Tìm thấy biến thể gene gây tiểu đường thai nghén
Trong quá trình mang thai, một số người rất dễ bị bệnh tiểu đường, trong khi số khác lại không. Nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ này, theo các nhà khoa học Áo, là do một biến thể gene đặc biệt gây nên.
Cơ thể phụ nữ mang một gene đặc biệt liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường thai nghén, có tên là calpain-10. Gene này thực chất sản sinh ra một enzyme, tham gia xử lý glucose trong các tế bào cơ xương. Cho đến nay, khoa học đã nhận dạng được 10 biến thể phổ biến của calpain-10, trong đó một biến thể gọi là haplotype 121/221 là đối tượng khả nghi nhất gây ra bệnh tiểu đường thai nghén.
Tiến sĩ Christof Worda và cộng sự đến từ Đại học Tổng hợp Vienna đã kiểm tra tất cả 10 biến thể của gene calpain-10 ở 80 phụ nữ mang thai. Trong số đó, 40 người đã bị tiểu đường thai nghén, số còn lại hoàn toàn khỏe mạnh. Kết quả cho thấy, tất cả những người phát triển bệnh đều sở hữu biến thể haplotype 121/221. "Dạng biến đổi này của calpain-10 có thể đã trực tiếp gây rối loạn cơ chế chuyển hóa glucose trong quá trình mang thai", Worda cho biết. Điều này giải thích vì sao bệnh tiểu đường thai nghén chỉ xảy ra ở một số người, mà không dễ phát triển ở những cơ thể khác.
Mỹ Linh (theo Reuters)