TRÒ CHUYỆN TINH YÊU, TÌNH DỤC VÀ GIỚI TÍNH
Chăm sóc bà mẹ và em bé
- Mách nhỏ với bố bé
Lúc mẹ bé chuyển dạ là lúc bạn rất xúc động, có thể lúng túng không biết phải làm gì. Bạn chớ lo lắng, có rất nhiều việc bạn có thể làm để giúp vợ mình.
Khi đang chờ đẻ, bạn hãy khích lệ mẹ bé. Hãy quạt mát, lấy nước, xúc cơm cho cô ấy ăn, vỗ về, ôm ấp, nắm tay, hãy xoa lưng, làm mọi việc khiến cô ấy cảm thấy dễ chịu. Bạn hãy nhắc nhở cô ấy nghỉ ngơi, đi tiểu thường xuyên. Ở cơ sở y tế, bạn hãy là người giúp việc đắc lực, liên hệ với các cán bộ y tế khi cô ấy cần giúp đỡ. Nếu sinh ở nhà, bà đỡ có thể còn cần bạn giúp một tay trong việc đỡ đẻ nữa. Sau cuộc sinh nở, dù gia đình có người giúp, bạn cũng nên nhận vị trí chủ đạo trong việc chăm sóc hai mẹ con vì vai trò người chồng, người cha của bạn không ai thay thế được.
Xin kể các bạn nghe một câu chuyện chúng tôi được chứng kiến. Trong phòng sau sinh ở một bệnh viện phụ sản có hai cặp bố mẹ. Một bên là chị Hằng, anh Tuấn. Bà ngoại vào giúp đỡ, chăm sóc chị, còn anh chẳng làm được việc gì. Chị tủi thân:
"Chồng gì mà vô tâm quá. Bà thì đi làm, đến trưa nấu cơm mang vào, đêm lại vào đây ngủ cùng, mà ông ấy còn làu bàu: “Sao bà không nghỉ luôn để chăm mình nhỉ?”. Còn ông ấy thì thỉnh thoảng mới đảo vào, ngồi một lúc thì chán, thấy con ị thì chạy đi mất. Rõ là trẻ con".
Anh Tuấn phân bua:
"Không phải đâu, anh cũng muốn giúp lắm chứ. Nhưng anh vào đây thì cũng chẳng biết phải làm gì, nên anh ngại".
Nhìn nét mặt anh thì rõ là người quý vợ con thật, nhưng phải công nhận là anh đoảng quá. Giá anh biết thể hiện cái tình thương yêu ấy thì... Giường bên cạnh là chị Bình anh Lê. Hai vợ chồng quấn quýt bên đứa con mới sinh hai ngày, trông thật cảm động. Chị bảo:
"Bà buôn bán bận nên chỉ có hai anh chị ở đây với nhau thôi. Anh ấy phải lo tất. Anh còn mang truyện vào đây đọc cho chị nghe cho vui nữa".
Khi anh đi ra ngoài, mọi người trong phòng khen anh thật biết thương vợ thương con. Tối hôm ấy, chúng tôi gặp riêng anh. Anh nói:
"Chăm vợ chăm con cũng là do cái cách nghĩ của người ta đấy. Vợ chồng anh cưới nhau ba năm rồi mới đẻ. Bọn tôi chơi bời cũng dữ lắm. Mình chơi nhiều nên mọi người cứ nghĩ là mình không làm được gì. Những cái việc như giặt tã trẻ con ai chả ngại. Nhưng là con mình thì mình phải làm thôi. Mình nghĩ đó cũng là cái vui chứ, vì nó là con mình mà".
Và anh nở một nụ cười sung sướng mãn nguyện.
Anh Lê quả là một người chồng, một ông bố tuyệt vời, đã gắng công tìm hiểu để cảm thông được với người vợ mang thai, để biết cách chăm sóc hai mẹ con khi sinh nở.
- Chăm sóc mẹ bé
Sau khi sinh, mẹ bé cần được nghỉ ngơi và chăm sóc đặc biệt để phục hồi sức khoẻ. Mẹ bé cần ngủ thật nhiều cho lại sức, dù có rất muốn thức trông con cũng nên thức ít thôi, bố bé hãy đảm nhiệm việc này.
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với mẹ bé. Chế độ ăn của mẹ bé cần đủ chất dinh dưỡng để mẹ bé hồi phục sức khoẻ và để có sữa cho con bú, bạn cần tiếp tục theo chế độ như khi mang thai nhưng nên ăn nhiều hơn.
Vệ sinh cũng rất quan trọng. Mẹ bé sau khi sinh nên sớm tắm bằng nước nóng cho sạch sẽ. Sản dịch còn tiếp tục ra, mới đầu nhiều và chủ yếu là máu tươi, sau đó giảm dần và chuyển sang màu nâu, rồi nhạt màu dần và hết hẳn (thường khoảng 4 tuần sau khi đẻ). Bạn hãy dùng băng vệ sinh để thấm. Bạn cần rửa âm hộ bằng nước sạch, đã đun sôi, cũng có thể pha thuốc rửa vệ sinh phụ nữ. Để tránh nhiễm trùng, bạn không nên rửa bên trong âm đạo; dùng loại băng đặt trong âm đạo hay giao hợp.
Sau khi sinh, tử cung co rút để trở về trạng thái trước khi có thai, có thể đau một chút. Cái bụng to sẽ ngót đi trong vài tháng. Mẹ bé có thể tham khảo một số động tác thể dục để giúp cơ bắp săn chắc. Những ngày đầu sau khi sinh, bạn co duỗi cẳng chân, mắt cá chân nhẹ nhàng, hóp bụng vào khi thở ra. Khi đã khỏe thì tập các động tác: Đang nằm thì kéo đầu và nửa người trên dậy đến hết mức, hoặc đang ngồi thì ngả lưng nằm xuống (không chống tay). Những động tác này rất tốt cho cơ bụng. Dần dần, bạn có thể tập các động tác mạnh.
Sinh được đứa con yêu dấu là điều thật sung sướng, nhưng mẹ bé và bố bé cũng thấy lạ lẫm, chưa quen con. Tuy nhiên, sau vài ngày chăm bẵm bé, mẹ bé và bố bé sẽ cảm thấy dạt dào tình mẫu tử, phụ tử. Sau khi sinh, tính tình mẹ bé đôi lúc có thể khó chịu chút xíu do thay đổi hoóc môn trong cơ thể, do mệt mỏi, phải thức dậy ban đêm khi bé khóc. Bố bé cần luôn ở bên mẹ bé và bé để chia sẻ, chăm sóc và thương yêu.
“Bao giờ thì có thể quan hệ tình dục?” là một câu hỏi của nhiều cặp vợ chồng mới sinh con. Hai vợ chồng bạn cần phải kiêng quan hệ tình dục trong sáu tuần sau khi đẻ để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc quan hệ tình dục còn phụ thuộc vào tốc độ hồi phục của người vợ. Chính người vợ sẽ quyết định đã đến lúc hay chưa tuỳ theo cảm nhận về sức khoẻ của mình. Khi bắt đầu quan hệ tình dục, hai bạn cần phải nhẹ nhàng hơn trước. Thêm nữa, âm đạo có thể khô hơn bình thường nên nếu giao hợp, người vợ cần phải thật sự thoải mái và ham muốn, người chồng phải âu yếm, kích thích vợ thật nhiều.
Các bạn cũng phải bắt đầu tránh thai. Việc mang thai lúc này rất hại cho sức khoẻ người phụ nữ. Có thể các bạn nghe nói đang cho con bú thì không thụ thai, điều đó không đúng. Việc cho con bú có tác dụng ức chế rụng trứng, nhưng chỉ khi đủ ba điều kiện: bé chưa được 6 tháng, mẹ bé cho bé bú hoàn toàn, chưa hành kinh trở lại.
- Em bé mới sinh
Những bạn có con lần đầu đừng lấy làm lạ khi thấy đứa con mới sinh của mình trông không mũm mĩm trắng trẻo như nhiều em bé mà bạn thường nhìn thấy. Em bé mới sinh thường có nhiều điểm ngồ ngộ, nhưng rồi bé sẽ đổi khác từng ngày. Đầu bé thường hơi nhọn do sức ép của đường sinh. Đỉnh đầu bé mềm do các xương sọ chưa gắn liền nhau. Mắt bé ít mở, có thể hơi húp, có lúc trông như hơi lác. Lưỡi bé còn ngắn. Trong vài ngày đầu, nhiều bé (cả bé trai và bé gái) có ti căng phồng và rỉ ra chút dịch trông như sữa, cơ quan sinh dục trông hơi to, cơ quan sinh dục của bé gái đôi khi tiết ra một chất dịch hay máu. Đó là do tác động của hoóc môn mẹ. Một chút cuống rốn còn nằm lại trên bụng bé trong vài ngày rồi tự rụng. Chân bé thường cong do hồi trong bụng mẹ bé nằm cuộn tròn. Có thể bé còn một chút lông tơ nhưng chúng sẽ rụng dần. Nếu trên người bé còn chút chất gây (chất bảo vệ da bé trong tử cung mẹ ) thì cũng có thể lau sạch dễ dàng. Một số bé có vết màu xanh ở lưng dưới hoặc ở mông, khi lớn lên sẽ hết. Em bé của các bạn trông đã rất dễ thương nhưng sau một hai tuần bé còn xinh xắn hơn nữa, và bé sẽ lớn lên nhiều theo tháng ngày.
Bé khi mới sinh còn non nớt, cần được ủ ấm và nằm bên cha mẹ, cần được theo dõi để đảm bảo hoạt động bình thường. Khi bế ẵm và vệ sinh phải thật nhẹ nhàng cho đến khi bé được vài tháng tuổi.
Có một số em bé yếu ớt do đẻ non hoặc nhiễm bệnh, cần được chăm sóc đặc biệt, được đưa vào nằm trong lồng kính. Nếu không có lồng kính, bố hoặc mẹ bé có thể ủ ấm cho bé bằng cách mở vài cúc áo cổ, đặt bé vào trong và ôm bé sát da mình.