Xanh Pôn - BV đầu tiên chữa gãy xương bằng đinh đàn hồi
Mổ cố định xương cho nạn nhân bằng đinh đàn hồi trước màn tăng sáng. |
Với cách cố định xương bằng đinh đàn hồi Metazeau, Xanh Pôn đã điều trị thành công cho gần 100 trẻ bị gãy xương. Metazeau giúp phục hồi tốt chức năng xương, ít gây biến chứng hơn so với phương pháp bó bột và nẹp vít. Đây là cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam thực hiện kỹ thuật tiên tiến này.
Trước đây, các trường hợp gãy xương thường được điều trị bảo tồn bằng bó bột hoặc phẫu thuật đặt nẹp vít. Hai phương pháp này có nhiều nhược điểm:
- Bó bột: Bệnh nhân không được cử động trong một thời gian dài, dẫn đến tình trạng teo cơ, cứng khớp; bất tiện, khó chịu trong sinh hoạt, có thể mắc các bệnh lý về da.
- Nẹp vít: Trong phương pháp này, bác sĩ rạch một đường khá dài, bóc tách lớp cơ để vào xương, sau đó khoan một số lỗ, đặt nẹp bằng kim loại rồi dùng đinh vít để cố định nẹp. Do vết mổ khá lớn, bệnh nhân thường mất nhiều máu và vết thương dễ nhiễm trùng. Các đinh vít có thể kích thích sụn khớp, gây rối loạn phát triển xương, khiến xương lớn không đồng đều và dẫn đến tình trạng chân cao, chân thấp.
Phương pháp Metaizeau
Ra đời năm 1987 tại Pháp, đến nay, kỹ thuật này đã được áp dụng rất rộng rãi ở châu Âu, châu Mỹ.
Xương đùi của một bệnh nhân trước khi phẫu thuật. |
Trước hết, các phẫu thuật viên sẽ nắn chỉnh lại xương cho bệnh nhân trên bàn chỉnh hình, trong khi vẫn theo dõi qua màn tăng sáng. Đối với những ca gãy xương đùi, bác sĩ sẽ đục một lỗ nhỏ phía trên đầu gối bệnh nhân và luồn 2 chiếc đinh đàn hồi vào ống tủy để cố định xương. Mỗi ca mổ chỉ kéo dài 30-40 phút. Bệnh nhân ra viện sau 2-3 ngày và được rút đinh sau 3 tháng.
Trò chuyện với phóng viên VnExpress, bác sĩ Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc bệnh viện, người
Xương đùi của bệnh nhân trên sau khi phẫu thuật. |
chủ trì đề tài nghiên cứu "Điều trị gãy xương bằng đinh đàn hồi Metaizeau", cho biết, các ưu điểm nổi bật của phương pháp này là:
- Vết mổ rất nhỏ nên bệnh nhân hầu như không phải truyền máu, ít nhiễm trùng.
- Bệnh nhân có thể cử động phần chi bị gãy sau 1 tuần. Chẳng hạn, nếu bị gãy xương đùi thì từ tuần thứ 2, bệnh nhân đã có thể tập đi, thay vì phải nằm bất động do bị bó bột đến gần ngực. Nhờ đó, chức năng của cơ và khớp được duy trì tốt.
- Loại trừ được nguy cơ rối loạn phát triển xương do đinh được luồn từ một vị trí không ảnh hưởng đến sụn.
- Giá thành vật liệu không cao nên chi phí cho mỗi ca phẫu thuật chỉ dưới 1 triệu, thấp hơn nhiều so với phương pháp dùng nẹp vít. Bệnh nhân cũng tiết kiệm được một số chi phí khác như máu truyền, kháng sinh.
Trường hợp điển hình là em Nguyễn Thị D., 17 tuổi, bị gãy xương đùi trái và xương cẳng chân 2 bên. Nếu điều trị theo cách thông thường thì phải tiến hành mổ ở 3 vị trí, thời gian mổ kéo dài, cần tiếp rất nhiều máu và dùng nhiều kháng sinh. Với cách dùng đinh đàn hồi, bệnh nhân tránh được tất cả những phiền toái trên.
Bác sĩ Sơn cho biết, trong gần 100 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật này, đến nay, không trường hợp nào có biến chứng. Tuy nhiên, nhược điểm đáng kể nhất của phương pháp là phải có bàn chỉnh hình, màn tăng sáng - những thiết bị hiện đại mà rất ít bệnh viện trang bị được. Vì thế, tuy đã được áp dụng tại Bệnh viện Xanh Pôn từ năm 1996, Metaizeau vẫn chưa phổ cập ở Việt Nam.
Thích hợp với tuổi học đường
Các nhà y khoa Pháp gọi Metazeau là phương pháp điều trị gãy xương tuổi học đường, vì các đinh đàn hồi cho phép bệnh nhân cử động chân tay bị gãy và điều này thích hợp nhất với trẻ 4-17 tuổi:
- Đối với người lớn, các chuyển động không có lợi cho sự liền xương.
- Với trẻ dưới 4 tuổi, xương có thể tự liền sau khi được nắn chỉnh.
- Với trẻ 4-17 tuổi, việc cử động kích thích liền xương nhanh.
Phần lớn bệnh nhân được điều trị bằng đinh đàn hồi tại bệnh viện Xanh Pôn là những trường hợp gãy xương khó chỉnh, đã được điều trị bảo tồn bằng cách kéo nắn, bó bột hoặc phẫu thuật đặt nẹp vít nhưng không khỏi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Sơn, phương pháp này có thể áp dụng cho tất các trường hợp gãy xương ở tuổi học đường do tính an toàn, tiện lợi và hiệu quả của nó.
Thanh Nhàn