THAY KHỚP HÁNG TOÀN BỘ
BS. NGUYỄN ĐẰC NGHĨA
Khoa Chấn thương - Chỉnh hình
Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội
Thay khớp háng toàn bộ (KHTB) là kỹ thuật dùng khớp nhân tạo thay cho khớp háng bị hỏng nặng cả chỏm xương đùi lẫn ổ cối. Từ năm 1964 khớp háng nhân tạo có độ ma sát thấp do John Chanrley sáng chế đã dần dần được dùng phổ biến trên toàn thế giới. Ngày nay ở các nước Âu - Mỹ, thay KHTB là một thủ thuật rất thường nhật, chỉ đứng sau thủ thuật cắt túi mật. Lý do đơn giản vì chất lượng khớp háng nhân tạo hiện nay bảo đảm độ bền tới 30 năm, mang lại hạnh phúc cho hàng triệu - triệu người bệnh bị tàn phế do hư khớp; khi cần thiết có thể thay thế từng bộ phận ví như việc "bảo dưỡng" để cỗ máy hoạt động được bình thường.
Ở Việt Nam, thay KHTB đang có những bước tiến ban đầu trong các trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình. Cũng giống như các nước trong khu vực Đông Nam Á, do tuổi thọ tăng lên, do khả năng kinh tế được cải thiện... chắc chắn thay KHTB sẽ trở thành một kỹ thuật điều trị rất phổ biến ở nước ta.
Tuy nhiên, cũng như bất cứ một kỹ thuật điều trị nào, thay KHTB có thể có những biến chứng, nếu sơ suất kỹ thuật. Do thiếu thông tin cũng như sự huấn luyện cần thiết nên một số biến chứng đã xảy ra ở một số cơ sở.
Khi nào phải thay KHTB? Nên chọn loại khớp nhân tạo nào? Kết quả lâu dài ra sao? Đó là những câu hỏi mà người bệnh thường đặt ra cho người thầy thuốc của mình.
Chỉ định thay KHTB càng ngày càng được mở rộng, ngưỡng tuổi ngày càng được hạ thấp nhờ sự phát triển không ngừng của công nghệ chế tạo nguyên liệu. Một số bệnh cơ bản của khớp háng, đến một lúc nào đó cần được chữa bằng thay KHTB:
1. Viêm khớp
- Viêm khớp dạng thấp.
- Viêm khớp dạng thấp ở người trẻ tuổi (Bệnh Still).
- Viêm dính - hàn khớp.
- Các bệnh thoái hóa khớp (Viêm xương khớp, viêm xương khớp phì đại), với các nguyên nhân nguyên phát, hoặc thứ phát: trượt chỏm xương đùi, trật khớp háng hoặc thiểu sinh ổ cối bẩm sinh, di chứng bẹt chỏm xương đùi do bệnh Legg - Perthes - Calvé, bệnh Paget, trật khớp do chấn thương, vỡ ổ cối; thoái hóa khớp do bệnh ưa chảy máu (Haemophilia).
2. Hoại tử chỏm xương đùi
- Sau gẫy hoặc trật khớp.
- Hoại tử chỏm không rõ nguyên nhân.
- Do trượt chỏm xương đùi.
- Các bệnh hemoglobulin (Bệnh hồng cầu liềm...).
- Bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính.
- Do sử dụng cortisone kéo dài.
- Do nghiện rượu.
- Bệnh Caisson (Tắc mạch cấp do khí ở thợ lặn).
- Bệnh Luput.
- Bệnh Gaucher.
3. Không liền xương sau gãy cổ xương đùi hay gãy khối mấu chuyển kèm hoại tử chỏm.
4. Viêm khớp mủ hoặc viêm xương - khớp đường máu hay sau mổ.
5. Lao khớp háng.
6. Trật hoặc bán trật khớp háng bẩm sinh.
7. Hàn khớp hoặc khớp giả.
8. Sau khi các thủ thuật tái tạo khớp háng khác đã được thực hiện nhưng bị thất bại như: Cắt xương chỉnh hình, bọc chỏm bằng mũ kim loại, thay chỏm bán phần hoặc đã thay KHTB nhưng thất bại, mổ tái tạo diện khớp...
9. U đầu trên xương đùi hay ổ cối.
10. Dị tật di truyền: VD: Bệnh loạn sản sụn.
Đa phần người bệnh do đau đớn không thể chịu đựng được; do hàn hoặc dính khớp, trở nên tàn phế và vấn đề thay KHTB được đặt ra. Sau khi được thay, kết quả lý tưởng là người bệnh phải hết đau, trở lại sinh hoạt và lao động như bình thường, thậm chí chơi cả thể thao. Đối với các dị tật bẩm sinh hoặc di truyền nặng, người bệnh chí ít thoát khỏi cảnh phải bám chặt vào xe lăn khi muốn di chuyển, dáng đi sẽ đẹp và nhẹ nhõm hơn.
Ngày nay đã có hàng trăm loại khớp háng nhân tạo phù hợp cho từng loại bệnh lý, từng lứa tuổi. Chỉ tiếc rằng tất cả còn đều rất đắt so với mức thu nhập bình quân của dân ta.
Cặp khớp Chỏm kim loại - Ồ cối Polyethylene phân tử siêu cao của Charnley Johnson & Johnson (Đường kính chỏm: 22mm), theo các hội thảo quốc tế gần đây, cho những kết quả khá mỹ mãn sau hơn 30 năm sử dụng. Nó có tính ưu việt hơn so với các cặp khác như: Chỏm kim loại - Ồ cối kim loại; Chỏm bằng gốm - Ồ cối bằng gốm... Loại khớp nhân tạo của Charnley Johnson & Johnson đã có trên thị trường Việt Nam, giúp cho các thầy thuốc và người bệnh cùng giải quyết được một số lớn các bệnh lý của khớp háng.
Đặc biệt qua kinh nghiệm của Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội, chúng tôi thấy hầu hết người bệnh được thay KHTB đều còn rất trẻ, lại bị hỏng cả hai bên khớp háng; ta phải bảo đảm cho họ một cuộc sống tương đối bình thường trong 25 - 50 năm còn lại của cuộc đời với số lần mổ lại ít nhất có thể. Việc chỉ định mổ, lựa chọn loại khớp, chọn thời điểm phẫu thuật, môi trường phẫu thuật, tập phục hồi chức năng sau mổ, theo dõi chặt chẽ v.v... tất cả đều rất quan trọng cho kết quả điều trị trước mắt và lâu dài.