Các bài thuốc từ cây quýt gai
Quýt có thể chữa ho. |
Quýt gai có vị cay, tính ấm, thường được dùng chữa các chứng phong thấp, ho hen, cảm sốt, đau bụng, sưng tấy, ứ huyết, gãy xương, rắn cắn... Quả, lá, rễ và vỏ cây đều có thể dùng làm thuốc.
Sau đây là một số ứng dụng cụ thể:
- Chữa cảm cúm, nhức đầu: Lá quýt và những loại lá thơm khác như sả, cúc tần, đại bi, hương nhu, lá bưởi, lá chanh..., đun nước uống và xông cho ra mồ hôi.
- Chữa phong thấp, đau lưng, đau mình: Rễ quýt 16 g, thổ phục linh 12 g, ngưu tất 12 g, thiên niên kiện 8 g. Tất cả thái nhỏ, sắc với nước hoặc ngâm rượu uống. Cũng có thể nấu thành cao rồi pha rượu dùng.
- Chữa ho do phong nhiệt: Vỏ rễ quýt 20 g, vỏ rễ dâu 10 g, rễ hoặc lá cam thảo nam 10 g (hoặc cam thảo bắc 5 g). Ba thứ thái mỏng, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, thêm đường, chia thành 2-3 phần uống trong ngày.
- Chữa chứng ho nhiều đờm: Quýt xanh 8-16 quả, trộn với 1 thìa nhỏ đường kính hoặc mật ong, một chút muối ăn và 5 g bồ hóng (đốt bằng củi). Tất cả đem hấp cơm trong 15-20 phút, lấy ra nghiền nát, trộn đều, chia thành 2-3 phần uống trong ngày.
- Chữa kiết lỵ: Vỏ thân quýt 20 g, vỏ quả lựu 20 g, vỏ quả chuối hột 20 g, rễ tầm xuân 20 g, búp ổi 10 g, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống.
- Chữa đau bụng, lưng, gối đau nhức: Rễ quýt 15-30 g, sắc nước uống.
- Chữa sâu răng: Đào rễ quýt, rửa sạch, thêm chút muối vào nhai và ngậm. Một lát răng sẽ hết đau.
- Chữa sưng tấy, ứ huyết: Lá quýt 40 g, chia 2 phần, một phần đem phơi khô, sao vàng, sắc uống, một phần để tươi, giã nát, đắp lên chỗ bị thương. Làm liên tục trong 3-4 ngày.
- Chữa mụn rò có mủ lâu ngày: Lá quýt 20 g, lá chanh 20 g, tinh tre 10 g, tất cả phơi khô, tán bột, rây mịn, rắc lên vết thương.
- Chữa đinh râu: Dùng rễ quýt và bã rượu, 2 thứ bằng nhau, giã nhỏ, hơ nóng, đắp lên chỗ đinh râu.
- Chữa rắn cắn: Lá quýt một nắm, rửa sạch, giã nhỏ, thêm ít muối và một chén nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước uống và dùng bã đắp vào vết thương.
Lương y Huyên Thảo, NNVN