Bệnh sưng đau các khớp (chứng tý)
Tác giả : BS. TRẦN VĂN BẢN (Tổng thư ký Hội Ðông y Việt Nam)
ÐẠI CƯƠNG
Sưng đau các khớp theo Ðông y thuộc phạm vi chứng tý. Bệnh thuộc hệ cơ, khớp xương ở tứ chi và cơ nhục.
Tý có nghĩa là không thông của kinh lạc, khí huyết gây ra bệnh lý ở các phần kể trên.
Chứng tý tùy nguyên nhân gây bệnh khác nhau mà chia làm 3 loại: Phong thắng gọi là hành tý; Hàn thắng gọi là thống tý; Thấp thắng gọi là trước tý.
NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH
Nguyên nhân do thời tiết ẩm thấp hoặc tiếp xúc, lao động, nằm ngồi nơi ẩm ướt, hay sau khi làm việc mệt nhọc, bị mưa, rét làm cho ba thứ khí: Phong, Hàn, Thấp nhân lúc chính khí hư yếu, tấu lý sơ hở, tà khí thừa cơ xâm nhập vào cơ thể, lưu lại ở kinh lạc, gân cơ, xương khớp làm cho khí huyết không lưu hành được mà phát ra bệnh.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
1. Hành tý: Do phong tà là chính
Triệu chứng lâm sàng: Sưng đau hoặc đau mỏi các khớp, gân cơ, thớ thịt, đau di chuyển, có khi hết hẳn nhưng tự nhiên lại xuất hiện trở lại; sợ gió, rêu lưỡi trắng, mạch phù.
Phương pháp điều trị: Tán phong, khu hàn, trừ thấp.
Bài thuốc: Bài phòng phong thang:
Phòng phong 16g, hoàng cầm 12g, xuyên quy 16g, cát căn 16g, xích phục linh 12g, khương hoạt 10g, hạnh nhân 8g, quế chi 8g, tần giao 12g, cam thảo 6g.
Cách bào chế: Hạnh nhân bỏ vỏ, xuyên quy tẩm rượu, quế chi cạo bỏ vỏ. Mười vị trên + 2.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 250ml.
Cách dùng: Uống ấm, chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
2. Thống tý: Do hàn là chính
Triệu chứng lâm sàng: Sưng đau các khớp, cơ, xương. Ðau cố định dữ dội, ít hoặc không di chuyển. Tại vùng sưng đau không nóng, không đỏ, chân tay lạnh, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng. Mạch phù, trì hoặc nhu hoãn.
Phương pháp điều trị: Tán hàn, khu phong, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết.
Bài thuốc: Ðộc hoạt tang ký sinh gia giảm.
Ðộc hoạt 12g, đương quy 12g, ngưu tất 8g, tang ký sinh 8g, thục địa 12g, nhân sâm 8g, tần giao 8g, thược dược 12g, phục linh 12g, phòng phong 8g, xuyên khung 6g, cam thảo 4g, tế tân 4g, đỗ trọng 8g, quế tâm 6g.
Cách bào chế: Các vị trên + 1.900ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 300ml.
Cách dùng: Uống ấm, chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
3. Trước tý: Do thấp tà là chính
Triệu chứng lâm sàng: Các khớp đau mỏi, nặng nề, vận động khó khăn, cảm giác tê, đôi khi sưng đau nếu thấp phối hợp với nhiệt có sưng nóng, người mệt mỏi rã rời. Rêu lưỡi dính, nhớt. Mạch nhu hoãn.
Phương pháp điều trị:
+ Nếu thiên về thấp hàn: Táo thấp khu hàn, tán phong.
+ Nếu thiên về thấp nhiệt: Táo thấp thanh nhiệt, tán phong.
Bài thuốc
+ Nếu thiên về thấp hàn: Bài trừ thấp quyên tý thang.
Thương truật 16g, trần bì 8g, bạch truật 16g, cam thảo 6g, phục linh 16g, khương hoạt 12g, trạch tả 16g, sinh khương trấp 4 giọt, trúc lịch 4 thìa cà phê.
- Cách bào chế: Thương truật tẩm nước gạo sao. Bảy vị trên (trừ sinh khương và trúc lịch) + 1.500ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 250ml.
- Cách dùng: Uống ấm, chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
+ Nếu thiên về thấp hàn, dùng bài Nhị diệu thang: thương truật 48g, hoàng bá 48g.
- Cách bào chế: Thương truật tẩm nước gạo sao, hoàng bá tẩm rượu vi sao. Hai vị trên + nước 1.200ml, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml.
- Cách dùng: Uống ấm, chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
Chú ý: Trong quá trình biện chứng luận trị cần lưu ý 3 loại: phong, hàn, thấp tý thường phối hợp với nhau, nhưng khi thấp đã hóa nhiệt hoặc hợp với ngoại nhiệt, ngoại hàn gây các chứng thiên về phong thấp hàn hoặc thiên về phong thấp nhiệt; hoặc thiên về thấp hàn hoặc thấp nhiệt, phải gia giảm thuốc cho phù hợp để chữa trị có kết quả.
Nếu chứng tý đã lâu ngày làm cho khí huyết đều suy kém, khi chữa phải bổ chính khu phong tán hàn, trừ thấp. Thường dùng bài Tam tý thang:
Nhân sâm 8g, bạch truật 12g, phục linh 12g, cam thảo 4g, đương quy 12g, xuyên khung 6g, bạch thược 12g, hoàng kỳ 12g, bào ô đầu 2g, quế tâm 6g, phòng phong 8g, phòng kỷ 12g, tế tân 4g, sinh khương 8g, đại táo 7 quả.
- Cách bào chế: Các vị trên + 1.900ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 250ml.
- Cách dùng: Uống ấm, chia đều 6 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 2 lần.
+ Nếu bệnh lâu ngày biểu hiện tổn thương: Tâm, can, thận, khí huyết nghiêm trọng gây ra các chứng sưng đau khớp, gầy yếu xanh xao, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ..., khi chữa phải tư bổ can thận, an thần khu phong, trừ thấp; Thêm các vị táo nhân, viễn chí, thạch xương bồ.
Nếu bệnh lâu ngày biểu hiện khớp ngón tay, ngón chân to, cứng, hạn chế vận động do phong đàm bế tắc kinh lạc thì thêm các vị: Nam tinh, bán hạ, bạch giới để hóa đàm; Thiên ma, tần giao để thư cân.