Các dược thảo trị bệnh gan, mật
Cây ác-ti-sô. |
Trong các loại dược thảo có tác dụng lợi mật, trị viêm gan, ác-ti-sô chiếm một vị trí quan trọng. Nó làm tăng mạnh lượng mật bài tiết, tăng lượng nước tiểu và nồng độ urê trong nước tiểu, giảm lượng urê và cholesterol trong máu.
Ác-ti-sô được dùng làm thuốc thông mật, điều trị hỗ trợ trong các bệnh viêm gan, suy gan. Dạng dùng là lá tươi hoặc khô (liều tương đương 2-10 g lá khô một ngày), sắc uống hoặc nấu cao rồi bào chế thành viên, hay chiết xuất thành dạng cao lỏng tinh chế, dùng dưới hình thức giọt.
Viên cynaraphytol chứa 200 mg cao tinh chế từ lá
tươi ác-ti-sô. Ngày dùng 2-4 viên. Trà túi lọc ác-ti-sô được bào chế từ các bộ
phận của cây với tỷ lệ: thân 40%, rễ 40%, hoa 20%. Mỗi túi chứa 2 g, liều dùng
không hạn chế.
Một số loại thảo dược trị bệnh gan mật khác:
Dành dành:
Cao chiết từ quả dành dành làm tăng sự tiết mật. Trong thử nghiệm trên thỏ đã
thắt ống dẫn mật chủ, cao nước và hoạt chất trừ dành dành ức chế sự gia tăng
bilirubin trong máu. Dành dành còn có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Trong
y học cổ truyền, nó là một vị thuốc được dùng từ lâu đời chữa bệnh vàng da. Ngày
dùng 6-12 g quả dưới dạng nước sắc hoặc hoàn tán.
Đại hoàng: Có tác dụng làm tăng
tiết mật, kháng khuẩn, lợi niệu. Với liều vừa phải (0,5-2 g), nó chữa các chứng
vàng da, kém ăn, ăn không tiêu. Ở liều cao, nó là thuốc tẩy nhẹ dùng cho người
bị vàng da nặng, đầy bụng, đại tiện bí. Ngày dùng 3-10 g sắc uống. Phụ nữ có
thai, đang cho con bú hoặc người bị sỏi niệu calci oxalat không dùng đại hoàng.
Hoàng cầm: Có tác dụng ức chế
kháng nguyên bề mặt của virus gây bệnh viêm gan B. Trong y học cổ truyền, hoàng
cầm được dùng điều trị bệnh vàng da. Ngày uống 6-15 g dạng thuốc sắc hoặc bột.
Nghệ: Tinh dầu nghệ có tác dụng
làm tăng tiết mật nhờ thành phần p-tolylmethyl carbinol. Nghệ còn có tác dụng
chống viêm và kháng khuẩn. Một bài thuốc có nghệ đã được áp dụng điều trị viêm
gan do virus và hầu hết bệnh nhân thử nghiệm đều khỏi. Trong y học cổ truyền,
nghệ được dùng chữa bệnh vàng da. Ngày uống 2-6 g dưới dạng bột hoặc thuốc sắc,
chia làm 2-3 lần.
Nhân trần: Cao chiết từ nhân trần
có tác dụng làm tăng tiết mật, tăng chức năng thải trừ của gan, kháng khuẩn và
chống viêm. Nhân trần đã được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân mắc viêm gan do
virus cấp tính, bệnh vàng da.Trong y học cổ truyền, nhân trần được dùng chữa
vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông. Ngày dùng 8-20 g, dưới dạng thuốc sắc,
siro hoặc thuốc viên.
Các bài thuốc cụ thể
-
Vàng da, vàng mắt, sốt: Dành dành 5 g, hoàng bá 5 g, cam thảo 2g. Sắc
uống ngày một thang. Hoặc: Nhân trần 20 g, dành dành 12 g, đại hoàng 4 g. Sắc
uống ngày một thang.
- Viêm gan, vàng da, vàng mắt: Nhân trần 30 g, dành dành 12 g, vỏ đại
10 g (hoặc chút chít 8 g). Sắc uống ngày một thang.
- Viêm gan, tắc mật: Đại hoàng tẩm rượu sao, tán bột. Ngày uống 2-4 lần, mỗi lần 2 g.
- Viêm gan do virus cấp tính: Hoàng cầm,
hoàng bá, hoàng liên, dành dành mỗi vị 12 g, nhân sâm, thạch xương bồ, đại hoàng
sống mỗi vị 8 g. Sắc uống ngày một thang.
- Viêm gan do virus mạn tính: Nhân trần 20 g, kim ngân 16 g, hoàng cầm,
hoạt thạch đại phúc bì, mộc thông mỗi vị 12 g, phục linh, trư linh, bạch đậu
khấu mỗi vị 8 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày một thang.
- Viêm gan, suy gan, vàng da: Bồ bồ 10
g, nghệ, dành dành, râu ngô mỗi vị 5 g. Mỗi ngày uống một thang dưới dạng thuốc
sắc, siro hoặc cốm. Hoặc: Rau má 4 g, núc nác 3 g, nhân trần 3 g, nghệ, sài hồ
nam, dành dành, nhọ nồi, hậu phác nam (vối rừng) mỗi vị 2 g.
Nghệ, dành dành, hậu phác nam được tán bột mịn, các vị khác nấu cao đặc với
nước. Làm viên hoàn, ngày uống 10 g, chia làm 2 lần.
BS Đoàn Thị Nhu, Sức Khoẻ & Đời Sống