THẮC MẮC BIẾT HỎI AI - BS TRẦN BỒNG SƠN
Thắc mắc biết hỏi ai (phần 11)
Không có bệnh bất lực
“Tôi 59 tuổi, còn đầy đủ sức khỏe, nhưng không may đã bị bệnh liệt dương khoảng ba bốn năm nay. Tôi đã uống nhiều thuốc nam nhưng không kết quả”.
(N.V.D., Bình Thạnh)
Bất lực không phải là bệnh mà chỉ là một triệu chứng (như sốt, nhức đầu…) do rất nhiều nguyên nhân bệnh học hoàn toàn khác nhau gây ra như nguyên nhân tâm lý, tim mạch, thần kinh, nội tiết, chấn thương cột sống... Đôi khi lại có nguyên nhân “ngộ nghĩnh” như trường hợp một nữ dược sĩ vì ghen mà “nỡ” cho chồng uống một loại thuốc tâm thần pha vào ly cà phê buổi sáng. Sau khi được người viết khuyên nhủ, vị “Hoạn Thư tân thời” đã chấm dứt màn ghen độc đáo nói trên, và ông chồng tự nhiên dần dần khôi phục.
Như vậy, không có thuốc trị bệnh bất lực mà chỉ có thể điều trị nguyên nhân gây ra bất lực. Các phương tiện hiện có sẽ cho phép ngành y tế tiến hành những khảo sát rất hiện đại để xác định nguyên nhân. Có ba tình huống xảy ra:
- Tìm ra nguyên nhân và điều trị được (tâm lý, cao huyết áp, dùng thuốc bừa bãi…).
- Tìm ra nguyên nhân nhưng không điều trị được (một vài bệnh tim mạch, thần kinh, tiểu đường…).
- Không tìm ra nguyên nhân (khoảng 5%).
Trước đây, với hai tình huống sau, bác sĩ chỉ có cách ghép một bộ phận giả bằng plastic (giá vài cây vàng), rất bất tiện mà hiệu quả thấp. Từ năm 1983, chứng bất lực được khắc phục bằng cách tiêm một loại thuốc giãn mạch thẳng vào dương vật. Đây là một tiến bộ vô cùng quan trọng trong việc “giải quyết trước mắt” triệu chứng bất lực. Đến đầu tháng 9/1991, đã có khoảng 40 loại thuốc được nghiên cứu sử dụng và hơn 20 loại có thể tìm được khá dễ dàng tại TP HCM.
Cắt và nối ống dẫn tinh
"Tôi muốn kế hoạch bằng cách cắt ống dẫn tinh. Nhưng nghe nói việc này sẽ đưa đến nhiều điều tai hại như không thể lao động nặng, suy yếu tình dục, hoặc có người lại sinh ra vô độ. Xin bác sĩ vui lòng cho biết những lời đồn đại ấy có đúng không?".
(V.T.L., quận 6)
Cắt ống dẫn tinh là phương pháp tốt nhất hiện nay để tránh thai, được áp dụng cho những trường hợp đã có đủ 2 con.
- Về mặt sức khỏe: Việc cắt ống dẫn tinh hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì, người đàn ông vẫn lao động bình thường.
- Về mặt tình dục: Anh ta không hề yếu đi và cũng không bớt đi. Nếu có chuyện "vô độ" thì thường là do nguyên nhân tâm lý, vì anh ta không sợ có con nữa, kể cả… con rơi. Tóm lại, sau khi cắt ống dẫn tinh, khả năng tình dục không tăng mà cũng không giảm, tuy có thoải mái hơn (vì hết lo).
- Về mặt xuất tinh: Vẫn bình thường, nhưng có nước mà không có cái.
Hiện các bệnh viện Bình Dân, Hùng Vương, Từ Dũ đều có thực hiện việc cắt ống dẫn tinh. Thông thường, bác sĩ chỉ cắt cho người “không có vấn đề”, để tránh trường hợp bệnh nhân đổ lỗi cho việc cắt ống dẫn tinh, cho rằng đó là nguyên nhân gây ra những trục trặc của họ.
Việc nối lại ống dẫn tinh thường khó và tỷ lệ thành công thấp, nhất là nối lại sau nhiều năm. Các bạn ở TP HCM muốn nối lại có thể đến Bệnh viện Hùng Vương nhờ giáo sư Phạm Gia Đức giúp đỡ giải quyết.