THẮC MẮC BIẾT HỎI AI - BS TRẦN BỒNG SƠN
Thắc mắc biết hỏi ai (phần 32)
Nỗi lo âu về đường con cái
"Cháu nghe nói con gái mà uống thuốc kháng sinh nhiều thì sau này lập gia đình sẽ khó có con. Cháu có bệnh phải uống nhiều kháng sinh nên nghe vậy rất lo buồn. Xin chú giúp cháu với. Có cách gì phòng ngừa không?".
(L.H., Quận 10)
Có rất nhiều loại bệnh phụ khoa phải điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng nếu điều trị chưa đúng mức hoặc quá muộn thì có thể bị hiếm muộn hoặc vô sinh. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra là do bệnh, chứ không phải tại thuốc.
Kháng sinh không bao giờ làm cho khó có con, và cháu chẳng nên lo buồn làm gì cho nó… tổn thọ, chỉ có chú là đâm ra hơi lo lo. Vì chú thuộc “trường phái” cho rằng: Muốn phát triển đất nước, trở thành rồng, một trong những điều kiện quan trọng nhất là phải ngăn chặn được đà gia tăng dân số hiện nay.
Vậy mà, chú đang có trong tay hàng chục lá thư của các cháu, cả nam lẫn nữ, ở lứa tuổi đôi mươi, chưa lập gia đình, chưa cả quan hệ tình dục, nhưng đã sớm biết “mang nỗi lo âu về đường con cái”. Với những câu hỏi như: "Kinh nguyệt cháu không đều, vậy sau này có con được không?" hoặc "Cháu hay bị mộng tinh, sợ sau này khó có con"... thì chỉ thầy bói may ra mới trả lời được, chứ thầy thuốc thì đành chào thua. Muốn thụ thai phải có đủ hai người, và có con là có con với ai? Đàn ông hoặc phụ nữ riêng rẽ, làm sao mà có con cho được?
Đôi khi, một khả năng thụ thai rất thấp ở người chồng có thể được bù đắp bằng sự “mắn con” đặc biệt của bà xã, và ngược lại. Ngoài ra, trong rất nhiều trường hợp cả 2 vợ chồng đều chẳng có vấn đề gì về mặt sinh học, vậy mà vẫn không thể có con với nhau. Sau khi ly dị, cả hai đều có con với người khác.
Về mặt danh từ, hiếm muộn là chậm, khó hoặc lâu có con, trong khi vô sinh là không thể có con được. Hiện nay, hai nguyên nhân vô sinh “kinh điển” là không có tinh trùng ở đàn ông và tắc nghẽn hai vòi trứng về phía phụ nữ, nhiều khi vẫn điều trị được.
Tuy nhiên, cho dù thế nào đi nữa, thì điều trị để có con với ai? Khả năng thụ thai của người đó ra sao? Ngay cả thụ tinh nhân tạo, hoặc thậm chí thụ tinh trong ống nghiệm cũng vẫn cần phải đủ hai người.
Như vậy, chưa có vợ có chồng thì hãy khoan lo chuyện con cái, đó là lĩnh vực khoa học viễn tưởng.
AIDS và đồng tính ái
Trước viễn ảnh còn mơ hồ của thuốc điều trị và vaccin, nhiều tác giả cho rằng, có lẽ nhân loại nên “tự an ủi” bằng những… điều tốt mà AIDS đã mang lại cho loài người.
Vì trong lịch sử, chưa bao giờ khoa học tiến nhanh như hiện nay, nhất là những bộ môn “mũi nhọn”: virus học, sinh học phân tử, miễn dịch học… Chỉ trong vòng có 6 năm sau khi HIV/AIDS, một loại bệnh hoàn toàn mới, xuất hiện, tác nhân của nó đã được xác nhận, với những biện pháp phòng chống, quy định rõ rệt trên qui mô toàn cầu. Nhớ lại các “thế kỷ âm u” mà y học chẳng biết tại sao bị sốt rét, nguyên nhân nào gây ra giang mai…, ta có thể cho rằng, nếu AIDS xuất hiện trước đây vài mươi năm thì với trình độ khoa học kỹ thuật của thập niên 1960, “còn lâu” ta mới biết là do virus, chứ chưa nói đến loại virus nào.
Tuy nhiên, một trong những thay đổi đáng kể nhất nhờ có AIDS là thay đổi về hành vi tình dục ở những người đồng tính ái (ĐTA).