Cơ hội mới chữa thoát vị đĩa đệm
Ảnh: Google |
Thời gian gần đây, y học hiện đại đã mang đến cho bệnh nhân nhiều cơ hội mới.
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm (ĐĐ) là chiếc gối đệm đàn hồi có dạng như một thấu kính lồi chêm vào giữa 2 đốt sống nhằm tạo sự uyển chuyển cho cột sống trong các động tác xoay, nghiêng, ưỡn, cúi... Đồng thời, ĐĐ còn là vật hộ thân giúp cột sống phân tán trọng lực và lực đè ép từ bên trên do khiêng vác vật nặng và chống rung lắc cho cơ thể. Để thực hiện được các chức năng trên, ĐĐ có một cấu tạo đặc biệt gồm nhân nhầy, bao quanh là các vòng sợi và dây chằng, TVĐĐ hình thành khi vì một lý do nào đó (lão hóa, thoái hóa, chấn thương...) các cấu trúc vòng ngoài xuất hiện “lỗ mọt” hay rách hẳn, mở đường cho nhân nhầy thoát ra chảy vào ống sống hay lỗ tiếp hợp, chèn vào búi thần kinh, gây ra hiện tượng đau thắt lưng dai dẳng. TVĐĐ hay xảy ra ở vùng thắt lưng lan xuống mông, chân, thường được gọi là đau thần kinh tọa.
Phương pháp chẩn đoán
Một thầy thuốc kinh nghiệm có thể xác định TVĐĐ qua thăm khám lâm sàng, nhưng để chẩn đoán chính xác cần nhìn qua phim X-quang hay bổ sung chụp cản quang, ghi điện cơ... Hiện nay, người ta còn sử dụng CT scan hay MRI (cộng hưởng từ) khá hiệu quả trong việc chẩn đoán.
Điều trị TVĐĐ thắt lưng
Tùy thuộc mức độ nặng - nhẹ (chủ yếu căn cứ vào lượng nhân nhầy thoát ra nhiều hay ít và mức độ chèn ép thần kinh), các thầy thuốc sẽ dành cho bệnh nhân những can thiệp vừa phải trước, sau đó tùy tình hình sẽ lựa chọn biện pháp triệt để hơn. Lần lượt gồm có:
- Kéo giãn cột sống thắt lưng bằng giường kéo:
Mục đích làm giảm áp lực đè lên các đốt sống thắt lưng mở đường cho nhân nhầy quay trở lại vị trí cũ. Giường kéo là một thiết bị chuyên dụng nhưng không phức tạp lắm, áp dụng nguyên lý đơn giản là cố định phần trên thân thể, phần dưới nối với hệ thống ròng rọc có treo quả cân nặng để duy trì lực kéo thường xuyên và từ từ. Trọng lượng quả cân sẽ tăng dần theo thời gian, đôi khi người ta dùng chính sức nặng của bệnh nhân làm lực kéo (nằm trên giường dốc xuống).
Ngoài ra, các thầy thuốc còn thêm vài trợ giúp như xông hơi thuốc, áp nhiệt, chiếu tia hồng ngoại, xung điện... nhằm mục đích giãn cơ, giảm đau. Mọi chi tiết về chỉ định, kỹ thuật, thời gian kéo sẽ được áp dụng cụ thể cho từng bệnh nhân. Những trường hợp thoát vị bán cấp hay mạn tính thường là lựa chọn của biện pháp này.
- Tiêm nội đĩa đệm:
Tác động vào chính ĐĐ với mong muốn thu nhỏ hay tiêu hẳn khối thoát vị để giảm áp lực căng phồng, giải phóng sự chèn ép của nó vào thần kinh. Biết được thành tố chính của nhân nhầy là một loại protein, nhiều chất tiêu đạm thịnh hành được mang ra dùng như chymopain (trích xuất từ một giống đu đủ), collagenase (men tiêu collagen)... Tuy có vẻ khả thi nhưng cho đến nay, nhiều thầy thuốc thường e dè biện pháp này vì những tai biến sốc phản vệ nguy hiểm. Gần đây, người ta đã tính đến việc tiêm máu tự thân của chính bệnh nhân vào ĐĐ với cùng mục đích trên nhưng có thể tránh được hiện tượng phản vệ.
- Phẫu thuật đĩa đệm:
Lựa chọn sau cùng có tính triệt để, nhất là sau khi các biện pháp bảo tồn thất bại, mở đường vào thẳng ĐĐ và lấy đi khối thoái vị.
- Laser điều trị:
Rất may là “cánh tay” ngày càng dài ra của laser đã vươn tới lĩnh vực điều trị TVĐĐ, triển khai vào thập niên 80 và ngày càng thâu tóm mọi ưu điểm mà các thầy thuốc mong muốn. Không ngoài cung cách phá hủy cấu trúc nhân nhầy giải phóng chèn ép (laser điều trị giảm áp đĩa đệm cột sống xuyên da - Percutaneous Laser Disc Decompresion - PLDD), các bác sĩ dùng kim chuyên dụng chọc vào ĐĐ và gửi theo nó một sợi quang học dẫn đường năng lượng bức xạ từ máy phát laser (loại Nd-YAR) vào khởi hoạt hiện tượng quang động làm bốc cháy và bay hơi một phần nhân nhầy.
Ít tai biến, không “động dao, động kéo” nhiều, thời gian hồi phục nhanh, PLDD thường được chỉ định trong khá nhiều trường hợp, trừ khi kèm theo thoát vị là nhiều tổn thương nặng nề khác như rách dây chằng ĐĐ, khối thoát vị quá to hay có các bất thường của cột sống liên quan... thì không còn cách nào khác là phẫu thuật để giải quyết trọn gói.
Sau cùng, biện pháp nội khoa hỗ trợ như giảm đau, giảm cứng cơ, vật lý trị liệu... luôn được áp dụng song song. Với các cứu cánh trên cùng với sự hợp tác tích cực của bệnh nhân, đa số các trường hợp đau thắt lưng do TVĐĐ đều đạt kết quả khả quan. Vấn đề còn lại là thời gian, tổn phí nằm viện... có thể trở thành trở ngại lớn với bệnh nhân nghèo là một trong những đối tượng mà bệnh đau thắt lưng hay “viếng thăm” nhất.
Anh Tuấn
(ĐH Y khoa Hà Nội)