Các bệnh Xương Khớp trong Thập niên
2000 - 2010
TS. BS LÊ ANH THƯ
Bệnh viện Chợ Rẫy
Với sự gia tăng của tuổi thọ và sự phát triển xã hội, mỗi chúng ta
đều được tận hưởng một cuộc sống lâu dài hơn, tiện nghi hơn, hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải đương đầu với không ít khó khăn của cuộc sống
hiện đại. Riêng đối với ngành Thấp khớp học, ngoài việc phải đương đầu với
nhóm bệnh phức tạp như bệnh tự miễn, còn phải đối phó với các bệnh lý đang
có xu hướng gia tăng theo sự gia tăng của tuổi thọ như Loãng xương và Thoái
hóa Khớp, và một loạt bệnh lý liên quan đến cuộc sống hiện đại - các bệnh lý
xương khớp trong chấn thương (đặc biệt là trong tai nạn giao thông và trong
thể thao).
Những tiến bộ vượt bậc về khoa học - kỹ thuật trong nhiều thế kỷ, đặc biệt
thế kỷ XX vừa qua đã mang lại cho con người nhiều khả năng và giải pháp mới
trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có khả năng và giải pháp cứu chữa
bệnh tật của Y học, nhờ đó sức khỏe và tuổi thọ của con người ngày càng được
nâng cao rõ rệt.
Tuổi thọ ngày càng cao nên tỷ lệ người có tuổi (>= 65 tuổi) trong cộng đồng
cũng ngày càng tăng. Theo thống kê gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới, người
có tuổi đang chiếm 11 - 12% dân số, ước tính đến năm 2020 con số này sẽ lên
đến 17%, thậm chí có thể lên tới 25% ở các nước Âu, Mỹ, tuổi thọ tăng cao,
dân số thế giới ngày càng già đi và tuổi già đã trở thành thách thức của
nhân loại. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người đặc biệt là cho người
có tuổi, một bộ phận rất quan trọng trong mỗi gia đình và cộng đồng đang là
một mục tiêu quan trọng của công tác y tế trong giai đoạn chuyển tiếp sang
Thiên niên kỷ mới.
Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ Y học nhưng vẫn còn nhiều căn bệnh gây đau
đớn, gây tàn phế và giảm chất lượng sống... vẫn tiếp tục đeo bám con người.
Thập niên Não bộ 1990 - 2000 đã kết thúc với nhiều kết quả đáng khích lệ,
trong việc đầu tư nghiên cứu các bệnh lý của hệ thần kinh trung ương, đặc
biệt là các bệnh thoái hóa của hệ thần kinh trung ương mà điển hình là căn
bệnh Alzheimer.
Các bệnh lý Xương Khớp thường gặp nhất (chiếm tỷ lệ cao nhất cả ở các nước
phát triển và đang phát triển), gây đau đớn kéo dài cho hàng trăm triệu
người, gây tàn phế cho nhiều người. Nhóm bệnh lý này gắn liền với nghỉ việc,
giảm năng suất lao động và hạn chế hoạt động hàng ngày. Trong tương lai, tỷ
lệ này còn đang tiếp tục tăng cao vì sự gia tăng tuổi thọ... Ngoài tác động
rất lớn về kinh tế, xã hội, các bệnh Xương Khớp còn ảnh hưởng nặng nề đến
tâm lý tình cảm của con người. Chỉ riêng ở Mỹ, thiệt hại do nghỉ việc, giảm
năng suất lao động của các bệnh Xương Khớp tương đương với 2,5% tổng sản
phẩm quốc gia (GNP), các bệnh Xương Khớp ảnh hưởng hàng trăm triệu người mà
ước tính tiêu tốn của xã hội tới 215 tỷ USD hàng năm.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và ảnh hưởng to lớn của các bệnh Xương Khớp đối
với toàn xã hội, GS. TS Lars Lidgren, Trưởng khoa Phẫu thuật Chỉnh hình
Trường Đại học Lund Thụy Điển, Chủ tịch Hội nghiên cứu Chỉnh hình châu Âu đề
xướng thập niên 2000 - 2010 là Thập niên Xương và Khớp và ý tưởng này đã
được Hội đồng Nghiên cứu Y học Thụy Điển và Tổ chức Y tế Thế giới hết sức
ủng hộ.
Tháng 4/1998, một cuộc hội thảo lớn với sự tham gia của các tổ chức nghề
nghiệp và nhiều chuyên gia về Phẫu thuật Chỉnh hình, Thấp Khớp học, Loãng
xương, Chấn thương, Y học thể lực, Phục hồi chức năng... Hội thảo đã thảo
luận về tầm quan trọng và ảnh hưởng của các bệnh Xương Khớp đối với xã hội
và nhất trí phát động Thập niên Xương và Khớp, 2000 - 2010.
Tháng 5/2000 vừa qua, ông Kofi Annan, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã gặp gỡ
GS. TS Lars Lidgren và tiếp theo đó hàng trăm tổ chức từ gần 40 quốc gia đã
ký kết tham gia chiến dịch quốc tế về Thập niên Xương và Khớp của Liên hiệp
quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.
1. Mục đích của chiến dịch
Nhằm tìm thêm những giải pháp hữu hiệu mới góp phần cải thiện sức khỏe và
chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân Xương Khớp và giảm bớt các chi phí
cho mỗi bệnh nhân và cho toàn xã hội.
2. Các vấn đề được tập trung nghiên cứu là
* Bệnh lý xương khớp ở người có tuổi
- Thoái
hóa khớp
- Loãng
xương
* Các bệnh lý Khớp, đặc biệt các bệnh tự miễn như: Viêm khớp dạng thấp
(người lớn và trẻ em), Lupus ban đỏ hệ thống...
* Các bệnh lý cột sống ở người trẻ
- Viêm
cột sống dính khớp
- Vẹo và
dị tật cột sống
- Đau
thắt lưng
* Các chấn thương Xương Khớp liên quan tới tai nạn giao thông và hoạt động
thể thao.
3. Các mục tiêu cụ thể
* Tăng cường các hiểu biết chung của toàn dân về những gánh nặng kinh tế,
xã hội, tâm lý của các bệnh Xương Khớp lên toàn xã hội. Hiện tại đã có gần
40 quốc gia tham gia chiến dịch, dự tính, tới năm 2002, sẽ có 100 quốc gia
tham gia.
* Tăng cường chương trình giáo dục cho các sinh viên đại học Y các kiến
thức cơ bản, và cập nhật về Thấp khớp học, phương pháp khám bệnh và hỏi
bệnh, các kỹ thuật thăm dò thường quy... trong Thấp khớp học. Tăng cường đào
tạo sau đại học và đầu tư cho các nghiên cứu các bệnh Xương Khớp quan trọng
và thường gặp ở từng quốc gia.
* Giáo dục phổ cập về các bệnh Xương Khớp cho bệnh nhân và cộng đồng.
Khuyến khích người bệnh tham gia vào nhóm điều trị để có thể tự chăm sóc sức
khỏe và góp phần cho việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
* Khuyến khích dùng các biện pháp dự phòng, ngăn ngừa và ngăn chặn các hậu
quả xấu của bệnh, đặc biệt những bệnh có thể dự phòng được như Thấp khớp
cấp, Loãng xương, Vẹo cột sống, Đau thắt lưng, Chấn thương do tai nạn giao
thông...
* Áp dụng các kiến thức mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị, giảm
tỷ lệ tàn phế của bệnh.
Thông tin về Thập niên Xương và Khớp đã lan rộng tới nhiều quốc gia trên
thế giới. Nhiều quốc gia đã ký kết và hình thành các mạng lưới hoạt động của
mình và với các quốc gia khác. Hy vọng những thành tựu mà Thập niên Xương và
Khớp đem lại sẽ giúp cho việc cải thiện chất lượng sống cho các bệnh nhân
Xương Khớp, các bệnh Xương Khớp ngày càng được quan tâm hơn, được đầu tư
nghiên cứu nhiều hơn, được điều trị và phòng ngừa tốt hơn, đặc biệt ở một số
nước đang phát triển như nước ta. Hy vọng rằng, vấn đề này sẽ được Chính
phủ, Bộ Y tế, Hội Thấp khớp học và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác quan
tâm hơn nữa, đề ra kế hoạch hoạt động cụ thể để tham gia vào chiến dịch quốc
tế này và để chiến dịch này thực sự mang lại lợi ích cho những bệnh nhân
Xương Khớp của nước ta, giảm nhẹ những gánh nặng về kinh tế, xã hội, tâm lý
- tình cảm cho mỗi gia đình và cho toàn xã hội.
------------------
Chú thích ảnh: Biểu tượng của Thập niên Xương và Khớp 2000 -
2010