STRESS SAU SANG CHẤN
Tác giả : PGS.TS. VŨ ANH NHỊ (Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh học, ĐHYD - TPHCM)
Stress sau sang chấn là dạng bệnh lý rối loạn cảm xúc làm tê dại phản ứng tình cảm và tăng hưng phấn chung gây cảm giác bồn chồn. Nó là hậu quả bệnh lý của việc tiếp xúc với những tổn hại về mặt tình cảm, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào từng loại sang chấn. Đặc trưng nổi bật của bệnh là những cơn tái diễn của sự cố sang chấn kết hợp với các triệu chứng vừa nêu.
Những năm gần đây, mức độ trầm trọng của stress sau sang chấn ở một số cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã làm dạng bệnh lý này được chú ý nhiều hơn. Tần suất của bệnh tuy chưa được xác định trong dân số chung, nhưng hầu hết những bệnh nhân thường trải qua một sang chấn nào đó dưới các dạng xung đột trong cuộc sống. Số liệu thống kê sau các thảm họa cho thấy có khoảng 80% số người sống sót mắc phải căn bệnh này.
BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
Những biểu hiện cơ bản của bệnh, sự tái chịu đựng các tổn thương có thể “trỗi dậy” từng lúc (thường trong thời gian yên tĩnh), người bệnh không kiềm chế được các ký ức về những cơn “ác mộng” tái hiện các sự kiện căng thẳng hoặc có trạng thái tâm lý phân ly “vừa sợ hãi vừa buông trôi”. Vào thời điểm này, các trạng thái rối loạn cảm xúc xuất hiện rộ lên trong bối cảnh lo âu, tăng các cảm giác như tê dại cánh tay, châm chích trong da, tăng rối loạn vận động khiến bệnh nhân đi lại, đứng ngồi không yên, mất ngủ mạn tính, khó tập trung chú ý, suy giảm trí nhớ, thiếu kiên nhẫn, nhàm chán công việc, hiệu suất làm việc giảm rõ rệt...
Một số bệnh nhân có tình cảm bất định, dễ bị kích thích, bồn chồn run rẩy, nhất là khi tiếp xúc với người lạ. Đôi khi họ bị kích động dữ dội, có thái độ rất hung hăng. Nhiều bệnh nhân phải dùng đến rượu và ma túy để mong làm giảm tình trạng đau khổ bên trong của sự tăng hưng phấn. Phần đông bệnh nhân đều than phiền về sự tê dại phản ứng của họ với con người và những sự kiện xung quanh; Mất sự quan tâm về những mục tiêu đang theo đuổi, cảm thấy như đã chết và mất thực tại, tách rời và xa lạ với những người khác.
Người bệnh có thể lo âu, sợ hãi vô lý hay quá đáng đối với những vật thể, tình huống vốn không nguy hiểm hoặc không phải là nguồn gốc thực sự của lo âu.
Hội chứng trầm cảm cũng thấy trong stress sau sang chấn, thường biểu hiện qua tinh thần suy sụp, dễ kích thích, lo âu hoặc trầm cảm che khuất; Nhưng có thể sự trầm cảm được biểu lộ một cách không rõ ràng, thay vào đó bệnh nhân than phiền về bệnh thực thể hay có những đau nhức khác trong cơ thể, lo sợ về tai ương, lo sợ trở thành mất trí. Cuối cùng, người bệnh than phiền không có những tình cảm thông thường như vui, cười và cảm giác cuộc sống vô nghĩa, nhạt nhẽo.
NGUYÊN NHÂN
Về nguyên nhân gây stress, các nhà nghiên cứu nhận định rằng đó là do người bệnh phải tiếp xúc với sang chấn quá lớn hoặc quá lâu. Không phải người nào cũng có phản ứng stress thể hiện bằng bệnh cảnh stress sau sang chấn, mà tình trạng bệnh lý này có thể hình thành từ sự phối hợp nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố này bao gồm:
1. Sang chấn có tính bất ngờ, đột ngột (như đám cháy, rơi máy bay...).
2. Sang chấn có tính tàn khốc như giết người, đánh nhau tàn bạo, đẫm máu.
3. Những sang chấn về tâm lý lâu dài và mạn tính như bị đối xử vô nhân đạo, bị hành hạ tàn ác hoặc những sự cố trong đời như ly hôn (đặc biệt là sự chia cách), mâu thuẫn nặng nề trong gia đình.
4. Sự mạnh, yếu về tâm lý và thể chất của người bệnh.
5. Những tổn thương đang xảy ra trên cơ thể (đau đầu, ung thư, tai biến mạch máu não).
6. Ảnh hưởng từ sự chăm sóc của người thân và xã hội.
QUÁ TRÌNH DIỄN TIẾN VÀ TIÊN LƯỢNG
Stress xuất hiện sau sang chấn từ vài ngày đến vài tuần. Nhưng thường bệnh có thể phát chậm hơn sau nhiều tháng. Những trường hợp xuất hiện nhanh dạng cấp thường tự hết hoặc mất đi sau vài lần dùng thuốc an thần và các dấu hiệu tê dại phản ứng tình cảm biến đi trong vòng 6 tháng. Trường hợp bệnh mãn tính kéo dài nhiều tháng, nhiều năm thì thường gây tàn tật về phản ứng tình cảm. Bệnh nhân khởi phát chậm hoặc có các triệu chứng mãn tính thì tiên lượng xấu và có thể khó bình phục.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc và mục tiêu của điều trị là nhằm vào việc giảm các triệu chứng tăng hưng phấn và lo âu. Các phương pháp thư giãn giải cảm ứng tỏ ra hữu ích trong điều trị.
Liệu pháp tâm thần: (liệu pháp tự biết mình) ví dụ phương pháp hành vi. Phương pháp này làm cho người bệnh nhận được giải cảm ứng với các yếu tố kích thích sự sợ hãi bằng cách bắt bệnh nhân đối đầu với các tình huống, đồng thời áp dụng các kỹ thuật thư giãn (kể cả thôi miên). Người thầy thuốc phải yêu cầu bệnh nhân hình dung ra hoặc thực sự đương đầu với một tình thế gây tổn thương hoặc gây lo sợ (trong gia đình hay môi trường xung quanh). Sự tác động nhiều lần là phương pháp giải cảm ứng hiệu quả nhất.
Liệu pháp dùng thuốc: những loại thuốc an thần nhẹ như Benzodiazepin, Buspiron có hiệu quả trong điều trị sớm chứng lo âu, nhưng không dùng kéo dài vì dễ gây nghiện và giảm dần hiệu quả. Trường hợp có những triệu chứng hốt hoảng, rối loạn nhân cách, lo âu mất ngủ, có thể dùng thuốc chống trầm cảm, hướng thần. Hiện nay thường dùng kết hợp thuốc giải lo âu và thuốc chống trầm cảm, vì thế bệnh nhân cần đến các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần kinh để được khám và điều trị.
Tóm lại: Stress sau sang chấn là chứng bệnh thường gặp trong đời sống. Tuy nhiên cần phân biệt với bệnh trầm cảm, lo âu - sợ sệt, dù rằng hội chứng sau sang chấn cũng có thể bao gồm các triệu chứng trầm cảm, lo âu và sợ sệt, nhưng các triệu chứng này không lấn át bệnh cảnh lâm sàng stress sau sang chấn như đã nói ở trên. Bệnh nhân khi có các biểu hiện bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm để được khám và có hướng dẫn điều trị thích hợp.