PHƯƠNG PHÁP CHIROPRACTIC CHỮA BỆNH ÐAU LƯNG
Tác giả : BS. VŨ VIỆT VÂN
Ðau là một động thái bảo vệ cơ thể, báo hiệu cho ta một bộ phận, một phần cơ thể nào đó bị tổn thương và tạo phản ứng để chống đau. Hiệp hội Thế giới nghiên cứu về đau (International Association for The Study of Pain) đã định nghĩa đau như sau: Ðó là một cảm giác khó chịu, xuất hiện cùng lúc với sự tổn thương của các mô tế bào. Ðau là kinh nghiệm được lượng giá bởi nhận thức chủ quan tùy theo từng người, từng cảm giác về mỗi loại đau, là dấu hiệu của bệnh tật và phải tìm nguyên nhân để chữa.
CHIROPRACTIC, PHƯƠNG PHÁP CHỮA ÐAU LƯNG HỮU HIỆU
Ðau lưng là một chứng bệnh thường gặp. Trong chúng ta không mấy ai không mắc phải chứng đau lưng trong suốt cuộc đời mình. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau lưng, nguyên nhân do chấn thương hay do bệnh lý của cột sống cũng tương đối hay gặp. Nhưng thường gặp nhất là do lao động không đúng cách. Bài viết này đề cập đến đau lưng do thoát vị đĩa đệm (Lumbar Dics Herniation) hay ta thường gọi là bệnh "cụp xương sống".
Nguyên nhân phát sinh ra bệnh là do sinh động (biomechanic), khi mang hay vác một vật nặng, chạy nhảy nhiều... Khi ấy cột sống phải chịu sự đè nén của vật nặng, sức nặng đè lên xương, xương ép vào lớp sụn, gây sức dồn ép quá mức sẽ làm đĩa đệm giãn phình ra (bulging dics) chèn ép lên các dây thần kinh gây ra cảm giác đau. Nếu vật nặng quá sức chịu đựng của đĩa đệm, hoặc đột ngột nhảy từ trên cao thẳng xuống đất..., lớp ngoài của sụn bị vỡ, nhân của đĩa đệm di chuyển và lồi ra ngoài (protrusion dics) chèn chặt vào các dây thần kinh gây đau lưng dữ dội. Nặng hơn là lớp nhân sụn lồi ra và bị đứt nhân sụn (prolapse dics), loại này cần phải can thiệp phẫu thuật.
Ðiều chỉnh cột sống bằng phương pháp Chiropractic rất hữu hiệu trong trường hợp bulging dics và protrusion dics.
Phương pháp điều chỉnh bằng trọng tâm
- Ðể người bệnh nằm sấp trên ghế Hylo hoặc ghế tự tạo, phần lưng ghế có thể điều chỉnh lên xuống được, điều chỉnh cho lưng hơi cong.
- Ðứng về phía đau của người bệnh, dùng bàn tay phải đặt vào chỗ lồi của xương bàn tọa S1, S2 đẩy về phía sau. Dùng bàn tay trái để vào cột sống lưng L5 và đẩy cho ngược lên trên để mở rộng góc độ lớp sụn bị dập vỡ đè vào tủy sống hoặc dây thần kinh. Nếu lớp sụn đè vào giữa thì người và tay phải thẳng góc với xương lưng, dùng một lực thật mạnh và nhanh ấn xuống cho mặt ghế ở phần lưng sập xuống, trọng lực đẩy lớp sụn nhưng không đè vào tủy sống hoặc dây thần kinh. Người bệnh sẽ thấy bớt đau ngay. Áp dụng kỹ thuật điều chỉnh kể trên lập lại vài lần cho trọng lực ở phần lưng của ghế Hylo hoặc ghế tự tạo đẩy lớp sụn vào sâu thêm.
- Cho người bệnh ngồi dậy một cách cẩn thận và từ từ. Bảo người bệnh đi qua đi lại vài bước. Họ sẽ thấy dễ chịu và bớt đau. Sau đó cho đứng lại vào ghế Hylo, từ từ hạ ghế xuống rồi bắt đầu điều chỉnh xương lưng theo trọng lực khoảng 2-3 lần.
- Ðể người bệnh nằm yên, cho chạy máy Muscle Stimulation với tốc độ vừa hoặc thấp, không quá mạnh trong 25 phút.
- Cho người bệnh dậy đeo nịt lưng ngay để giữ đốt xương không vặn vẹo gây ép lớp sụn, sẽ dẫn đến lớp sụn lồi ra lại.
Người bệnh sẽ đỡ trong vòng 1-2 tuần, thường sẽ không nằm ở tư thế thẳng lưng ngay được vì lớp sụn sẽ bị chèn ép lại chút ít và cần điều chỉnh cột sống bằng phương pháp Chiropractic.
Ngoài ra có thể kết hợp với phương pháp kéo giãn xương sống (lumbar traction). Một đề nghị kéo giãn tốt nhất là nằm ngang, trong trạng thái không bị trọng lực ép vào xương vai, dùng 30% sức nặng của cơ thể để kéo xương hông giãn ra, giảm áp suất vào sụn, giảm sức ép vào dây thần kinh và tủy sống. Mỗi lần kéo từ 30-40 phút và có thể làm nhiều lần trong ngày. Chú ý không kéo giãn trong các trường hợp sau: Ung thư, lao, bệnh xốp xương, tim mạch, cao huyết áp và thai nghén...