứng cũng đã “già”. Cả hai trường hợp này nguy hiểm hơn đối với người mẹ, con sinh ra thường yếu hơn, hoặc có thể có bệnh tật.
- Ngày dự tính sinh nở
Thai kỳ dài khoảng 38-42 tuần, trung bình là 40 tuần (9 tháng cộng với 7 ngày). Vậy ta tính như sau: Xuất phát từ ngày đầu của đợt hành kinh cuối, đếm thêm 7 ngày, rồi đếm thêm 9 tháng thì được ngày dự tính sinh nở. (Nếu dùng lịch âm, bạn lấy ngày đầu của đợt hành kinh cuối cộng với 15 và tháng kinh cuối cộng với 9). Đây là cách tính ước chừng, đa số các bà mẹ không sinh trúng ngày dự tính, mà có thể sinh trước hoặc sau ngày đó đến 2 tuần.
Ví dụ: Phát hiện ra mình có thai, Liên nhớ lại ngày bắt đầu đợt hành kinh cuối cùng là 20/3/97, từ mốc này cộng 7 ngày là 27/3/97, cộng 9 tháng là 27/12/97. Như vậy, Liên sẽ sinh vào trong khoảng từ 2 tuần trước đến 2 tuần sau ngày 27/12/1997.
- Vú lõm
Nếu có núm vú thụt vào trong, người mẹ vẫn có thể cho con bú nếu tập kéo núm vú ra ngoài. Việc tập kéo đầu vú có thể bắt đầu khi mang thai vài tháng, nhưng không nên làm vào tháng mang thai cuối cùng (vì có thể gây co bóp tử cung).
Cách làm rất đơn giản: Bạn mân mê quầng vú và núm vú cho núm vú cứng lên, rồi lấy hai ngón tay cái và trỏ ấn hai bên sát cạnh núm vú, núm vú sẽ dần nổi lên. Dùng tay kia kéo nhẹ núm vú ra ngoài. Nếu làm vậy hằng ngày, khi sinh xong bạn sẽ dễ dàng cho con bú.
- Sinh đôi
Sinh đôi xảy ra trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là người phụ nữ rụng hai trứng trong cùng một chu kỳ, cả hai trứng đều được thụ tinh, hai em bé sinh ra trông chỉ giống nhau như hai anh em bình thường giống nhau. Trường hợp thứ hai là chỉ có một trứng và một tinh trùng kết hợp thành một hợp tử, nhưng trong quá trình phân chia tế bào, nó tách làm hai phần riêng biệt, mỗi phần phát triển thành một em bé, hai em bé giống hệt nhau vì cùng mang kiểu gien như nhau.
Khi mang thai sinh đôi, người mẹ lên cân nhiều, bụng to hơn, đòi hỏi nhiều hơn về dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ.