BỆNH LOÃNG XƯƠNG
PTS. BS LÊ ANH THƯ
Bệnh viện Chợ Rẫy
Với sự gia tăng của tuổi thọ và sự phát triển của xã hội, mỗi chúng
ta đều được tận hưởng một cuộc sống lâu dài hơn, đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đương đầu với không ít khó khăn của cuộc sống
hiện đại, trong đó có một loại bệnh lý của con người khi có tuổi mà nổi cộm
là các bệnh tim mạch, xương khớp và chuyển hóa. Tuổi già đang là một thách
thức lớn của nhân loại, cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người có
tuổi đang là những yêu cầu rất chính đáng của xã hội. Riêng đối với ngành
thấp khớp học. Loãng xương hiện đang là vấn đề mang tính toàn cầu, rất cần
được quan tâm để góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao tuổi thọ
cho người có tuổi và giảm bớt các chi phí về y tế xã hội cho việc điều trị
các biến chứng mà bệnh có thể gây nên như: gãy lún cột sống, gãy cổ xương
đùi...
Một trong những thành tựu rất lớn của Y học nói riêng và của khoa học kỹ
thuật nói chung là nâng cao tuổi thọ cho con người. Với sự gia tăng tuổi
thọ, số người có tuổi (65 tuổi) ngày càng cao và chiếm một vị trí rất đáng
kể trong dân số (hiện chiếm khoảng 12% dân số thế giới, dự tính con số này
sẽ là 17% vào năm 2020). Có sinh tất có tử và có lão ắt khó tránh khỏi bệnh
vì vậy tuổi tác đang là thách thức đối với nhân loại cũng là thách thức đối
với mỗi chúng ta. Loãng xương là một trong những bệnh lý rất thường gặp ở
người có tuổi, là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng sống, gây
tàn phế và làm giảm tuổi thọ cho con người. Hàng năm, chi phí cho điều trị
loãng xương ở các nước phát triển không ngừng tăng lên. Ở nước ta các chi
phí về y tế cho việc điều trị loãng xương còn chưa tính được nhưng riêng ở
Mỹ, một đất nước phát triển vào loại hàng đầu của thế giới, chi phí cho điều
trị loãng xương luôn là một con số rất đáng được toàn xã hội quan tâm: 5,1
tỷ USD/năm (1986), 6,1 tỷ USD/năm (1990), 7 tỷ USD/năm (1992) và gần 10 tỷ
USD (cuối thập niên 90).
LOÃNG XƯƠNG LÀ GÌ?
Loãng xương (còn được gọi xốp xương hay thưa xương) là một bệnh lý của hệ
thống xương làm giảm tỷ trọng khoáng chất của xương (Bone Mineral
Density-BMD) hay giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích xương, hậu quả của
sự suy giảm các protein và các khoáng chất của bộ xương, khiến cho sức chống
đỡ và chịu lực của xương giảm đi, xương sẽ trở nên mỏng mảnh, dễ gãy, dễ lún
và dễ xẹp, đặc biệt ở các vị trí chịu lực của cơ thể như: cột sống, cổ xương
đùi, đầu dưới xương quay... Nói đơn giản hơn loãng xương là tình trạng xương
mỏng mảnh và yếu đến mức rất dễ gãy khi bị chấn thương dù rất nhẹ, thậm chí
có thể gãy tự nhiên không do chấn thương.
BỘ XƯƠNG ĐƯỢC CẦU TẠO NHƯ THẾ NÀO?
Bộ xương chiếm khoảng 15 - 17% trọng lượng cơ thể, được coi là ngân hàng
khoáng chất của cơ thể. Cấu tạo của bộ xương gồm hai phần chính là các chất
hữu cơ và các khoáng chất. Các chất hữu cơ chiếm 30% trọng lượng của bộ
xương, tạo nên một khung protein để các khoáng chất như calci, phospho,
magnesi... gắn vào. Các khoáng chất chiếm 70% trọng lượng của bộ xương, quan
trọng nhất là calci, phospho và magnesi.
Cấu tạo xương được điều hòa chủ yếu nhờ hai loại tế bào chính: các tế bào
sinh xương (tạo cốt bào - osteoblast) và các tế bào hủy xương (hủy cốt bào -
osteoclast). Ở tuổi trẻ (dưới 25 tuổi), khi cơ thể đang phát triển, hoạt
động của các tế bào sinh xương sẽ trội hơn hoạt động của các tế bào hủy
xương, khối lượng khoáng chất của bộ xương tăng dần cùng sự phát triển của
cơ thể để đạt tới khối lượng đỉnh. Ở độ tuổi 25 - 40 hoạt động của các tế
bào sinh xương và các tế bào hủy xương cân bằng giữ cho khối lượng của bộ
xương ổn định. Đây cũng chính là giai đoạn bộ xương có khối lượng khoáng
chất cao nhất (optimal peak bone mineral density). Từ tuổi 40 trở đi, hoạt
động của các tế bào hủy xương sẽ trội hơn hoạt động của các tế bào sinh
xương, khối lượng khoáng chất của bộ xương sẽ giảm dần theo tuổi với tốc độ
mất xương từ 0,5 đến 1% mỗi năm. Riêng ở phụ nữ, sau khi mãn kinh, tốc độ
mất xương sẽ nhanh hơn hẳn nam giới cùng tuổi. Trong 5-10 năm đầu của thời
kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương là 2-4% khối lượng xương mỗi năm.
NHỮNG AI SẼ BỊ LOÃNG XƯƠNG?
Tất cả chúng ta, đến lúc có tuổi (trên 65 tuổi) ai cũng bị loãng xương. Đây
là hiện tượng loãng xương tiên phát còn gọi loãng xương người già hay
loãng xương type II, một tất yếu của quá trình phát triển, lúc này các
tế bào sinh xương (osteoblast) bị lão hóa, sự hấp thu calci ở ruột bị hạn
chế và có sự suy giảm tất yếu các hormon sinh dục. Loãng xương tiên phát
thường xuất hiện trễ, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có những biến chứng
nặng nề như gãy xương hay lún xẹp các đốt sống.
Quá trình loãng xương sẽ xảy ra sớm hơn, tiến triển nhanh hơn, gây nhiều
hậu quả nặng nề như gãy, xẹp đốt sống, gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương
quay (xương cổ tay)... và được gọi là loãng xương thứ phát hay loãng
xương type I khi có thêm các nguyên nhân:
1. Phụ nữ sau khi mãn kinh, hoạt động của buồng trứng ngưng lại, vì không
có oestrogen nên các tế bào hủy xương tăng hoạt tính (oestrogen có tác dụng
ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương). Khối lượng xương sẽ mất đi từ 2
- 4% mỗi năm trong suốt 10 đến 15 năm đầu sau mãn kinh. Khối lượng xương của
đa số phụ nữ (65 tuổi giảm từ 30 đến 50%, có người chỉ còn không tới 30%
khối lượng xương. Chính vì vậy, ở phụ nữ tuổi (65 thường gặp các biến chứng
nặng của loãng xương như gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới
xương cẳng tay... hơn hẳn nam giới cùng tuổi.
Hình 1: Cắt ngang qua 2 xương cổ tay ở nam giới 70 tuổi (dưới) và nữ
giới 70 tuổi (trên) Loãng xương ở nữ giới nặng hơn rất nhiều so vớ nam giới
cùng tuổi
2. Bất động quá lâu ngày do bệnh tật (chấn thương cột sống, phải bất động),
do nghề nghiệp (những người du hành vũ trụ khi ở trong tàu vũ trụ đi ra
ngoài không gian)... vì khi bất động lâu ngày các tế bào hủy xương tăng hoạt
tính.
3. Bị các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường
tuyến vỏ thượng thận, tiểu đường... và đặc biệt là suy giảm chức năng của
các tuyến sinh dục (buồng trứng với nữ và tinh hoàn đối với nam).
4. Bị bệnh suy thận mãn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất nhiều
calci qua đường tiết niệu.
5. Mắc các bệnh xương khớp mãn tính khác đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và
thoái hóa khớp
6. Do sử dụng một số thuốc: chống động kinh (dihydan), thuốc chữa bệnh tiểu
đường (insulin), thuốc chống đông (heparin) và đặc biệt là các thuốc kháng
viêm nhóm corticosteroid (corticosteroid một mặt ức chế trực tiếp quá trình
tạo xương, mặt khác làm giảm hấp thu calci ở ruột, tăng bài xuất calci ở
thận và làm tăng quá trình hủy xương).
Xin xem tiếp kỳ sau:
YẾU TỐ NGUY CƠ, BIỂU HIỆN VÀ HẬU QUẢ CỦA BỆNH LOÃNG XƯƠNG