11 bài thuốc từ cây đào
Để chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, lấy đào nhân (nhân hạt đào), hồng hoa, ngưu tất, tô mộc, mần tưới, nghệ vàng mỗi vị 6-8 g, sắc nước uống.
Đào nhân vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng phá huyết, hành ứ, nhuận táo, hoạt trường. Lá đào vị đắng, tính bình, có tác dụng khu phong, bài thấp, thanh nhiệt, sát trùng. Rễ đào vị đắng, tính bình.
Nhựa đào vị đắng ngọt, tính bình, có tác dụng làm tan kết tụ, giảm đau và lợi tiểu. Hoa đào vị đắng, tính bình, có tác dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện.
Bài thuốc có đào:
- Chữa huyết bế sau khi đẻ: Đào nhân (bỏ vỏ) 12 hạt, ngó sen 1 cái, sắc nước uống.
- Chữa bế kinh, ứ huyết đau bụng kinh: Đào nhân 6 g, đương quy 10 g, xích thược 10 g, xuyên khung 3 g, hồng hoa 5 g. Sắc nước, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
- Chữa ngứa âm hộ: Lá đào tươi, vỏ cây xoan, hoàng bá tươi mỗi thứ 30 g, vỏ rễ lựu tươi 50 g, lá khuynh diệp tươi 25 g, hạt tiêu 20 g, đun sôi, bỏ bã, cho thêm băng phiến, dùng nước xông rửa bên ngoài và ngâm, không được uống.
- Chữa ghẻ lở: Lá đào tươi giã nát, đắp tại chỗ.
- Chữa sốt rét: Lá đào tươi 70g, sắc nước uống ngày 1 lần, dùng 5 ngày.
- Chữa mề đay: Lá đào tươi 500 g, thái nhỏ ngâm vào cồn 500 ml trong vòng 24-48 giờ, lọc bỏ bã, dùng bôi ngày 2-3 lần.
- Chữa phụ nữ nhiều năm kinh không thông, da vàng vọt, môi trắng bệch: Rễ đào 600 g, rễ ngưu bàng 600 g, rễ ma tiền thảo 600 g, ngưu tất 1.200 g, các vị chặt nhỏ, thêm 6.000 ml nước đun sôi cô đặc còn 200 ml, lọc bã. Uống trước bữa ăn với rượu nóng, ngày 2 lần, mỗi lần 15 g.
- Chữa đái ra máu: Nhựa đào, thạch cao, mộc thông mỗi thứ 15 g, nghiền thành bột mịn, mỗi lần dùng 6 g, sắc với 200 ml nước còn 100 ml, uống trước bữa ăn.
- Chữa đái ra dưỡng chấp: Nhựa đào 10 g phối hợp với đường kính, đun cách thủy uống làm nhiều lần trong ngày.
- Chữa bệnh tiểu đường: Nhựa đào 20 g, tán nhỏ, uống với nước sắc địa cốt bì và râu ngô (mỗi vị 30 g).
BS Hương Tú, Sức Khỏe & Đời Sống