Nhận diện 133 gene gây ung thư bạch cầu cấp
Một trong những dạng nguy hiểm nhất của bệnh ung thư bạch cầu là nguyên bào tuỷ cấp. Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra 133 gene tham gia vào quá trình phát triển bệnh. Phát hiện sẽ giúp các bác sĩ đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp hơn đối với từng bệnh nhân.
Hiện nay, ung thư bạch cầu nguyên bào tuỷ cấp là dạng ung thư bạch cầu phổ biến nhất ở người trưởng thành. Đây là tình trạng huyết cầu có nguồn gốc từ mô tạo máu (mô dạng tuỷ) của tuỷ xương tăng sinh bất thường. Thông thường, để quyết định hướng điều trị cho bệnh nhân, người ta phải kiểm tra các tế bào ung thư dưới kính hiển vi, đồng thời tính đến tuổi tác và tiền sử bệnh của từng người. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, phương pháp này không đủ tin cậy để quyết định người bệnh cần theo đuổi liệu trình nào.
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Stanford (Mỹ) đã tiến hành phân tích mẫu mô của 116 bệnh nhân ung thư bạch cầu nguyên bào tuỷ cấp. Khi tập trung tìm hiểu hoạt động của 26.260 gene trong từng mẫu, nhóm đã phát hiện ra có 133 gene tiêu biểu tạo nên 2 mô hình khác nhau và quy định thời gian sống sót của người bệnh. Trong đó, những người sở hữu mô hình gene thứ nhất nói chung có thời gian sống dài gấp đôi người thuộc mô hình thứ hai.
"Sẽ không thể phát hiện ra sự khác biệt giữa các mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi nếu không xem xét khía cạnh gene", trưởng nhóm nghiên cứu Jonathan Pollack khẳng định trong báo cáo đăng trên Tạp chí Y khoa New England số ra ngày 15/4. Tiểu sử gene của từng bệnh nhân sẽ nâng cao độ tin cậy trong việc xác định liệu pháp điều trị.
Mỹ Linh (theo AFP)