Bệnh nhân viêm khớp nên tập luyện như thế nào?
Aerobic có lợi cho người viêm khớp. |
Việc tập luyện giúp giảm đau và cứng khớp, tăng sức dẻo dai, làm mạnh cơ bắp, khỏe tim. Nó còn giúp giảm cân và làm cơ thể khỏe khoắn. Tuy nhiên, nếu tập không đúng cách, bệnh sẽ nặng thêm.
Có 3 cách tập luyện tốt nhất cho người bị viêm khớp. Tập nhẹ (như khiêu vũ) giúp khớp hoạt động bình thường và giảm sự căng khớp; giúp duy trì và tăng sự dẻo dai. Tập mạnh (như cử tạ) làm mạnh cơ bắp; cơ có mạnh mới hỗ trợ và bảo vệ được các khớp bị viêm. Thể dục nhịp điệu (aerobic) hay tập luyện kéo dài (như đi xe đạp) giúp cải thiện tim mạch, kiểm soát trọng lượng cơ thể và cải thiện toàn bộ chức năng. Kiểm soát thể trọng là yếu tố rất quan trọng đối với người bị viêm khớp bởi sự dư cân sẽ làm tăng áp lực lên các khớp.
Để thiết lập chương trình tập luyện, nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Hãy khởi đầu việc tập luyện với sự giám sát của chuyên viên vật lý trị liệu. Trước hết, phải làm ấm các khớp bị viêm, khởi động với các bài tập nhẹ. Sau đó, thực hiện các bài tập nặng hơn một cách từ từ với các trọng lượng nhỏ, tập thật chậm.
Hãy chọn chương trình tập luyện phù hợp nhất và tập luyện thường xuyên với nó. Sau tập, cần dùng các túi chườm lạnh.
Các phương pháp sau sẽ giúp bạn chặn đứng cơn đau trong thời gian ngắn để thấy dễ chịu hơn khi tập luyện:
- Chườm nóng: Có thể sử dụng túi chườm nóng hay tắm nóng, thực hiện tại nhà, mỗi lần khoảng 15-20 phút, thực hiện 3 lần/ngày sẽ giúp giảm triệu chứng đau.
- Dùng sóng ngắn, vi ba và siêu âm để đưa nhiệt xuống sâu hơn ở những vùng khớp không bị viêm, thường dùng ở khớp vai để làm giãn cơ gân do tập luyện quá căng. Nhiệt sâu không được chỉ định đối với những bệnh nhân bị viêm khớp cấp tính.
- Chườm lạnh: Có thể sử dụng các túi đựng nước đá, làm giảm đau và viêm, thường dừng khoảng 10-15 phút mỗi lần. Chườm lạnh được chỉ định trong viêm khớp cấp tính.
- Thủy liệu pháp (hydrotherapy): Có thể làm giảm đau và căng cơ. Tập luyện trong bể rộng có vẻ dễ hơn bởi vì nước làm giảm sức nặng của cơ thể lên khớp bị viêm.
- Vật lý trị liệu: Bao gồm các biện pháp như kéo giãn, massage và tẩm quất. Với các chuyên viên, những phương pháp này có thể làm giảm đau và làm tăng độ dẻo dai của cơ khớp.
- Giãn cơ: Bệnh nhân cần học cách thư giãn để làm giãn cơ và giảm đau. Các chuyên viên có thể thực hiện những biện pháp giãn cơ chuyên nghiệp.
- Châm cứu: Đây là phương pháp cổ truyền của Trung Quốc có thể giúp giảm đau. Các nhà nghiên cứu tin rằng kim châm cứu sẽ kích thích các sợi thần kinh cảm giác sâu, sau đó được truyền lên não và làm giãn cơ.
BS. Nguyễn Văn Thông, Sức Khỏe & Đời Sống