Xử trí một số tổn thương gân, cơ, xương, khớp
Gân, cơ, xương, khớp là những thành tố chủ yếu của bộ máy vận động. Chúng rất dễ bị tổn thương do mang vác nặng, ngã hoặc do những tư thế bất hợp lý. Nếu không được xử trí đúng cách, vết thương sẽ lâu khỏi, thậm chí có thể gây biến chứng hoặc dị tật.
Dưới đây là một số tổn thương thường gặp ở nửa trên cơ thể:
1. Tổn thương ở khớp vai và xương đòn
Khi ngã chạm vai xuống đất, khi phải nâng nhấc các vật nặng đặc biệt lên quá đầu hoặc khi phải làm động tác xoay tay mạnh..., người ta có thể bị trật khớp vai, đau khớp xương cùng bả vai, vùng đầu xương đòn tay không cử động được hoặc giảm cử động, không giơ tay được lên quá đầu. Nếu không điều trị, lâu ngày, bệnh nhân có thể bị teo cơ vùng vai.
Nếu trật khớp vai, để nạn nhân nằm ngửa, lấy gót chân tỳ vào hõm nách nạn nhân, cầm tay kéo theo hướng ra ngoài và xoay nhẹ để chỏm xương cánh tay trở lại ổ khớp. Sau đó, cầm tay nạn nhân xoay vòng theo hướng từ sau ra trước từ dưới lên trên hoặc ngược lại. Nếu nạn nhân không đau, có thể giơ tay lên quá đầu là được.
Nếu gãy xương đòn không di động, cần băng ép bằng băng chun hoặc băng vải to bản. Trong trường hợp gãy xương di động, cần chuyển nạn nhân đến cơ sở ngoại khoa để xử trí.
Nếu chỉ bị tổn thương cơ vùng vai, có thể dùng cao dán, miếng dán hoặc bóp cồn long não...
2. Tổn thương vùng khuỷu tay
- Chạm thương vùng khuỷu tay: Vùng khuỷu sưng đau, động tác xoay cẳng tay bị hạn chế, vùng khuỷu có thể gồ lên. Cần hạn chế cử động cẳng tay, nghỉ luyện tập, băng khuỷu tay, chườm lạnh vùng này nhiều lần trong ngày, uống thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid.
- Gẫy xương cánh tay, cẳng tay: Băng, cố định bằng nẹp tre hoặc nẹp kim loại để chỗ tổn thương không bị di lệch, gây đau, sốc cho nạn nhân. Cho uống hoặc tiêm thuốc giảm đau. Chuyển nhanh nạn nhân đến cơ sở y tế ngoại khoa.
3. Tổn thương cổ tay, bàn tay
- Chạm thương vùng cổ tay: Nếu bị chạm thương nhẹ, vùng này chỉ sưng đau hoặc rạn xương. Chỉ cần băng bó trong ít ngày, dùng thuốc giảm đau.
- Gẫy đầu dưới xương quay: Nạn nhân thấy đau, vùng cổ tay nề sưng, không thể ngửa cổ tay. Phải cố định vùng bàn tay và cẳng tay, dùng thuốc giảm đau. Đưa bệnh nhân đến bệnh viện, chụp X-quang để xác định xương bị gẫy và độ di lệch. Cần bó bột hoặc can thiệp ngoại khoa.
Sức Khỏe & Đời Sống