THẮC MẮC BIẾT HỎI AI - BS TRẦN BỒNG SƠN
Thắc mắc biết hỏi ai (phần 20)
Đồng tính luyến ái
"Em rất khổ tâm và buồn chán vì lúc nào cũng phải sống giả dối với lòng mình… Em muốn trở thành một người đàn ông có sinh hoạt tình dục bình thường".
(P.T.S., Bình Chánh)
"Thật trớ trêu, cháu xem bạn gái như người cùng giới. Gần gũi, tiếp xúc với họ, cháu chẳng có cảm giác nào, thậm chí ôm họ trong tay cháu cảm thấy nhờm gớm…".
(N.H.T., Long An)
Tôi nhận được rất nhiều thư hỏi về đồng tính luyến ái. Hầu hết các thư đều trung thực và thành khẩn. Tuy rất trân trọng các thư và thường đọc đi đọc lại nhiều lần để cố tiếp thu cho “hết ý”, tôi cũng phải khẳng định ngay là: Cho đến nay, chưa thấy trường hợp nào là đồng tính ái thật sự theo tiêu chuẩn chẩn đoán của y học hiện đại, kể cả trường hợp một em tuyệt vọng quá đòi chết vì đã mắc “bệnh ngặt nghèo” này.
Trước hết, để mọi việc rõ ràng hơn, chúng ta cũng cần nhắc lại một vài khái niệm về tình dục học:
Đồng tính ái thuộc nhóm lệch lạc đối tượng (thay vì nam-nữ, nữ-nam thì lại là nam-nam, nữ-nữ) và được xếp ngang hàng với các loại “ái” khác, ít phổ biến hơn, như: ái lão, ái nhĩ, ái đồ vật… Do đó, tại miền Nam trước năm 1975, hiện tượng này chỉ được gọi là đồng tính ái, chứ không có 'luyến lưu" gì cả.
Theo nhiều tác giả, số người đồng tính ái trên toàn thế giới hiện nay là khoảng 100 triệu. Riêng ở Việt Nam, theo chủ quan của người viết, đối tượng này chắc chỉ chiếm độ 1% dân số, tức khoảng năm, sáu trăm ngàn.
Vào đầu năm 1990, tại Paris, các đồng nghiệp trong Hội Tình Dục học lâm sàng Pháp (Societé francaise de Sexologie Clinique) đã xác nhận là họ không điều trị đồng tính ái, và rủ người viết đi dự đám cưới của một cặp nam nam ở tỉnh lân cận.
Sau cùng, và là điều quan trọng nhất: Trong y học, mỗi tình trạng bệnh lý đều bắt buộc phải có những tiêu chuẩn chẩn đoán nhất định, không phải hễ cứ nhức đầu là bị viêm màng não hoặc là cao huyết áp. Riêng đồng tính ái, điều kiện đầu tiên để nhận biết là nó chỉ có thể xảy ra vào khoảng 30 tuổi.
Tại sao tình trạng “tưởng là đồng tính ái" lại nhiều như vậy? Tuyệt đại đa số thư nhận được đều xuất phát từ lứa tuổi 17-20, là giai đoạn chuẩn bị làm người lớn, cần phải tự khẳng định mình, hoặc nếu không, cũng phải có một cái gì đó khác người. Trong tình trạng hiện nay, “cái gì đó” không phải dễ đạt. Vậy thì “Cái gì đây?”. Những bài báo khai thác chuyện đồng tính ái trong thời gian vừa qua đã đến thật đúng lúc; nếu không là Lê Bá Khánh Trình thì mình làm “pêđê” vậy. Bạn đừng cười, có thể ý nghĩ này chỉ ở trong tiềm thức các em và khó lòng được chính các em chấp nhận, nhưng sự thật là vậy. Một loại “bệnh không giống ai”, được báo chí thường xuyên đề cập, lại lãng mạn (?) nữa, ít ai được như mình, có một tâm sự u uẩn, bi đát, não nề... thú vị lắm chứ! Trên quan điểm của một thầy thuốc chuyên khoa giới tính, câu kết luận thật đơn giản. Nếu là đồng tính ái thật sự thì phải có các điều kiện cần và đủ để khẳng định. Cho dù xã hội có chấp nhận hay không thì chắc chắn bệnh không thể điều trị được trong thế kỷ 20. Còn nếu không phải đồng tính ái thật sự thì tự nó sẽ hết, chẳng có gì đáng lo. Riêng về AIDS thì các cô gái hay “tiếp xúc” với “khách” nước ngoài chắc chắn phải có tần suất mắc bệnh cao hơn người đồng tính ái bình thường. Ở những người đồng tính ái, chuyện ghen tuông, đâm chém, tự tử, tạt a xít… cũng xảy ra hằng ngày ở người bình thường.
Sau cùng, người viết không tin là có thể bị người đồng tính ái dụ dỗ nếu bản thân không muốn. Nguyên nhân thực tế có thể là kinh tế chẳng hạn.