TRÒ CHUYỆN TINH YÊU, TÌNH DỤC VÀ GIỚI TÍNH
Những đường lây truyền HIV và cách phòng tránh
HIV lây truyền qua ba con đường: Tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con (Lúc mang thai, khi sinh hoặc khi cho con bú).
- Tình dục
Virus HIV có rất nhiều trong máu, trong các chất dịch sinh dục. Do vậy, virus có thể xâm nhập vào máu bạn tình qua cơ quan sinh dục. Việc sinh hoạt tình dục, dù có giao hợp hay chỉ tiếp xúc cơ quan sinh dục, đều dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.
Nếu bạn dùng miệng để kích thích cơ quan sinh dục bạn tình, khả năng lây HIV thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu miệng bạn có lở, xước hay chảy máu răng thì HIV ở dịch sinh dục bạn tình có thể xâm nhập thẳng vào máu bạn. Hoặc nếu bạn có HIV thì từ vết xước trong miệng bạn, virus có thể xâm nhập cơ thể bạn tình.
Giao hợp dương vật - hậu môn dễ làm lây HIV nhất, vì hậu môn và trực tràng (ống ruột trong hậu môn) không có dịch trơn như âm đạo nên rất dễ sây sát, khiến HIV dễ dàng truyền từ người này sang người kia.
Có thể phòng tránh HIV và nhiều bệnh khác bằng cách không quan hệ tình dục. Tuy nhiên, để thực hiện hữu hiệu phương pháp này, bạn phải thật sự quyết tâm, không để tình cảm át đi lý chí. Nếu không muốn quan hệ tình dục, bạn đừng để cho bản thân và “đối phương” bị kích thích. Hãy chung thủy từ cả hai phía khi biết chắc cả hai không nhiễm HIV. Trước tiên, để biết chắc cả hai không có HIV, các bạn hãy dẫn nhau đi xét nghiệm.
Tốt nhất là hãy sử dụng bao cao su. Đây là phương pháp an toàn không chỉ đối với bạn, mà còn với người bạn yêu quý. Nếu không chắc là cả hai đều không mang HIV, bạn hãy luôn dùng bao.
- Đường máu
HIV có nhiều ở trong máu. Bơm kim tiêm dùng xong mà không tiệt trùng, hoặc tiệt trùng không tốt thì vẫn còn đọng máu (dù có thể không nhìn thấy). Do đó, nếu dùng chung bơm kim tiêm với một người mang HIV, bạn có thể nhiễm HIV. Nếu bạn mang HIV, bạn có thể truyền cho người khác theo đường ấy.
Sở dĩ người tiêm chích ma túy có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn người khác là do nhiều khi họ dùng chung bơm kim với bạn bè, hoặc dùng bơm kim của tụ điểm bán thuốc.
Bất cứ khi nào cần tiêm, bạn hãy mua ở hiệu thuốc loại bơm kim dùng một lần rồi bỏ, giá chỉ khoảng 1.000 đồng. Nếu không có điều kiện làm thế, bạn hãy mua một bộ bơm kim riêng, tiệt trùng trước và sau mỗi lần sử dụng. Bảo đảm an toàn bơm kim tiêm như vậy là rất cần thiết, vì ngoài HIV còn có nhiều bệnh khác cũng lây qua đường máu như viêm gan B, giang mai, sốt rét, viêm van tim…
Riêng về ma túy, bản thân nó không sinh ra HIV. Nhưng nhiều người do nghiện nặng đã chuyển từ hút, hít sang tiêm chích và có những lần dùng chung bơm kim tiêm, vì thế có thể lây bệnh. Bạn hãy tránh thật xa các loại ma túy. Nếu đã dùng thì bỏ ngay, nghiện thì cố gắng cai nghiện, đừng làm hại cuộc đời mình thêm nữa. Bạn nào còn chưa bỏ được tiêm chích cần đặc biệt chú trọng an toàn bơm kim tiêm, kẻo một ngày nào đó phát hiện ra mình mang HIV thì hối hận không kịp.
Truyền máu là tiếp nhận một lượng máu lớn vào cơ thể mình, do đó nếu bạn nhận máu của người nhiễm HIV, bạn chắc chắn bị lây nhiễm. Nước ta quy định các bệnh viện phải xét nghiệm và loại bỏ máu có HIV, sốt rét, giang mai, viêm gan… Phong trào kêu gọi những người khỏe mạnh có thiện tâm đi hiến máu nhân đạo cũng nhằm mục đích tránh lây nhiễm bệnh qua đường máu.
Nếu vài tháng nữa bạn phải phẫu thuật và cần truyền máu, bạn có thể yêu cầu bệnh viện trích máu mình từ bây giờ và để dành (nếu điều kiện sức khỏe cho phép). Bạn cũng có thể xin máu của một người thân mà bạn biết rõ không nhiễm HIV.
- Từ mẹ truyền sang con
Cứ một trăm phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì khoảng 25-30 trẻ bị nhiễm. HIV có thể lây sang bé qua rau thai khi bé ở trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh, hoặc qua sữa mẹ khi mẹ cho con bú. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá ba năm.
Có ý kiến cho rằng để phòng tránh điều này, phụ nữ không nên sinh con, song điều đó rõ ràng là không phù hợp với cuộc sống con người. Người phụ nữ nhiễm HIV cũng như bất cứ ai khác, có nhu cầu làm mẹ, đó là chưa kể mong muốn của người chồng và những người thân khác trong gia đình, vả lại, khả năng lây nhiễm không phải là 100%. Do đó, chính người phụ nữ cùng chồng mình là những người quyết định có sinh con hay không.
Về sữa mẹ, lời khuyên chung là người mẹ dù nhiễm HIV vẫn nên cho con bú. Lý do là sữa mẹ có những kháng thể rất cần thiết để bảo vệ cuộc sống của bé. Nếu không được bú mẹ, bé dễ bị tiêu chảy hoặc suy dinh dưỡng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cho bé bú mẹ vẫn an toàn hơn.
Ngoài những con đường trên, từ trước tới nay chưa có trường hợp nhiễm HIV nào được xác định lây qua đường khác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phòng bị thêm cho mình. Khi khám chữa bệnh, bạn có thể hỏi cán bộ y tế xem dụng cụ y tế đã tiệt trùng chưa (về nguyên tắc, tiệt trùng dụng cụ là bắt buộc). Khi cần châm cứu, bạn cần có một bộ kim châm riêng, và hãy yêu cầu người châm cứu tiệt trùng cho bạn. Đi cạo râu hoặc sửa móng tay ở hiệu, bạn hãy yêu cầu nhân viên ở nơi này rửa sạch dụng cụ, cẩn thận hơn nữa là lau bằng cồn. Nếu có xăm mình, hãy yêu cầu tiệt trùng dụng cụ cẩn thận trước khi xăm.
- HIV không lây truyền khi
* Muỗi đốt
Khi đốt bạn, muỗi tiết vào cơ thể bạn một ít nước bọt. Nhưng vì HIV không sinh sống trong cơ thể muỗi nên nước bọt này không chứa HIV, vì vậy bạn không thể lây nhiễm HIV được. Vòi muỗi rất tinh tế, cho phép muỗi lấy máu rất gọn gàng, không bao giờ máu của người bị đốt trước dính vào người bị đốt sau. Muỗi hoàn toàn vô can trong sự lan nhiễm HIV.
* Hôn
Bạn đừng quá hoang mang. Hôn nhìn chung không làm lây nhiễm HIV, bởi HIV trong nước bọt vô cùng ít, không truyền được. Chỉ khi hai người bị loét, xước trong miệng hoặc chảy máu răng mà hôn sâu thì mới có khả năng lây do tiếp xúc máu.
* Tiếp xúc thông thường
Tất cả các kiểu tiếp xúc thông thường như cùng ăn uống, mặc chung quần áo, ôm ấp, bơi chung bể bơi, ở cùng nhà, ngủ chung giường (tất nhiên là không quan hệ tình dục!), làm việc cùng cơ quan, dùng chung nhà vệ sinh, cắt tóc… không làm cho ai bị nhiễm HIV.