Những bài thuốc từ cây đỗ quyên
Hoa đỗ quyên có thể chữa một số bệnh phụ nữ. |
Để chữa áp xe vú giai đoạn viêm tấy, có thể lấy rễ đỗ quyên 15-30 g sắc uống; đồng thời dùng lá đỗ quyên tươi và hương phụ giã nát đắp vào nơi bị áp xe.
Đỗ quyên còn có tên là sơn thạch lựu, ánh sơn hồng, mãn sơn hồng, báo xuân hoa, thanh minh hoa, sơn trà hoa... Hoa đỗ quyên vị chua ngọt, tính ấm, có công dụng hòa huyết, trừ đàm, làm hết ngứa, được dùng để chữa các chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, phong thấp, thổ huyết...
Lá đỗ quyên vị chua, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, chủ trị ung thũng, mụn nhọt, xuất huyết do chấn thương, dị ứng, viêm khí phế quản...
Rễ đỗ quyên vị chua ngọt, tính ấm, có công dụng hòa huyết, trừ phong thấp, giảm đau; được dùng để chữa các chứng xuất huyết, kinh nguyệt không đều, băng lậu, trĩ xuất huyết, lỵ, viêm khớp...
Sau đây là một số ứng dụng cụ thể:
1. Viêm khí phế quản mạn tính
Lá đỗ quyên khô tán bột, chế với cồn theo tỷ lệ 1/1, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20 ml.
Hoặc: Lá đỗ quyên 30 g, diếp cá 24 g, lá nhót 15 g sắc uống.
2. Nôn ra máu, chảy máu mũi
Hoa đỗ quyên tươi 15 g sắc uống. Hoặc: Rễ đỗ quyên khô 15 g sắc uống.
3. Khí hư
Hoa đỗ quyên trắng 15 g, móng giò lợn lượng vừa đủ, hầm nhừ làm canh ăn.
Hoặc: Rễ đỗ quyên 15 g, cây hàm ếch (tam bạch thảo) 15 g, sắc uống.
4. Rong kinh:
Rễ đỗ quyên 30-60 g, sắc uống cùng với một chút rượu vang.
Hoặc: Hoa đỗ quyên 60 g, sao với rượu rồi sắc uống.
5. Rối loạn kinh nguyệt
Rễ đỗ quyên 15 g, rễ bạc hà 15 g, ích mẫu thảo 15 g, hoa hồng 9 g, sắc uống.
Nếu có đau bụng, đau lưng và màu kinh nhợt nhạt thì dùng rễ đỗ quyên 30 g, rễ hải kim sa 30 g, ô dược 15 g, sắc uống trước kỳ kinh 1-2 tháng.
6. Mụn nhọt, viêm loét vùng gáy:
Dùng lá đỗ quyên và lá trắc bách diệp tươi giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà và mật ong rồi đắp lên tổn thương.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống